Thú rừng cỡ lớn. Thân phẳng dài 1 – 1,3 m, cao 50 – 60 cm. Đầu to, mõm dài nhọn, tai to vểnh, mũi nhỏ bẹt, răng nanh dài và tày, nanh dưới lộ hẳn ra ngoài và uốn cong lên. Lưng phẳng, gồ cao ở phía trước, thuôn dần về phía sau, đuôi ngắn. Bụng thon nhỏ, không xệ. Chân cao, mảnh, có móng guốc nhỏ. Da rất dày phủ bởi lớp lông rậm, dài và cứng, nhất là ở cổ và bả vai. Bộ lông màu xám đen. Lợn đực to hơn lợn cái.
Lợn rừng phân bố ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Ở Việt Nam, lợn rừng có ở miền rừng núi, trung du và các hải đảo, nhiều nhất ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Nó sống ở thung lũng ven sông, suối, các trảng cỏ cao, cây bụi, rừng nguyên sinh và thứ sinh. Lợn rừng thường lang thang, kiếm ăn vào ban ngày và cả ban đêm. Thức ăn chủ yếu của nó là rễ, củ, búp lá, quả, ngũ cốc, rắn, chuột, giun, ếch, chim… Lợn đực thường sống đơn độc, chỉ nhập đàn vào mùa sinh sản. Lợn cái và lợn con sống thành đàn khoảng 10-20 con.
Lợn rừng sinh sản thường sau mùa mưa. Có chửa 100 – 130 ngày, đẻ 10 – 12 con. Lợn con có lông màu xám và nhiều sọc trắng dọc theo thân.
Mỡ và dương vật lợn rừng.
Cách lấy mỡ: Thịt lợn rừng rất ít mỡ, mà toàn nạc. Mỡ chỉ khu trú ở dưới lớp da và ngay trong da. Đồng bào miền núi khi săn bắn được lợn rừng, thường lột da, treo trên giàn bếp. Khi cần mỡ, họ hơ da lợn lên than hồng để mỡ chảy ra mà dùng. Lấy mỡ đến khi da teo quắt lại mới thôi.
Mỡ lợn rừng có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tăng tiết sữa, làm se.
Theo tài liệu cổ, mỡ lợn rừng hòa với rượu, uống ngày 3 lần, được dùng làm thuốc chữa thiếu sữa; bôi ngoài chữa bỏng và vết thương.
Nhân dân các dân tộc miền núi dùng dương vật lợn rừng giã nhỏ với nõn cây chuối, đắp băng để rút đạn, que cắm vào da thịt.
Theo tài liệu nước ngoài, người ta lại dùng mật lợn rừng uống với rượu mỗi lần 1,5 g để chữa sản hậu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh