✴️ Vị thuốc Hổ vĩ mép vàng

Tên tiếng Việt: Hổ vĩ mép vàng, Đuôi hổ mép vàng, Lưỡi cọp sọc, Lịn slư (Tày)

Tên khoa học: Sansevieria trifasciata Prain

Họ: Dracaenaceae

Công dụng: Chữa khản tiếng, ho, viêm họng, viêm tai có mủ (Lá).

1. Mô tả

  • Cây thảo có thân rễ mọc ngang, cao 30 – 50 cm. Lá hình dải, dày, giẹp và cứng, gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mép nguyên có viền vàng, hai mặt có những vằn ngang màu sẫm nom như đuôi hổ.
  • Cụm hoa mọc thẳng ở giữa túm lá thành chùm trên một cán dài 30 – 60 cm; hoa màu trắng hoặc lục nhạt; bao hoa có 6 phiến bằng nhau hàn liền ở phía dưới thành ống, lên trên xòe gập xuống khi nở; nhị 6, chỉ nhị mảnh.
  • Quả mọng, hình cầu, khi chín màu vàng da cam.
  • Mùa hoa : tháng 5; mùa quả: tháng 9.
  • Cây có công dụng tương tự:

Lưỡi hùm hoặc đuôi hổ vằn (Sansevieria zeylanica L.) khác loài trên ở chỗ hai mặt lá màu lục xám, có những vằn màu lục nhạt hoặc trắng trông như lưỡi hổ.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Sansevieria Thunb. có khoảng 60 loài trên thế giới, phân bố tự nhiên ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Một số loài là nguồn cung cấp sợi hoặc được trồng làm cảnh, do lá có màu đốm phong phú và ít cần sự chăm sóc. Ở Việt Nam, chi này có 4 – 5 loài, vốn là những cây được du nhập, có loài nay đã trở nên hoang dại hóa.

Hổ vĩ mép lá vàng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Phi (Congo), hiện được trồng ở nhiều nơi, như Mỹ, Ấn Độ. Có tài liệu cho rằng, hổ vĩ mép lá vàng ở Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ Sri Lanca (Võ Văn Chi, 1997). Song không rõ cây được nhập nội vào thời gian nào. Hổ vĩ mép lá vàng là cây ưa sáng, chịu hạn tốt và có thể trồng được trên mọi loại đất. Cây có khả năng mọc chồi khỏe từ thân rễ. Cây trồng được 2 – 3 năm mới thấy có hoa. Tuy nhiên, hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là cách đẻ nhánh con.

3. Bộ phận dùng

Lá, thu hái quanh năm, dùng tươi.

4. Thành phần hóa học

Hổ vĩ mép lá vàng chứa 25 S – ruscogenin, sansevierigenin (Trung dược từ hải II, 1996).

5. Công dụng

  • Nhân dân dùng lá non tươi cây hổ vĩ mép lá vàng làm thuốc chữa ho viêm họng, khản tiếng, hái lá non sát tận gốc, rửa sạch, cắt thành từng khúc, lấy một khúc đập giập, thêm ít muối, nhai và ngậm nuốt nước dần trong 5 – 10 phút, rồi nhổ bã. Ngày ngậm 2 – 3 lần. Liều dùng một ngày: 6 – 12g lá tươi. Ngoài tác dụng trên, lá hổ vĩ tươi rửa sạch hơ lửa cho héo, giã nát ép lấy nước, thấm vào bông quấn vào que tăm, bôi chữa viêm tai có mủ. Làm như vậy nhiều lần trong ngày.
  • Ở Ấn Độ, thịt quả và dịch ép lá dùng bôi trị loét và mụn lở. Đốt lá và ngửi khói để chữa nhức đầu do sốt. Rễ được coi là thuốc bổ và kích thích. Ở Haiti, nước sắc lá hổ vĩ mép lá vàng uống trị thiếu máu. Ở Zaia, nhân dân một số địa phương uống một cốc nước hãm rễ, ngày 2 lần sáng và chiều, để gây sẩy thai. Có nơi còn dùng hổ vĩ mép lá vàng trị rắn cắn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top