✴️ Vị thuốc Hoạt thạch

Nội dung

Tên tiếng việt: Hoạt thạch, Hoạt thạch phấn, Nguyên hoạt thạch

Tên khoa học: Talcum

Công dụng: Dùng làm thuốc bôi như phấn xoa rôm.

A. Thành phần và tính chất 

  • Hoạt thạch là một chất khoáng. Thành phần của nó là magiê silicat 3MgO. 4SiO2. H2O. Tỷ lệ MgO trong đó 31,7%; SiO2, là 63,5%; nước H2O là 4,8%. Thường một bộ phận MgO có lẫn FeO, ngoài ra có lẫn ít A12O3.
  • Hoạt thạch là một chất bột trắng mịn, sờ trơn mát, không tan trong nước. Tỷ trọng 2,5-2,8, khó bị axit phá hủy.

B. Công dụng và liều dùng 

  • Trong Tây y chỉ dùng hoạt thạch (bột talc) làm thuốc bôi như phấn xoa rôm vì làm cho da trơn mau khô, bao thuốc viên cho khỏi dính nhau, xà phòng đánh răng, phấn bôi mặt.
  • Đông y một phần cũng dùng như tây y nhưng hay dùng làm thuốc uống trong chữa bệnh sốt, tả, lỵ, lợi tiểu tiện, sốt khát nước, viêm ruột, lỵ, da vàng (hoàng đản) tiểu tiện ra máu, viêm niệu đạo hay do có sỏi ở bàng quang mà tiếu tiện đau buốt. Theo tài liệu cổ, hoạt thạch có vị ngọt, tính hàn, không có độc, vào 2 kinh vị và bàng quang. Những người âm hư không thấp nhiệt, tỳ hư hạ hãm, phụ nữ có thai không dùng được.
  • Dùng ngoài: Không có liều lượng.
  • Dùng trong: Ngày 10-15g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, uống viên với liều 1-2g.

Đơn thuốc kinh nghiệm dùng trong đông y có hoạt thạch 

  1. Đơn thuốc lục nhất chữa sốt, tiểu tiện đỏ: Hoạt thạch 6g, cam thảo 1g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều. Dùng chữa sốt, đi tiểu khó khăn, đau. Ngày uống 4g, dùng nước nóng mà chiêu thuốc.
    Tên lục nhất vì bài thuốc gồm 6 phần hoạt thạch 1 phần cam thảo (lục là sáu nhất là một).
  2. Bài thuốc chữa viêm ruột, ỉa lỏng, khát nước, tiểu tiện khó khăn (bài thuốc kinh nghiệm của Diệp Quyết Tuyền): Thủy phi hoạt thạch 2g, hoàng bá 2g, sinh cam thảo 2g. Các vị tán bột trộn đều. Gói thuốc thành 3 gói. Chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần một gói; dùng nước mà chiêu thuốc.
return to top