Theo YHCT, cây rau đắng có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, giải độc, sát trùng, chỉ ngứa. Dùng trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa, như kiết lỵ, táo bón, hoặc đường tiết niệu, như đi tiểu buốt rắt, hoặc các bệnh viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận, gây phù nề.
Rau đắng, hay còn gọi là rau xương cá (Polygonum avicularae L.), họ Rau răm (Polygonacae), là loại thân thảo, sống lâu năm, có chiều cao của thân khoảng 10 cm, thân và cành nhẵn, có màu đỏ tím, mọc tỏa tròn, gần sát mặt đất. Lá nhỏ, mọc so le, hình mác hẹp, mép nguyên, hai mặt nhẵn, gân giữa lá nổi rõ, bẹ chìa. Hoa màu hồng tím. Quả 3 cạnh, chứa một hạt màu nâu. Cây rau đắng mọc hoang ở nhiều nơi, từ đồng bằng đến trung du và vùng núi thấp của nước ta, thường mọc thành đám trong các ruộng trồng hoa màu , bãi sông, nương rẫy.
Rau đắng có các thành phần tinh dầu, tanin, axít silicic, oxalic, cafeic, galic; các glycosid: avicularosid, kaempferitrosid; các dẫn chất polyphenol: quercetin, kaemferol, quercitrin, esculetin, avicularin,…;dẫn chất anthranoid: emodin; các a xít amin: methionin, prolin, serin, treonin, tyrosin, phenylalanin; các loại đường, chất nhầy….
Rau đắng có tác dụng cầm máu, nước sắc và cao chiết bằng ethanol có tác dụng làm tăng khả năng đông máu. Tác dụng hạ huyết áp, lợi mật. Tác dụng lợi tiểu, hạ sốt. Tăng cường hô hấp. Tác dụng gây co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của động vật thí nghiệm. Tác dụng trừ giun. Ức chế sự phát triển của liên cầu khuẩn, lỵ trực khuẩn, trực khuẩn mủ xanh và nấm ngoài da.
Theo YHCT, cây rau đắng có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, giải độc, sát trùng, chỉ ngứa. Dùng trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa, như kiết lỵ, táo bón, hoặc đường tiết niệu, như đi tiểu buốt rắt, hoặc các bệnh viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận, gây phù nề.
Liều dùng, ngày 10 – 20g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cây tươi để đắp.
– Rau đắng trị tiểu tiện ít và khó khăn, rau đắng 16g, xa tiền tử, mộc thông, tỳ giải, mỗi vị 12g, sơn chi tử 8g, sắc uống, ngày một thang.
– Rau đắng trị tiểu tiện rắt, buốt, rễ rau đắng, hạt ké vông vang, nhân trần, mộc thông, xa tiền tử, lá tre, mỗi vị 8g, đăng tâm thảo, thông thảo, mỗi vị 3g, sắc uống, ngày một thang.
– Rau đắng trị viêm bàng quang cấp tính, rau đắng 12g, tỳ giải, bồ công anh, mỗi vị 20g, sài hồ, hoàng cầm, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, mộc thông 6g. Nếu có triệu chứng đi tiểu ra máu, thêm sinh địa, chi tử (sao đen), bạch mao căn (sao đen), mỗi vị 12g.
– Rau đắng trị giun đũa ở trẻ em, lấy rau đắng tươi 100g, sắc uống, ngày một lần.
– Rau đắng trị ngứa hậu môn, phụ nữ ngứa âm hộ: lấy khoảng 200g rau đắng tươi, sắc lấy nước rửa, ngày 1 – 2 lần. Làm nhiều lần sẽ có kết quả tốt.
– Rau đắng trị mụn nhọt độc, quai bị sưng tấy, đỏ đau, lấy rau đắng tươi rửa sạch, thêm chút muối ăn giã nát, ngày đắp nhiều lần.
– Rau đắng trị nhiệt miệng: rửa sạch một nắm rau đắng rồi giã lấy nước cốt. Ngậm nước cốt đó trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em, các bé không chịu được đắng thì có thể lấy đầu tăm bông thấm nước cốt cây rau đắng rồi chấm lên vết loét cho bé.
– Rau đắng trị đau răng: cây rau đắng rửa sạch, sắc nước uống ngày 2 lần uống. Dùng khoảng 2 – 3 ngày sẽ thấy có hiệu quả.
- Những phụ nữ đang mang thai nên cẩn trọng khi sử dụng vì đã có một số những ghi nhận thử nghiệm trên chuột, các chất có trong rau đắng có tác dụng gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu. Làm tăng nguy cơ sảy thai, xuất huyết.
- Ăn nhiều rau đắng trong một bữa ăn có thể tốt cho người bị táo bón nhưng đối với người bình thường hoặc người đang có hệ tiêu hóa không được khỏe sẽ gây ra tình trạng tiêu lỏng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh