✴️ Vị thuốc Đẳng sâm (đảng sâm)

Nội dung

Đẳng sâm không chỉ được biết đến tại Việt Nam rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng nghiên cứu về thảo dược này. Dưới đây là những thông tin tổng quan về cây đẳng sâm được ghi chép trong các tài liệu:

  • Tên gọi khác: đảng sâm, lộ đảng sâm, bạch đẳng sâm, điều đảng sâm, đẳng sâm bắc, đẳng sâm nam,…
  • Tên khoa học: Codonopsis pilosula Nannf
  • Thuộc họ: Hoa Chuông (có tên khoa học là Campanulaceae)

Đặc điểm thực vật

Đảng sâm là loài mọc dại, chỉ xuất hiện ở một số vùng miền núi phía Bắc nước ta. Vì thế, không phải ai cũng có thể tiếp cận vị thuốc này. 

Một số đặc điểm nhận dạng nổi bật của đẳng sâm như sau:

  • Là loài cây thân thảo, sống lâu năm và thường mọc thành những cụm lớn.
  • Thân cây nhỏ, màu hồng tía hoặc tím sẫm, quấn leo vào những loài thực vật khác để vươn lên hấp thụ ánh sáng mặt trời. Bên mặt thân được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng, ngắn nhưng thưa thớt.
  • Lá cây có hình lưỡi mác, mọc đối xứng với thân và có một lớp lông nhung trắng mịn. Mỗi phiến lá thường dài từ 3 – 8cm, rộng khoảng 2 – 4cm và có màu xanh phớt vàng.
  • Hoa đẳng sâm có màu xanh nhạt, ngả vàng rất đẹp mắt. Đài hoa to, có hình chuông, mọc đơn lẻ từ các nách lá. 
  • Quả cây đẳng sâm có màu xanh đậm, hình chùy, kích thước khoảng bằng đốt ngón tay, đài ngắn. Bên trong có nhiều hạt bóng, nhẵn có màu nâu đậm.
  • Củ đẳng sâm mọc sâu dưới lòng đất khoảng chừng 50 – 70cm, nhẵn, có màu nâu nhạt và nhìn giống như củ nhân sâm. Đây chính là bộ phận được khai thác nhiều nhất trong Đông y. 

Hình ảnh cây đẳng sâm trong tự nhiên

Tác dụng 

Đảng sâm là vị thuốc được sử dụng rộng rãi từ nhiều thế kỷ trước đây. Trong các cuốn sách Đông y cổ như Bản thảo Tùng Tân, Trung dược Đại từ điển,… vị thuốc này có vị ngọt, tính bình và quy vào 2 kinh là Tỳ, Phế. Đồng thời có khả năng chủ trị nhiều chứng bệnh phải kể đến như:

  • Bổ tỳ, ích khí, sinh tân và chữa chỉ khát.
  • Thanh phế, trị phế hư, ích phế khí.
  • Trị tỳ vị hư, khí huyết suy yếu, kiết lị, thoát giang.
  • Chữa tiêu chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, rong kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu.

Lưu ý

  • Những đối tượng không nên sử dụng: phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi, người bị khí trệ hỏa vượng, dị ứng với các thành phần có trong bài thuốc.
  • Không nên sử dụng dược liệu kèm với hải sản, củ cải, trà xanh.

​​​​​​​

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top