✴️ Vị thuốc Cỏ tai hùm

Tên tiếng Việt: Cỏ tai hùm, Ngải dại, Lưỡi hùm, Cúc hôi, Cúc voi, Xì rgân (Kho), Cúc hôi, Cúc voi, la dông (Bana), Nhất ting kni (Kdong)

Tên khoa họcConyza canadensis (L.) Cronq.

Tên đồng nghĩa: Erigeron canadense L.

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: Cầm máu, điều kinh, chữa băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều, chữa sốt, thương hàn, chảy máu phổi, dạ dày, ruột, chảy máu cam, đái ra máu, viêm phế quản, viêm gan, viêm túi mật, viêm bàng quang

A. Mô tả:

  • Cây thảo mọc hằng năm cao 1-2m, có thân thẳng, phân nhánh ở phần trên, có lông nhung trăng trắng. Lá ở phía gốc xếp hình hoa thị, dạng trái xoan ngược dài, thường có răng, thót lại rất dài thành cuống, có khi dài tới 10cm; các lá trên hình dải rộng, thường xuyên, không cuống, có lông nhung ở mặt dưới, càng lên cao càng nhỏ dần. Cụm hoa hình đầu, rộng 3-5mm, xếp rất nhiều cái thành chùy kép. Lá bắc của bao chung nhiều, hẹp, mép có dạng màng, hầu như không có lông hoặc chỉ hơi có lông ở mặt lưng. Hoa ở mép là hoa cái, hình môi; hoa ở giữa là hoa lưỡng tính, hình ống. Quả thuôn có 2 gờ bên, hơi hoặc có lông nhung ngắn, dài 1,5mm, có mào lông trắng ở đỉnh.
  • Mùa hoa tháng 7-10.

B. Bộ phận dùng:

Phần thân trên mặt đất có hoa; tinh dầu Herba et Oleum Conyzae Canadensis.

C. Nơi sống và thu hái:

Cây gốc ở Bắc Mỹ nay phát tán rộng rãi khắp toàn cầu. Cũng gặp ở nhiều nơi khắp nước ta, thường gặp ở chỗ hoang ráo, đồi trống cho tới núi cao (rừng thông Tây Nguyên). Thu hái toàn cây quanh năm, thường dùng tươi.

C. Thành phần hoá học:

Cây chứa acid tannic, acid gallic, một lượng nhỏ tinh dầu (0,33%-0,66% của cây tươi hoặc 0,20% củ cây khô). Thành phần chính của tinh dầu là d-limonen, d-a-terpineol, methylethyl-acetat của terpineol; các aldehyd (citronellal), ether matricaric, các polyin và một cumulen. Các steroid đã xác định được là stigmastenol, stigmastadienol và các ceton tương ứng, spinasterol, b-sitosterol và các dẫn xuất. Lá cây giàu một heterosid flavonic: scutellaroside, glucuronide của scutellarein (2,5% trong lá).

D. Tính vị, tác dụng:

Toàn cây, hạt và tinh dầu lấy từ cây đều có tác dụng cầm máu. Cây có tác dụng làm mạnh ống tiêu hóa, cầm ỉa chảy, trừ lỵ và làm thuốc lợi tiểu, kể cả trong bệnh phù và bệnh sỏi niệu. Còn dùng làm thuốc kích thích, dịu đau, long đờm và chóng liền sẹo. Người ta đã nhận thấy cỏ tai hùm kích thích cơ trơn và làm giảm tạm thời áp suất động mạch. Nước chiết cây làm giảm đau và hạ nhiệt. ít có độc tố.

E. Công dụng, chỉ định và phối hợp:

  • Cỏ tai hùm thường được chỉ định dùng trị:
    1. Băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều, đặc biệt là thời kỳ mãn kinh;
    2. Chảy máu phổi và dạ dày ruột;
    3. Chảy máu cam, đái ra máu;
    4. Viêm phế quản, viêm gan, viêm túi mật, viêm bàng quang và tuyến tiền liệt;
    5. Thấp khớp, thống phong, viêm đau khớp cấp tính;
    6. Albumin niệu, sỏi niệu;
    7. Lỵ, ỉa chảy, khí hư;
    8. Ðe dọa sẩy thai;
    9. Tẩy giun. Dùng ngoài trong bệnh đau mắt, phát ban, nấm và cũng dùng làm tóc chóng mọc.
  • Ở nước ta, nhân dân thường dùng chữa viêm tấy, dùng tiêu độc mụn nhọt. Lá dùng nhai ngậm chữa viêm sưng lợi răng, dùng đắp và uống trong chữa mụn nhọt sưng tấy. Lá cũng được sử dụng chữa ỉa chảy có kết quả. Ở Mỹ, người ta dùng Cỏ tai hùm chống xuất huyết. Tinh dầu của nó có ích để trị băng huyết, albumin niệu, sỏi niệu, viêm phế quản. Ở Pháp, nó là cây thuốc trị ỉa chảy và lợi tiểu. Nó cho những kết quả tốt trong điều trị bệnh thấp khớp và thống phong, bệnh viêm đa khớp cấp tính. Ở Trung Quốc cả cây dùng trị đái ra máu, viêm gan, viêm túi mật, trẻ em lở đầu.

Cách dùng:

Thường dùng dưới dạng bột, nước hãm (2g dược liệu tươi trong 2 cốc nước sôi ngâm trong 24 giờ), cồn thuốc và cao. Cũng có thể nhai ngậm hoặc sắc uống, hoặc dùng tinh dầu. Dùng thuốc hãm, mỗi ngày 3 ly, giữa các bữa ăn; hoặc 50g dịch tươi hoặc dùng 2 thìa cà phê nước chiết mỗi ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top