Tên tiếng Việt: Dung lá trà, Cây lượt, Du đất, Dung sạn
Tên khoa học: Symplocos laurina (Retz.) Wall. ex G. Don
Họ: Symplocaceae (Dung)
Công dụng: Chữa sốt, lỵ, ỉa chảy, hậu bối, bỏng bị nhiễm trùng, cảm lạnh (Vỏ). Ngọn non đắp chữa bỏng.
Dung hay còn gọi là Dung lá trà, Cây lượt, Du đất, Dung sạn, có tên khoa học là: Symplocos laurina (Retz.) Wall. ex G. Don. Lá dung được dùng chữa đau dạ dày da toan, ngày dừng 15-30g là khô, sắc uống. Lá dung cũng được dùng trị bỏng bằng cách rửa sạch vết bỏng, tẩm nước sắc lá dung vào băng gạc, đắp ngày 1 lần.
A. Mô tả cây:
- Cây gỗ to, có thể cao đến 15-18m. Thân cành mọc ngang, hình trụ, vỏ màu xám. Lá mọc so le, dày và dai, hình bầu dục hoặc thuôn, dài 8-18cm, rộng 3,5-6cm, gốc tù hoặc tròn, đầu thuôn dài hình mũi nhọn, mép có răng cưa, khi non có lông, sau phấn; gân lá nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 1-2cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn thành chùy bông, phân nhánh từ gốc, dài 7-9cm; hoa nhiều, màu trắng, vàng hoặc lục rất thơm; lá bắc hình tam giác rộng, dài nhẵn có ống chia 5 răng, tràng 5 cánh hẹp, rời nhau; nhị 40-50 màu trắng, không bằng nhau; bầu 3 ô.
- Quả hình cầu, có cạnh, đường kính 6mm, màu hồng, có đài tồn tại ở đỉnh; hạt 1-3
- Mùa hoa quả: tháng 5-8.
B. Phân bố, sinh thái:
- Cây phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi, từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào và thường gặp nhiều hơn ở các tính Tây Nguyên. Độ cao tới 1000m.
- Cây ưa sáng, thường mọc ở rừng thứ sinh (sau khi đã bị khai thác hết cây gỗ lớn) hoặc ở ven rừng nguyên sinh. Đôi khi cây còn sót lại ở bờ nương rẫy. Cây ra hoa quả nhiều, nhưng chưa quan sát được hiện tượng tái sinh tự nhiên.
C. Bộ phận dùng:
Rễ, lá và vỏ thân.
D. Thành phần hóa học:
- Vỏ thân cây dung chứa một glycosid (chất này đem thủy phân cho D-glucose và pelargonidin)
- Lá chứa steroid, terpen, saponin.
- Trong cây dung còn chứa glucosid 3 – monogluco furanosid của 7 – 0 – methyllcucopelargonidin
E. Tác dụng dược lý:
- Cao chiết với cồn 50 độ của cây dung trừ rễ có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương và làm giảm thân nhiệt ở chuột nhắt trắng. Một phân đoạn kết tinh từ vỏ cây dung ức chế sự phát triển các vi khuẩn Straphylococcus aureus, Escherichia coli, các nhóm vi khuẩn ruột và lỵ, và làm giảm tần số và cường độ co bóp in vitro của tử cung mang thai và không mang thai của một số loài động vật.
- Một phân đoạn khác chiết từ vỏ cây dung, ngoài tác dụng trên tử cung, còn có tác dụng chống co thắt trên những phần khác nhau của đường dạ dày ruột và có thể bị đối kháng bởi atropin. Một trong những chất có màu là chất mạnh nhất, có tác dụng ức chế trên tim động vật lưỡng cư, trên huyết áp chó và tác dụng gây giãn cơ trơn ruột thỏ. Chất glucosid 3 – monogluco furanosid của 7 – 0 – methyllcucopelargonidin có tác dụng làm săn và có thể chịu trách nhiệm về những tác dụng chữa bệnh của vỏ cây dung. Đã phân lập được từ cây dung một glycosid mới có tác dụng chống phân hủy fibrin.
- Nước sắc lá dung có tác dụng ức chế trực khuẩn gram-âm và tụ cầu khuẩn được áp dụng thử nghiệm điều trị bỏng, đã làm lành các vết bỏng nhiểm khuẩn, làm vết bỏng khô, không có mùi, chóng lên da non. Đã áp dụng thử nghiệm nước sắc và siro lá dung chữa đau dạ dày da toan dịch vị đạt kết quả tốt.
- Một bài thuốc gồm vỏ cây dung, hồ tiêu, tất bát, đàn hương, bạch hoa xà, củ gấu và một số dược liệu khác chế thành một đồ uống lên men, được dùng trong y học cổ truyền Ấn Độ để kiềm chế chứng nghiện rượu. Thử nghiệm về hiệu quả chữa chứng nghiện rượu của bài thuốc này trên chuột cống trắng được cho uống ethanol 15 độ tùy thích cho thấy có sự giảm lượng tự ý uống ethanol. Những thử nghiệm về thần kinh cho thấy có sự cải thiện về thần kinh và có sự phục hồi của những biến đổi về điện não đồ và điện tâm đồ do rượu gây nên. Bài thuốc có tác dụng hiệu chỉnh biến đổi về mỡ ở gan và những dấu hiệu về chảy máu, về sự hủy myclin và về những lớp Malpighi nhận xét thấy ở chuột cống trắng được cho uống ethanol.
F. Tính vị, công năng:
Rễ dung có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng hạ sốt, tiêu khát, giảm đau, làm săn. Lá dung có vị chua, ngọt, có tác dụng trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, tiêu chảy.
G. Công dụng:
- Nhân dân ở nhiều vùng đã dùng lá dung làm chè uống cho tiêu cơm, chữa đau bụng, tiêu chảy.
- Lá dung được dùng chữa đau dạ dày da toan, ngày dừng 15-30g là khô, sắc uống. Lá dung cũng được dùng trị bỏng bằng cách rửa sạch vết bỏng, tẩm nước sắc lá dung vào băng gạc, đắp ngày 1 lần.
- Rễ dung có tác dụng giải cảm sốt, tiêu khát, giảm đau, chữa sốt rét cơn và đau lưng gối. Ngày dùng 10-20g vỏ rễ khô, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần. Vỏ rễ nướng hơi cháy, giã nhỏ, sắc uống chữa phụ nữ khi đẻ bị tích máu tử cung gây đau bụng.
- Trong y học dân gian Ấn Độ, vỏ dung có tác dụng làm săn được dùng điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, đau bụng, bệnh gan và phù, viêm mắt và viêm kết mạc. Vỏ dung còn được dùng để điều trị chứng chảy máu lợi, lậu, rong kinh và những rối loạn tử cung khác. Mỗi lần uống 1g, ngày 3-4 lần, dưới dạng bột hay thuốc sắc. Còn dùng nước sắc vỏ dung để rửa vết loét. Vỏ dung có trong thành phần một bài thuốc dân gian của Ấn Độ trị rối loạn về tiết niệu và phù. Lá dung tươi giã nát, nấu với dầu, đắp chữa bệnh về da đầu.
Bài thuốc có dung:
Chữa đau dạ dày: Lá dung 120g; hương phụ tử chế 60g, mai mực sao vàng 40g, nam mộc hương 40g, kê nôi kim sao vàng 20g. Tất cả tán thành bột trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g với nước đun sôi để nguội vào lúc đói, trước bữa ăn 1 giờ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp