✴️ Vị thuốc Cây Chùm ngây

Nội dung

1. Mô tả

  • Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 5-10m. Vỏ cây dày, có khía ranh. Thân non có lông.
  • Lá kép, mọc so le, 3 lần lông chim, dài 30-60cm, 6-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối.
  • Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá, lá bắc hình chỉ, hoa màu trắng, hơi giống hoa họ Đậu, đài có 5 răng hình thuôn, uốn cong, tràng 5 cánh hình thìa, nhị 5, chỉ nhị có lông ở gốc, bầu thượng, 1 ô, có lông.
  • Quả có thiết diện tam giác, dài 25-30cm hay hơn, mọc thõng xuống, mở làm 3 mảnh, hạt có 3 cạnh và có cánh màu trắng, dạng màng.
  • Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-9

2. Phân bố, sinh thái

Chùm ngây được trồng rải rác ở các tỉnh phía nam từ Quảng Nam trở vào.

Bộ phận sử dụng
Rễ và toàn cây

3. Thành phần hóa học

  • Lá chùm ngây chứa các chất gôm và 2 alcaloid là moringin và moringinin.
  • Vỏ thân chứa chất bezylanin và β sitosterol.

4. Tác dụng dược lý

Hoạt tính kháng nấm gây bệnh: dịch chiết từ lá và hạt Chùm Ngây bằng ethanol có các hoạt tính diệt được nấm gây bệnh loại Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis.

Tác dụng của quả Chùm Ngây trên cholesterol và lipid trong máu:

Nghiên cứu tại ĐH Baroda, Kalabhavan, Gujarat (Ấn Độ) về hoạt tính trên các thông số lipid của quả Chùm Ngây, thử trên thỏ, ghi nhận : Thỏ cho ăn Chùm Ngây (200mg/kg mỗi ngày) hay uống lovastatin (6mg/kg/ ngày) trộn trong một hổn hợp thực phẩm có tính cách tạo cholestero cao, thử nghiệm kéo dài 120 ngày.

  • Kết quả cho thấy Chùm Ngây và Lovastatin có tác dụng gây hạ cholesterol, phospholipid, triglyceride, VLDL, LDL hạ tỷ số cholesterol/ phospholipid trong máu..so với thỏ trong nhóm đối chứng. Khi cho thỏ bình thường dùng Chùm Ngây hay Lovastatin : mức HDL lại giảm hạ nhưng nếu thỏ bị cao cholesterol thì mức HDL lại gia tăng. Riêng Chùm Ngây còn có thêm tác dụng làm tăng sự thải loại cholesterol qua phân (Journal of Ethnopharmacology Số 86-2003).

Các hoạt tính chống co giật, chống sưng và gây lợi tiểu :

Hoạt tính chống co giật được chứng minh bằng thử nghiệm trên chuột đã cô lập, hoạt tính chống sưng thử trên chân chuột bị gây phù bằng carrageenan và tác dụng lợi tiểu bằng lượng nước tiểu thu được khi chuột được nuôi nhốt trong lồng.

  • Nước trích từ hạt cho thấy tác động ức chế khá rõ sự co giật gây ra bởi acetylcholine ở liều ED50= 65.6 mg/ml môi trường ; tác động ức chế phụ gây ra do carrageenan được định ở 1000mg/kg và hoạt tính lợi tiểu cũng ở 1000 mg/kg. Nước trích từ Rễ cũng cho một số kết quả (Journal of Ethnopharmacology Số 36-1992).

Khả năng ngừa thai của Rễ Chùm Ngây: Nghiên cứu tại ĐH Jiwaji, Gwalior (Ấn độ) về các hoạt tính estrogenic, kháng estrogenic, ngừa thai của nước chiết từ Rễ Chùm Ngây ghi nhận chuột đã bị cắt buồng trứng, cho uống nước chiết, có sự gia tăng trọng lượng của tử cung.

Hoạt tính kháng sinh của Hạt Chùm Ngây :

  • 4 (alpha-L-Rhamnosyloxy)benzyl isothiocyanate được xác định là có hoạt tính kháng sinh mạnh nhất trong các hoạt chất trích từ hạt Chùm Ngây ( trong hạt Chùm Ngây còn có benzyl isothiocyanate).
  • Hợp chất trên ức chế sự tăng trưởng của nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh. Nồng độ tối thiểu để ức chế Bacillus subtilis là 56 micromol/l và để ức chế Mycobacterium phlei là 40 micromol/l (Planta Medica Số 42-1981).

5. Công dụng 

  • Cành non, lá non hoặc lá bánh tẻ, hoa và quả xanh đem luộc ăn giúp lưu thông máu huyết, làm dễ tiêu hóa, tác dụng trên hệ thần kinh, làm dịu đau.
  • Lá non dùng riêng hoặc phối hợp với dược liệu khác là thuốc lợi sữa
  • Lá già có tác dụng lợi tiểu nhẹ
  • Nhựa (gomme) từ thân có tác dụng làm dịu đau.

Hiện nay, Mỹ là nước nhập nguyên liệu Moringa thô nhiều nhất, sử dụng trong công nghệ mỹ phẩm cao cấp, nước uống và quan trong hơn là chiết suất thành nguyên liệu tinh cung ứng cho công nghiệp dược phẩm, hóa chất.

Ở Ấn Độ, Chùm Ngây được gọi là sainjna, mungna (Hindi, Asam, Bengal..); phạn ngữ: Shobhanjana. Là một trong những cây thuốc “dân gian” rất thông dụng tại Ấn Độ. Vỏ thân được dùng trị nóng sốt, đau bao tử, đau bụng khi có kinh, sâu răng, làm thuốc thoa trị hói tóc; trị đau trong cổ họng (dùng chung với hoa của cây nghệ, hạt tiêu đen, rễ củ Dioscorea oppositifolia); trị kinh phong (dùng chung với thuốc phiện); trị đau quanh cổ (thoa chung với căn hành của Melothria heterophylla, Cocci nia cordifolia, hạt mướp (Luffa) và hạt Lagenaria vulgaris); trị tiểu ra máu; trị thổ tả (dùng chung với vỏ thân Calotropis gigantea, Tiêu đen, và Chìa vôi. Hoa dùng làm thuốc bổ, lợi tiểu. Quả giã kỹ với gừng và lá Justicia gendarussa để làm thuốc đắp trị gẫy xương. Lá trị ốm còi, gây nôn và đau bụng khi có kinh. Hạt: dầu từ hạt để trị phong thấp.

6. Một số nghiên cứu về ứng dụng của Chùm Ngây

” Nghiên cứu rộng rãi nhất về giá trị của Moringa oleifera được thực hiện tại ĐH Nông Nghiệp Falsalabad, Pakistan”

Moringa oleifera Lam. (Moringaceae) là một cây có giá trị kinh tế cao, cây phân bố tại nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây vừa là một nguồn dược liệu và là một nguồn thực phẩm rất tốt. Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, và là một nguồn cung cấp chất đạm, vitamins, beta-carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics…

“Nghiên cứu về khả năng làm thuốc kích thích sinh trưởng thực vật”          

David.L.Martin (2000) khi nghiên cứu sử dụng tinh dầu chiết xuất từ lá cây chùm ngây làm chất kích thích sinh trưởng thực vật đã cho kết quả khả quan: chất kích thích sinh trưởng từ cây chùm ngây có thể làm tăng sản lượng từ 25-30% với các cây nông nghiệp ngắn ngày sau khi phun như hành, đậu tương, ớt tím, ngô, cà phê, chè…

“Nghiên cứu về khả năng sử dụng chùm ngây để chiết suất nhiên liệu sinh học và khí Biogas”    

Nikolaus Foild (2000) và tổ chức nhà thờ thế giới đã sử dụng hạt của cây chùm ngây chiết suất nhiên liệu sinh học (Bio-diezen) cũng cho kết quả hết sức khả quan: 11kg hạt cây Chùm ngây có thể chiết suất được 2,6 lít dầu biodiezen, hiệu quả chiết suất lên tới 65%, quy trình chiết suất dầu hết sức đơn giản. Sử dụng nghiên cứu này, công ty FAKT(Đức) đã cho ra đời dây chuyền chiết suất nhiên liệu sinh học từ cây Chùm ngây với khả năng chiết suất được 80 – 90 kg dầu/h, giá thành khoảng 1400USD.

Về ứng dụng công nghiệp

Gỗ cây Chùm ngây rất nhẹ, có thể dùng làm củi nhưng năng lượng không cao. Nó được xem là nguồn nhiên liệu tiềm năng cho kĩ nghệ giấy với chất lượng bột giấy được so sánh ngang với cây dương ( Poputus.sp). Vỏ cây thường làm thảm chùi chân hay bện làm dây thừng ở châu Phi, ngoài ra tại Jamaica và Senegal, người ta còn sử dụng vỏ cây làm thuốc nhuộm vải.(Foil, 2006)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top