✴️ Thuốc thanh nhiệt (P3)

THANH NHIỆT LƯƠNG HUYẾT

Thuốc thanh nhiệt lương huyết phần lớn có tính vị ngọt, mặn, lạnh, có tác dụng thanh giải nhiệt tà ở doanh phận, huyết phận.

Sinh địa hoàng

Sinh địa hoàng (Rhizoma Rehmanniae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây sinh địa hoàng Rehmannia glutinosa Libosch, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Tính vị: ngọt, đắng, lạnh. Qui kinh tâm, can, phế.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm sinh tân.

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh huyết, miệng khô, lưỡi hồng giáng, sốt cao, hôn mê, thường dùng cùng huyền sâm như bài thanh doanh thang. Điều trị ôn bệnh giai đoạn cuối, sốt chưa dứt, âm dịch hao tổn, đêm sốt ngày lạnh, lưỡi hồng, mạch sác thường dùng cùng với  miết giáp, thanh cao, tri mẫu như bài thanh doanh miết giáp thang.

Chứng huyết nhiệt vong hành, ban chẩn, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, băng lậu (đều dùng tươi) như bài tứ sinh hoàn.

Chứng tân dịch hao tổn, nội nhiệt tiêu khát, thường dùng cùng  sinh hoàng kỳ. Điều trị ôn bệnh thương âm, trường táo tiện bí thường phốp hợp với huyền sâm, mạch môn như bài tăng dịch thang.

Liều dùng: 10 - 30g.

Chú ý: không dùng khi tỳ hư khí trệ, bụng chướng đầy.

Tác dụng dược lý: có tác dụng cường tim, lợi niệu, nâng huyết áp, giảm đường máu. Trên thực nghiệm ở chuột thấy rút ngắn thời gian chảy máu. Ngoài ra còn bảo vệ tế bào gan, chống tổn thương do phóng xạ, ức chế sinh trưởng của một số khuẩn.

Huyền sâm

Huyền sâm (Radis Scrophulariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây huyền sâm Scrophularia ningpoensis Hemsl, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, mặn, hàn. Qui kinh phế, vị, thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, tư âm giải độc.

Chỉ định:

Chứng  ôn bệnh nhập doanh gây sốt cao về đêm, tâm phiền, miệng khát, lưỡi hồng giáng, mạch sác thường dùng cùng sinh địa, mạch môn, liên kiều như bài thanh doanh thang. Điều trị bệnh ôn nhiệt, khí huyết lưỡng hư, phát ban chẩn, thường dùng cùng  thạch cao, tri mẫu như bài hoá ban thang.

Điều trị hầu họng sưng đau trong bệnh ngoại cảm, sốt cao thường dùng cùng  bạc hà, liên kiều, bản lam căn như bài Phổ tễ tiêu độc ẩm. Điều trị xưng đau hầu họng do âm hư hoả vượng thường dùng cùng  mạch môn, cát cánh, cam thảo như bài huyền mạch cam cát thang. Điều trị đàm hoả uất kết gây xưng hạch thường dùng cùng  bối mẫu, mẫu lệ như bài tiêu loa hoàn. Điều trị mụn nhọt lở loét thường dùng cùng  kim ngân hoa, liên kiều, tử hoa địa đinh.

Ngoài ra điều trị ho ra máu thường dùng cùng với bách hợp, địa hoàng, bối mẫu. Điều trị cốt trưng triều nhiệt thường dùng cùng địa cốt bì, ngân sài hồ, đan bì. Điều trị nội nhiệt tiêu khát thường dùng cùng với ngũ vị tử, kỷ tử, mạch môn.

Liều dùng: 10 - 15g.

Chú ý: không nên dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: có tác dụng hạ huyết áp, giảm đường máu mức độ nhẹ, cường tim mức độ nhẹ. Khi dùng liều cao sẽ có biểu hiện trúng độc. Ngoài ra có tác dụng giãn mạch, tăng cường tuần hoàn cục bộ, dùng để điều trị viêm tắc động tĩnh mạch, ức chế một số trực khuẩn ngoài da. Trên thực nghiệm có tác dụng trung hoà độc tố bạch hầu.

Mẫu đan bì

Mẫu đan bì (Cortex Paeoniae suffruticosae) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây mẫu đơn Paeonia suffruticosa Andr, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Tính vị: đắng, cay hơi lạnh. Qui kinh tâm, can, thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết tán ứ.

Chỉ định:

Chứng ôn bệnh, nhiệt nhập doanh huyết, bức huyết vong hành, phát ban chẩn, nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng sinh địa, xích thược.

Chứng ôn bệnh giai đoạn phục hồi, tà nhiều âm phận, tân dịch hao tổn đêm sốt ngày mát, sốt giảm không có mồ hôi, thường dùng cùng miết giáp, sinh địa, tri mẫu như bài thanh doanh miết giáp thang.

Chứng huyết trệ kinh bế, co thắt nổi cục ở bụng thường dùng cùng đào nhân, xích thược, quế chi như bài quế chi phục linh hoàn. Điều trị các vết bầm dập do ngã, gây tụ máu thường dùng cùng đương qui, đào nhân, nhũ hương.

Điều trị  mụn nhọt lở loét thường dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh. Điều trị viêm loét đại tràng thường dùng cùng đại hoàng, mang tiêu, đào nhân như bài đại hoàng mẫu đan bì thang.

Liều dùng: 6 - 12g.

Chú ý: không dùng khi huyết hư có hàn, kinh nguyệt quá nhiều, phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: có tác dụng kháng viêm, trấn tĩnh, hạ sốt, giảm đau, chống co quắp, giảm huyết áp, ức chế TK lỵ, TK thương hàn. Thực nghiệm động vật thấy gây xung huyết niêm mạc tử cung, có tác dụng thông kinh. Ngoài ra có tác dụng chống loét dạ dày, ức chế tiết dịch vị.

 

XÍCH THƯỢC

Xích thược (Radis Paeoniae rubae) là rễ phơi hay sấy khô của cây xích thược Paeonia lactiflora Pall, thuộc họ mao lương Ranunculaceae . Không nên nhầm với cây hoa thược dược vẫn được trồng làm cảnh thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị:  đắng, hơi lạnh. Qui kinh can.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, tán ứ chỉ thống.

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh huyết, ban chẩn, chảy máu cam thường dùng cùng với sinh địa, đan bì.

Chứng huyết nhiệt ứ trệ, bế kinh, thống kinh thường dùng cùng ích mẫu thảo, đan sâm, trạch lan. Điều trị huyết ứ gây hòn khối ở bụng, thường dùng cùng đan bì, đào nhân, quế chi như bài quế chi phục linh hoàn. Điều trị vấp ngã gây bầm dập thường dùng cùng nhũ hương, một dược, huyết kiệt. Điều trị mụn nhọt lở loét thường dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, chi tử.

Chứng đau mắt đỏ có màng che, thường dùng cùng cúc hoa, mộc tặc, hạ khô thảo.

Liều dùng: 6 - 15g.

Chú ý: huyết hàn kinh bế không nên dùng.

Tác dụng dược lý: giãn mạch vành, tăng cường khả năng chịu đựng thiếu oxy, ngăn ngừa tụ tập tiểu cầu, chống hình thành cục máu đông, chống thiếu máu cơ tim  trên thực nghiệm, giảm co thắt, trấn tĩnh, chống viêm, giảm đau, chống co giật, chống loét và giảm huyết áp.

Thủy ngưu giác

Thủy ngưu giác (Cornu Bubali) là sừng của con trâu Bubalus bubalis Linnaeus, thuộc họ trâu bò Bovidae, mài hoặc tán bột hoặc sắc uống.

Tính vị: mặn lạnh, quy kinh tâm can thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết giải độc.

Chỉ định:

Chứng ôn bệnh, nhiệt nhập huyết phận, sốt cao không giảm, lơ mơ nói nhảm, lưỡi hồng giáng, mạch sác hoặc có ban chẩn thường dùng cùng với sinh địa, huyền sâm, ngân hoa, liên kiều. Nếu sốt cao, vật vã, chân tay co quắp thường dùng với linh dương giác, thạch cao.

Chứng huyết nhiệt vong hành, nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng với sinh địa, đan bì, xích thược.

Liều dùng: 6 -15g.

Chú ý: tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm thấy tăng cường khả năng co bóp của tim, trên chuột thấy có tác dụng chấn tĩnh, giảm co quắp, chống viêm, rút ngắn thời gian chảy máu, giảm tính thấm của vi mạch... 

 

THUỐC THANH HƯ NHIỆT

Định nghĩa: thuốc thanh hư nhiệt là những vị thuốc có tác dụng thanh hư nhiệt, thoái cốt trưng. 

Chỉ định: chủ yếu dùng trong can thận âm hư, hư hỏa nội nhiễu gây ra cốt trưng triều nhiệt, sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, đạo hãn, di tinh, lưỡi hồng ít rêu, mạch tế sác.

Khi sử dụng thường phối hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết và thanh nhiệt dưỡng âm.

Thanh hao

Thanh hao (Herba Artemisiae) là toàn bộ phần trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây thanh hao Artemisia annua L,  thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, cay, lạnh. Qui kinh can, đởm, thận.

Tác dụng: thanh hư nhiệt, trừ cốt trưng, giải thử, tiệt ngược.

Chỉ định:

Chứng ôn tà thương âm, đêm sốt, ngày mát, thường dùng cùng miết giáp, tri mẫu, đan bì như bài thanh cao miết giáp thang.

Chứng âm hư phát nhiệt, lao nhiệt cốt trưng thường dùng cùng với ngân sài hồ, hoàng liên, tri mẫu, miết giáp như bài thanh cốt tán.

Chứng cảm phải thử tà, phát sốt, đau đầu, miệng khát, thường dùng cùng với liên kiều, phục linh, hoạt thạch, thông thảo.

Chứng sốt rét có thể dùng thanh cao liều cao hãm nước uống, hoặc phối hợp với quế tâm, hoàng cầm, hoạt thạch, thanh đại.

Liều dùng: 3 - 10g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư nhược.

Tác dụng dược lý: ức chế sinh trưởng của ký sinh trùng sốt rét, trực tiếp có tác dụng diệt KST sốt rét. Ngoài ra có tác dụng giảm huyết áp, hạ sốt, ức chế TK ngoài da, giảm ho, tiêu đàm, bình xuyễn. Trên thực nghiệm chuột bạch có tác dụng lợi mật.

Bạch vi

Bạch vi (Radis Cynanchi atrati) là rễ của cây bạch vi Cynanchum atratum Bge phơi hay sấy khô.

Tính vị: đắng, mặn, lạnh. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, lợi niệu thông lâm, giải độc.

Chỉ định:

Thuốc có tác dụng thanh thực nhiệt, thoái hư nhiệt, dùng để điều trị ôn tà nhập doanh, sốt cao phiền khát, lú lẫn, lưỡi hồng giáng, thường dùng cùng sinh địa, huyền sâm. Điều trị âm hư nội nhiệt, cốt trưng triều nhiệt, thường dùng cùng sinh địa, tri mẫu, thanh cao. Điều trị sản hậu phát nhiệt, đêm sốt ngày mát, hôn mê co giật... thường dùng cùng đương qui, nhân sâm, cam thảo như bài bạch vi thang.

Chứng thấp nhiệt bàng quang, đái buốt, đái máu, thường dùng cùng mộc thông, hoạt thạch, thạch vĩ.

Điều trị mụn nhọt, sưng đau họng, rắn cắn, uống trong dùng ngoài đều được. Ngoài ra còn điều trị viêm phổi, ho, sốt, họng khô, khát nước.

Liều dùng: 3 - 12g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: tăng sức bóp tâm thu, hạ sốt, lợi niệu.

Địa cốt bì

Địa cốt bì (Cortex Lycii chinensis) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây kỷ tử Lycium chinensis Mill, thuộc họ cà Solannaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, lạnh. Qui kinh phế, can, thận.

Tác dụng: lương huyết thoái trưng, thanh phế giáng hoả.

Chỉ định:

Chứng âm hư phát nhiệt, đạo hãn cốt trưng thường dùng cùng với tri mẫu, miết giáp, ngân sài hồ như bài địa cốt bì thang.

Chứng phế nhiệt khái thấu, thường dùng cùng tang bạch bì, cam thảo như bài trạch bạch tán.

Chứng nhiệt bức huyết vong hành gây nôn ra máu, chảy máu mũi, đái ra máu, thường dùng cùng với bạch mao căn, trắc bá diệp.

Liều dùng: 6 - 15g.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn, ngoại cảm phong hàn.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên thỏ thấy có tác dụng hạ sốt, giảm huyết áp, giảm đường máu, giảm cholesteron máu, hưng phấn tử cung, ức chế TK thương hàn, phó thương hàn, TK lỵ.

Ngân sài hồ

Ngân sài hồ (Radis Stellariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây ngân sài hồ Stellaria dichotoma L. var, thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae.

Tính vị: ngọt, hơi lạnh. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: thanh hư nhiệt, trừ cam nhiệt.

Chỉ định:

Chứng âm hư phát nhiệt, đạo hãn, cốt trưng triều nhiệt, thường dùng cùng địa cốt bì, thanh cao, miết giáp như bài Thanh cốt tán.

Chứng cam tích phát nhiệt, thường dùng cùng kê nội kim, sử quân tử, đẳng sâm, để tiêu tích trừ giun, kiện tỳ.

Liều dùng: 3 - 10g.

Chú ý: không dùng khi ngoại cảm phong hàn.

Tác dụng dược lý: giảm cholesterol máu.

Hồ hoàng liên

Hồ hoàng liên (Rhizoma Picrophizae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây hồ hoàng liên Picrophiza scrophulariiflora Rennell, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Qui kinh tâm, can, vị, đại trường.

Tác dụng: thoái hư nhiệt, trừ cam tích, thanh thấp nhiệt.

Chỉ định:

Chứng cốt trưng triều nhiệt, thường dùng cùng ngân sài hồ, địa cốt bì trong bài thanh cốt tán.

Chứng trẻ em cam tích thường dùng cùng đẳng sâm, bạch truật, sơn tra như bài phì nhi hoàn.

Chứng thấp nhiệt đại tràng gây đi lỏng lỵ thường dùng cùng hoàng cầm, hoàng bá, bạch đầu ông. Điều trị trĩ xưng nề thường dùng cùng với  xạ hương, thạch quyết minh, quỷ hoa, xuyên sơn giáp làm thành viên hoàn. 

Liều dùng: 3 - 10g.

Tác dụng dược lý: lợi mật, kháng khuẩn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top