Tên tiếng Việt: Diếp cá, Lá giấp, Co vầy mèo (Thái), Ngư tinh thảo, Tập thái, Rau vẹn, Phiăc hoảy (Tày), Cù mua mín (Dao)
Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.
Họ: Saururaceae (Giấp cá)
Công dụng: Chữa sởi, đau mắt, lòi dom (Lá giã đắp). Thuốc giải nhiệt, chữa táo bón, viêm ruột, lỵ, viêm đường tiết niệu, viêm thận phù thũng, phụ nữ kinh nguyệt không đều, mẩn ngứa (Lá vò nước uống).
1. Mô tả:
2. Phân bố, sinh thái:
Chi Houttuynia Thunb., chỉ có một loài diếp cá, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Việt Nam, Lào, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Độ cao đến 1500m (Sa Pa). Cây còn được trồng ở nhiều nơi để làm rau và làm thuốc.
Diếp cá thuộc loại cây ưa ẩm và hơi chịu bóng, thường mọc ở đất ẩm, nhiều mùn dọc theo các bờ khe suối, mương nước trong thung lũng và ở vùng đồng bằng, Cây sinh trưởng gần như quanh năm, mạnh nhất trong mùa xuân hè, có hoa quả hàng năm trên những cây không bị ngắt ngọn và hái lá thường xuyên, có khả năng tái sinh chồi mạnh từ thân rễ. Ở vùng thị trấn Tam Đảo và núi Ngọc Linh, diếp cá mọc nhiều đến mức ảnh hưởng tới cây trồng.
3. Cách trồng:
Diếp cá được trồng phổ biến để làm rau ăn và làm thuốc. Cây được nhân giống bằng tách năm. Vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 những mầm khỏe ở phần sát gốc, không để đứt hết rễ.
Đất trồng tốt nhất là bờ ao hoặc nơi đủ ẩm, không quá nắng. Đất cần làm nhỏ, lên luống cao 10-15cm, rộng 60-70cm. Có thể bón lót một ít phân chuồng hoặc mục rồi trồng với khoảng cách 10 x 10 hoặc 15 x 15 cm. Sau khi trồng, cần đảm bảo độ ẩm cao và sạch cỏ. Cây có thể phát triển thành bãi. mùa cho nhiều lá từ tháng 4 đến tháng 9. Sau mỗi lần thu hái cần bón thúc bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh. Rắc đều phân lên mặt luống và tưới nước. Cây tiếp tục sinh trưởng và cho thu hái trong nhiều năm.
4. Bộ phận dùng:
Toàn cây, trừ rễ, hái về dùng tươi hoặc phơi sấy khô.
5. Thành phần hoá học:
Toàn thân cây diếp cá chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là : Nhóm aldehyd và các dẫn xuất ceton như methyl-n-nonyl ceton. 1-decanal, 1-dodecanal là những chất không có tác dụng kháng khuẩn, chất có tác dụng kháng khuẩn là 3-oxododecanal. Nhóm terpen bao gồm các chất : pinen, camphen, myrcen limonen, linalol, bornyl acetat, geraniol và caryophylen. Ngoài ra, tinh dầu còn chứa acid caprinic,coleic, acid stearic, aldehyd capric, acid clorogenic, lipid và vitamin K…
Từ lá diếp cá người ta đã phân lập được 3 – sitosterol, một alcaloid goi là cordalin và các flavonoid như afzelin, hyperin, rutin, isoquercitrin và quercitrin.
6. Tác dụng dược lý:
Trên động vật thí nghiệm được tiêm liều độc gây chết của nọc rắn hổ mang, diếp cá có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự của động vật thử thuốc so với đối chứng.
Tác dụng ức chế histamin và acetylcholin thể hiện trên sự giảm độ co thắt cơ trơn ruột cô lập.
Thí nghiệm về tác dụng của nọc rắn hổ mang gây vỡ dưỡng bào và giải phóng histamin và một số chất trung gian hoá học khác cho thấy có thể có mối liên quan chặt chẽ giữa tác dụng chống nọc rắn độc và tác dụng chống dị ứng của diếp cá.
Trong thí nghiệm khí dung histamin, chuột lang đối chứng và chuột thử nghiệm được đặt cùng một lúc vào buồng khí dung. Diếp cá có hiệu lực kéo dài thời gian an toàn của chuột thử thuốc so với chuột đối chứng.
Có tác dụng lợi tiểu:
Dung dịch flavonoid toàn phần của diếp cá với nồng độ 1 mg trong 1 ml ức chế hoạt tính men polyphenoloxydase huyết thanh người bình thường với mức 13,5%, nồng độ flavonoid 5mg trong 1 ml ức chế 50% hoạt tính men này, hoạt tính của men polyphenoloxydase huyết thanh người tăng rất rõ rệt khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trạng thái viêm cấp hoặc mạn tính. Thí nghiệm invitro trên huyết thanh người bình thường cho thấy nước sắc cũng như flavonoid chiết tách riêng của diếp cá có tác dụng ức chế men catalase huyết thanh. Nước sắc (0,1g diếp cá trong 1ml) ức chế 56,7% hoạt tính men, flavonoid diếp cá (1 mg trong 1ml) ức chế 19,2% hoạt tính men catalase.
Đã nhận xét thấy diếp cá có tác dụng chọn lọc gây co bóp cơ trơn tử cung chuột lang và không làm co cơ trơn tử cung chuột lang và không làm co cơ trơn ruột cô lập chuột lang. Alcaloid cordalin có trong diếp cá có tác dụng kích ứng da gây phông rộp. Lá diếp cá đã được áp dụng điều trị trên 60 trường hợp loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, chữa khỏi và bảo tồn được 50 mắt. Lúc đầu dùng dạng thuốc dân gian giã đắp sau cải tiến thành dạng thuốc nhỏ mắt. Thời gian hết vi khuẩn trung bình là 10,6 ngày và thời gian điều trị trung bình là 28 ngày.
Diếp cá có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Nước sắc diếp cá, tiêm dưới da va phúc mạc chuột nhắt trắng, có tác dụng ức chế vận động tự phát của động vật, kéo dài thời gian gây ngủ của thuốc ngủ barbiturat, ức chế co giật gây nên do strychnin/ Khi tiêm tĩnh mạch cho mèo, diếp cá gây những biến đổi về điện não đồ tương ứng với trạng thái an thần.
Hoạt chất quercitrin có trong diếp cá có tác dụng lợi tiểu mạnh. Một hoạt chất có tác dụng điều trị loét dạ dày đã được phân lập từ diếp cá. Một chất sterol, tương tự sitosterol phân lập từ thân rễ, kích thích tiết các chất kháng sinh từ một chủng Bacillus tạo bào tử gram dương. Một B– cetoaldehyd béo phân lập từ thân rễ diếp cá ức chế sự nảy mầm của hạt (thực vật bậc cao).
7. Tính vị, công năng:
Diếp cá có vị chua cay, mùi tanh của cá, tính mát hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng.
8. Công dụng:
Diếp cá được dùng trị táo bón, Trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do nhiễm trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, kiết lỵ, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng chữa sốt rét, sài giật trẻ em, đau răng, trâu bò bị rắn cắn. Ngày dùng 6-12g toàn cây khô (trừ rễ) hoặc 20-40g cây tươi, dạng thuốc sắc, thuốc bột, viên, hoặc giã nát lọc lấy nước uống. Dùng ngoài, lá diếp cá tươi rửa sạch giã nhỏ đắp trực tiếp đối với trường hợp trị chỗ sưng đau, lở ngứa, hoặc ép thuốc giữa hai miếng giấy lọc sạch, đắp lên mắt. Trong bệnh trĩ, đồng thời với cách dùng uống và đắp, còn sắc nước lấy hơi xông, rồi rửa.
Ở Trung Quốc, một hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn đã được phân lập từ cây diếp cá và bào chế thành thuốc viên và thuốc tiêm để trị bệnh nhiễm khuẩn.
Ở Ấn Độ, Trung Quốc, thân rễ diếp cá được ăn như rau, dùng sống hoặc nấu chín. Ở Nhật Bản, thân rễ diếp cá có trong thành phần của một số chế phẩm thuốc dùng chữa một số bệnh của phụ nữ. Ở Trung Quốc, diếp cá còn được dùng chữa khó tiêu và làm thuốc bó những chỗ bị tổn thương để kích thích sự phát triển của xương. Cao của rễ diếp cá có hoạt tính lợi tiểu do tác dụng của quercitrin và các muối vô cơ (kali clorid, kali sulfat). Ở Nêpan, thân rễ cây diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Cả cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc, chữa khó tiêu và điều kinh.
Lá được dùng trị lỵ, bệnh lậu, bệnh về mắt, bệnh về da, trĩ. Cao chiết từ rễ có tác dụng lợi tiểu.
Bài thuốc có diếp cá:
a. Diếp cá 16g, kim ngân hoa 16 g, ké đầu ngựa 16g, hy thiên 16g, mạch môn 12g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
b. Tân di thanh phế âm gia giảm:
Diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g, tân di 12g, hoàng cầm 12g, sơn chỉ 12g, tri mẫu 12g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày một thang. Nếu bênh nhân sợ lạnh, sốt, nhức đầu bỏ hoàng cầm, mạch môn, thêm ngưu hoàng tử 12g, bạc hà 12g.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh