✴️ Vị thuốc cây Cối xay

Nội dung

Tên tiếng Việt: Cối xay, Giàng xay, Kim hoa thảo, Quýnh ma, Co tó ép (Thái), Phao tôn (Tày)

Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet

Tên đồng nghĩa: Sida indica L.

Họ: Malvaceae (Bông)

Công dụng: Phong thấp, tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết, viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ...Vỏ lợi tiểu, đi tiểu nước đái đỏ, mụn nhọt. Hạt có tác dụng xổ.

1. Thông tin khoa học

  • Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet
  • Tên Tiếng Việt: Cối xay, Giàng xay, Kim hoa thảo, Quýnh ma, Co tó ép (Thái), Phao tôn (Tày)
  • Họ Bông (Malvaceae).

2. Mô tả:

  • Cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1 – 1,5 m. Cành hình trụ, phủ lông nhỏ mềm, hình sao.
  • Lá mọc so le, có cuống dài, hình tim, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông mềm, mặt dưới màu trắng xám, gân chính 5 – 7; lá kèm hình chỉ.
  • Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá; cuống dài có đốt gấp khúc; đài có lông ngắn ở mặt ngoài, lông dài ở mặt trong, hình tam giác, màu tro; cánh hoa hình tam giác ngược hay hình nêm; nhị nhiều, tụ tập trên một trụ có lông xồm xoàm ở gốc; bầu có lông, gồm khoảng 20 lá noãn.
  • Quả do nhiều nang họp lại, xếp xít nhau nom giống cái cối xay, nang có lông ở phần lưng và có mỏ nhọn.
  • Mùa hoa: tháng 2 – 3, mùa quả: tháng 4 – 6.

3. Phân bố:

Cối xay mọc hoang dại rải rác ở hầu hết các tỉnh, từ vùng đồng bằng ven biển đến trung du và cả vùng núi thấp (dưới 600 m).

4. Sinh thái:

  • Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng ở thời kỳ cây còn nhỏ, thường mọc lẫn với các loại cây bụi thấp ở bờ rào, ven đồi hoặc bờ nương rẫy.Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; rụng lá vào mùa đông hoặc mùa khô. Mỗi quả có nhiều hạt; khi chín tự mở cho hạt thoát ra ngoài.
  • Sau khi chặt, phần còn lại của cây có khả năng tiếp tục tái sinh.

5. Cách trồng: 

  • Cối xay có thể trồng ở nhiều nơi, tốt nhất là trên đất nhiều mùn, không bị úng ngập. Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt được gieo và mùa xuân trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng.
  • Vườn ươm cần làm đất cho tơi nhỏ, lên luống vừa phải sao cho tiện chăm sóc.
  • Hạt nên trộn với cát, gieo vãi hoặc gieo theo hàng, dùng rơm rạ phủ lên mặt luống và tưới ẩm hằng ngày.
  • Đất trồng cối xay, sau khi cày bừa, làm sạch cỏ, cần lên thành luống cao 30cm, rộng 70 – 90cm và bón lót một ít phân chuồng mục. Cây con được đánh đi trồng vào ngày tạnh ráo, với khoảng cách 50x50cm hoặc 50x70cm, mỗi luống chồng 2 hàng, có thể trồng theo nanh sấu. Trồng xong, nhất thiết phải tưới nước ngay, nếu không sẽ chết. Lần thứ nhất dùng vào tháng 2 -3 để cây sinh trưởng và lần thứ 2 vào tháng 5-7 để giúp cây ra hoa, kết hạt. Có thể dùng nước phân chuồng, phân đạm hoặc nước giải pha loãng để tưới thúc.
  • Cối xay có thế bị sâu cắn lá. Nếu nhiều có thể dùng Sherpa 25EC để phun với nồng độ 0,1 – 0,15%. Khi cây cao khoảng 1m, bắt đầu thu hoạch cành lá, phơi khô và bảo quản nơi khô rao. Hạt cối xay chín rải rác, căn định kỳ thu hái kịp thời.

Cây cối xay

6. Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất của cây cối xay đã phơi hoặc sấy khô. Dược liệu gồm những đoạn thân, cành lá, quả…

7. Thành phần hóa học: 

  • Flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, đường. Các flavonoid là gossypin, gossypitin, cyanidin-3-rutinosid. Các acid amin là alanin, acid glutamic, arginin, valin. Các đường là glucose, fructose, galactose.
  • Hạt chứa 5% dầu béo, các acid béo là acid palmitic, acid stearic và một số acid béo khác; phần không xà phòng hóa chiếm 1,7%

8. Tác dụng dược lý:

  • Theo tài liệu Ấn Độ, dịch chiết bằng cồn từ cây cối xay có tác dụng hạ nhiệt trên súc vật thí nghiệm, tác động qua ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương. Về độc tính cấp, trên chuột nhắt trắng LD50 của cây cối xay được xác định là 1000mg/kg. Cây cối xay còn được nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm đơn bào, hạ đường huyết, lợi tiểu nhưng không có kết quả.
  • Hoạt chất gossypin có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột so carragenin gây nên, đồng thời ức chế sự thẩm thấu của protein huyết tương ra ngoài thành mạch. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cán bộ quân dân y Nghĩa Bình đã phát hiện tác dụng chống viên rất mạnh của cối xay và đã thu được kết quả tốt trong điều trị đau viêm xương khớp. Trên mô hình gây viêm bàn chân chuột bằng cách tiêm nhũ dịch kaolin, tác dụng ức chế phù của cối xay đạt 84,4% so với nhóm chứng, vào thời điểm 5 giờ sau khi gây viêm. Hạt cối xay có tác dụng nhuận tràng, tiêu viêm.

9. Tính vị, công năng: 

Cối xay có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thung, hoạt huyết.

10. Công dụng: 

  • Cối xay là vị thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm nhân dân, chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi đẻ, kiết lỵ, mắt có màng mộng, tai điếc.
  • Lá giã nát đạp ngoài chữa mụn nhọt. Ngoài ra, lá cối xay phơi khô sắc uống với nhân trần và vọng cách dùng chữa chứng vàng da hậu sản. Liều dùng mỗi ngày 5 -10g dược liệu khô hoặc 10 – 40g dược liệu tươi.
  • Dựa trên cơ sở phát hiện chống viêm của cối xay. Viện quân y 103 quân khu 5 đã dùng cối xay phối hợp với các vị thuốc khác trong đơn chè khớp như sau: lá và thân cây cối xay 3g, trinh nữ 10g, rau muống biển 3g, lá lạc tiên 3g, rễ có xướng 3g, lá vòi voi 3g, lá lốt 3g. Hãm uống như hè trong ngày. Đã điều trị có kết quả tốt cho nhiều người bệnh đau viêm khớp có sốt 38 – 39oC với số ngày nằm viện trung bình là 40,8 ngày.

Bài thuốc có cối xay: 

  • Đau tai, tật điếc: Rễ cối xay 60g hoặc 20 – 30g quả, nấu với thịt lợn mà ăn. Đối với tật điếc, dùng rễ cối xay, mộc hương, vọng giang nam, mỗi vị 60g, nấu với đuôi lợn mà ăn.
  • Sau khi đẻ phù thũng: Lá cối xay 30g, ích mẫu 20g sắc uống.
  • Kiết lỵ hay mắt có màng mộng: Quả cối xay, hoa mào gà mỗi vị 30g, sắc uống.
  • Trị chứng dị ứng phong mày đay: Toàn cây cối xay khô 40g, thịt heo nạc vừa đủ, hầm lấy nước uống, thịt ăn.
  • Trị trĩ sang: Rễ cối xay 200g, sắc đặc, uống 1 chén thuốc (bằng chén trà), còn lại thừa lúc nóng xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng rửa, ngày xông rửa 5-6 lần.
  • Trị tổn thương do đánh ngã, hoặc người thể hư thiếu sức: Rễ cối xay khô 2 lượng (80g), giò heo 1 cái, rượu ngon 2 lượng, chưng hầm ăn uống nước.
  • Trị viêm khớp xương tay chân, sau khi bị nhọt độc cơ nhục yếu mềm tê nhức: Rễ cối xay 1 lượng (40g), rượu nước mỗi thứ một nửa sắc uống.
  • Trị hầu nga (viêm amidal): Rễ cối xay tươi 140g sắc uống; hoặc gia cỏ xước, rẻ quạt (củ) cùng giã vắt nước hòa đồng tiện uống.
  • Trị viêm tai trong mạn tính: Rễ cối xay khô 20 – 40g, gạo nếp 1 chén (hoặc thịt heo nạc, hoặc đậu hủ lượng vừa đủ) hầm ăn uống nước.
  • Trị lợi răng lở loét: Rễ cối xay khô 20g, đường đỏ vừa đủ, sắc uống; hoặc rễ cối xay tươi tẩm giấm 1 giờ, bọc vải ngậm trong miệng.
  • Trị xích bạch lỵ: Quả cối xay (cả hạt) sao nghiền bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần, uống với mật ong trước khi ăn.
  • Trị ung thư thũng độc (nhọt độc sưng đau): Quả cối xay (cả hạt) 1 quả, nghiền bột, hãm nước sôi uống. Dùng thêm lá cối xay tươi với mật hoặc đường đỏ giã đắp chỗ đau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top