Đậu đỏ có tên thuốc trong Đông y là xích tiểu đậu. Dược liệu hạt già mẩy, vỏ đỏ, nhân hồng, khô, rắn, chắc, không mốc mọt. Tạng nhiệt thì dùng sống, tạng hơi hàn thì sao qua (có thể sao đen tồn tính có công dụng an thần, lợi tiểu) nhưng thường dùng sống.
Đậu đỏ vị ngọt chua, tính bình, vào 2 kinh tâm và tiểu tràng có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu sưng tấy, rút mủ, cầm máu. Chủ trị phù thũng, nhiệt miệng, mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay, bệnh ngoài da. Theo Y học hiện đại, đậu đỏ có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol và chống ung thư.
- Trị viêm thận cấp tính: đậu đỏ 50g, cá chép 1 con, bí đao 1kg, hành hoa. Chế biến thành món canh cá chép đậu đỏ rồi ăn cả nước lẫn cái. Ăn nóng, ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 5-7 ngày.
- Trị phù thũng, tiểu tiện không thông: đậu đỏ 20g, hạt bo bo 30g, gạo tẻ 30g. Đậu đỏ ngâm mềm nấu trước, rồi cho gạo tẻ, hạt bo bo vào nấu nhừ, thêm đường. Ngày ăn 2 lần.
- Thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tĩnh tâm, an thần: đậu đỏ 20g, đảng sâm 8g, đương quy 8g, tim lợn 1 quả, nấm hương vừa đủ. Tất cả hầm mềm, ăn cái, uống nước.
- Trị viêm tiểu cầu thận: đậu đỏ 90g, râu ngô 60g, táo đỏ 20g, thêm đường vừa đủ. Nấu nước uống trong ngày (thời gian điều trị từ 1 - 3 tháng).
- Trị tiểu đường, mẩn ngứa, mụn nhọt: đậu đỏ 30g, bí đao 1kg. Đậu đỏ nấu trước với nước cho mềm, bí đao cho vào sau. Ăn cái, uống nước.
- Bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, tăng cường sức khỏe: đậu đỏ 30g, chim cút 2 con, gừng tươi 3 lát. Hầm mềm, nêm gia vị, ăn nóng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh