✴️ Vị thuốc Guột găng

1. Mô tả

  • Loài khuyết thực vật (dương xỉ), cao 1 – 2m. Thân rễ mọc đứng, phủ nhiều váy dạng sợi, màu nâu bóng.
  • Lá mọc so le, kép lông chim một lần, dài (0,5 – 1,5 m, rộng 20 – 40 cm gồm rất nhiều lá chét không cuống, dài 10 – 25 cm, rộng 1 cm, hẹp dần về phía đầu là thành mũi nhọn, mép nguyên, cuống lá kép dài, có vảy ở gốc.
  • Ổ túi bào tử kéo dài thành đường liên tục. Bào tử hình thận, màu vàng nhạt.
  • Mùa sinh sản: tháng 4 – 6.

2. Phân bố, sinh thái

Cây phân bố từ vùng cận nhiệt đới xuống khắp vùng nhiệt đới, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam và nhiều nước khác ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, guột giang cũng phân bố rộng rãi khắp các tỉnh thuộc vùng núi, độ cao từ 1300m trở xuống đến cả vùng trung du.

Guột giang là loại dương xỉ ưa ẩm, hơi chịu bóng. Cây thường mọc thành đám dày, xen lẫn cây bụi, cây gỗ nhỏ và cỏ cao dọc theo các bờ khe suối, ven rừng hoặc các tà ly núi dọc theo đường đi, Guột giang tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng bào tử. Ngoài ra, cây còn có khả năng đẻ nhánh khỏe từ gốc thân rễ.

Bộ phận dùng:

Chồi non tươi, thân rễ dùng tươi hay phơi khô.

3. Thành phần hoá học

4 chất lignan: Blechnic, 7 epiblechnic, epi blechnic và brainic acid đã được phân lập và xác định cấu trúc.

Thành phần hoá học

4. Tác dụng dược lý

Tác dụng trên hô hấp: Cao khô toàn cây guột giang có tác dụng làm tăng nhịp thở và biên độ hô hấp trên mô hình thí nghiệm.

Xác định độc tính cấp: Thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, dùng đường tiêm phúc mạc, đã xác định được liều chết trung bình của cao khổ guột giang là LD50 = 600 mg/kg. Cao khô guột giang được chế tạo bằng cách dùng toàn cây, rửa sạch, phơi khô, tán thành bột thô rồi chiết bằng ethanol 50%. Sau đó cô dưới áp suất giảm đến thể tích cao khô [Bhakuni, 1969, II: 252].

5. Tính vị, công năng

  • Thân rễ và lá guột giang vị đắng, tính mát, có công năng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chỉ huyết, hoạt huyết, tán ứ, cũng có công năng bạt độc, sinh cơ.

  • Tài liệu Trung Quốc cũng ghi: guột giang có công năng tiêu thũng, giải độc sinh cơ [TDTH, 1993, I: 1527].

6. Công dụng

Chồi non của cây guột giang được dùng để hút mủ nhọt mụn; nếu mụn nhọt mới mưng đỏ, chưa làm mủ có thể bị tiêu đi, còn được dùng chữa vết thương sưng tấy, bầm tím. Lấy chồi tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ có tổn thương.

Có nơi dùng thân rễ để trị bệnh cảm cúm, viêm màng não, viêm tuyến nước bọt, ban chẩn, thương hàn, chảy máu cam, thổ huyết, băng huyết; còn được dùng trị giun như giun đũa, giun móc [Võ Văn Chi, 1999: 534]. Tuy nhiên vị thuốc có độc, ít khi được dùng uống mà chỉ dùng ngoài. Sách “Dã sinh dược dụng thực vật đồ giám” (Trung Quốc) ghi: guột giang được dùng ngoài, giã nát đắp để chữa ung thũng đau nhức, để chống độc và sinh co [TDTH, 1993, 1: 1527].

Bài thuốc có guột giang

Chữa rắn cắn:

Chồi cây guột giang tươi, lá vông vang tươi, hai vị bằng nhau, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ rắn cắn để tiêu nọc độc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top