✴️ Vị thuốc Cơm cháy tròn

1. Mô tả

  • Cây bụi, cao 3 – 4m. Thân có lõi to, xốp.
  • Lá kép lông chim, mọc đối, gồm 7 – 13 lá chét hình trứng nhọn, mép khía răng, mặt trên nhẵn màu lục bóng, mặt dưới nhạt, lá chét ở gốc thường xẻ thêm hai lần, ở cành mang hoa, số lá chét ít hơn (3 – 7 lá).
  • Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngủ phân nhánh, có ít lông; hoa nhiều, đường kính 4 – 5 mm, có mùi đặc biệt; đài nhỏ, hình đấu, 5 răng màu trắng tràng có 5 cánh tròn, màu vàng ngà; nhị 5 có bao phấn màu vàng, thuôn dài; bầu có 3-5 ô, núm nhụy chia 5 thuỳ.
  • Quả mọng hình cầu, đường kính 4-5 mm, khi chín màu không sau tím đen, thịt quả có màu xám vị ngọt, hạt 4 – 5, hình thuôn hay ellip.
  • Mùa hoa quả: gần như quanh năm.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Sambucus ở Việt Nam có 2 loài, phân bố rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Trong đó loài Cơm cháy tròn mới ghi nhận được ở Thừa Thiên Huế (Bạch Mã) và Lâm Đồng (Đà Lạt), cây còn có ở Lào.

Cơm cháy tròn là loại cây ưa ẩm, ưa sáng.. thường mọc rải rác ở chỗ đất trống ven rừng hoặc gần các nguồn nước.

Bộ phận dùng:

Toàn cây.

3. Thành phần hoá học

Cơm cháy tròn chứa các nhóm chất chủ yếu sau đây glycosid cyanogeric: satimbunigrin; các anthocyanin, các glycosid iridoid: morronisid.

Các chất triterpen, acid ursolic, acid oleanolic, tinh dầu, protein, đặc biệt là các protein làm bất hoạt ribosom của tế bào (RIPs).

Thành phần hoá học

4. Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm:

Trong khi nghiên cứu sàng lọc các cây thuốc trong y học dân gian Guatemala để chữa nhiễm khuẩn đường ruột đã phát hiện thấy dịch chiết toàn cây cơm cháy tròn có tác dụng trên một số vi khuẩn đường ruột (CaCeres et al., 1993). Dịch chiết cơm cháy tròn cũng có tác dụng trên phẩy khuẩn tả Vibrio cholera (Espana et al., 1994).

Tác dụng chống viêm cấp:

Tác dụng chống viêm cấp đã được nghiên cứu trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrangenin chuột cống trăng. Kết quả cho thấy dịch chiết nước toàn cây cơm cháy tròn với liều 3 lần là 15g/kg làm giảm phù 18,9% (P> 0,05); với liều 20 g/kg. phù giảm 25,99% (P < 0,05). Tác dụng này có kém hơn so với cơm cháy Sanctus javanica Rein. Ex Blume (Nguyễn Thu Hằng, 2004).

Tác dụng chống oxy hóa:

Quả cơm cháy tròn có chứa glucosid cyanidin có tác dụng chống oxy hoá và ức chế enzym cyclooxygenase (Seeram et al., 2001).

Tác dụng dọn gốc tự do:

Tác dụng dọn gốc tự do của các flavonoid chiết được từ hoa cơm cháy tròn, lá cơm cháy tròn có so sánh với flavonoid lá cơm cháy đã được tiến hành trên mô hình dọn gốc tự do anion superoxyd O2-.

Cả ba flavonoid chiết từ hoa, từ lá cơm cháy tròn và flavonoid từ lá cơm cháy đều có tác dụng dọn gốc tự do anion superoxyd; trong đó, flavonoid lá cơm cháy tròn có tác dụng dọn gốc từ do mạnh nhất. Flavonoid của hoa cơm cháy tròn có tác dụng dọn gốc tự do còn mạnh hơn flavonoid của lá cơm cháy (Nguyễn Thu Hằng 2004).

Tác dụng hạ glucose huyết:

Nghiên cứu nước của hoa cơm cháy tròn có tác dụng làm giảm huyết áp trên mô hình thí nghiệm ở chuột nhắt trắng.

Độc tính của Cơm cháy tròn:

Cơm cháy tròn được xếp vào danh mục các loài cây có độc do có chứa acid hydrocyanic (HCN), mandelonitril và trigonellin [Duke, 2002: 423].

5. Tính vị, công năng

Lá và toàn cây cơm cháy tròn vị đắng, tính ấm, có độc, có công năng chỉ huyết, sinh cơ, sát trùng.

6. Công dụng

Lá và ngọn cây cơm cháy thường được dùng ngoài, rửa sạch, giã nát đắp lên các chỗ viêm nhiễm, mụn nhọt, nấm ngoài da hoặc đắp lên chỗ bầm tím, các vết chém chặt để cầm máu và làm vết thương chóng lành.

Ở Mỹ, thổ dân thường dùng vỏ trong của cây làm chè để lợi tiểu, nhuận tràng, gây trung tiện và làm ra mồ hôi.

  • Nước sắc vỏ cây được dùng rửa để chữa eczema, lở loét hoặc rộp da.
  • Lá và ngọn cây giã nát đắp lên chỗ bầm tím, vết chém chặt để cầm máu, và chóng lành vết thương, đắp lên chỗ sưng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top