Loài cá xương, thân hình ống, dài 30-40cm, không có vảy. Đầu tròn, to, mõm ngắn, miệng và mắt nhỏ, không có vây ngực và vây bụng, vây lưng và vây hậu môn tiêu giảm. Đuôi dẹt bên. Da dày, trơn bóng, màu vàng nhạt hoặc nâu sẫm.
Lươn phân bố ở nhiều nước châu Á. Ở Việt Nam, lươn có ở đồng bằng và miền núi, sống chui rúc trong bùn ở các ao, hồ, ruộng nước, mương máng. Thức ăn của lươn là giun, ốc, cua, tôm, tép, cá con, ấu trùng. Mùa sinh đẻ vào tháng 3 – 4. Đẻ trứng trong nước.
Lươn được thu bắt quanh năm, nhưng chủ yếu vào tháng 3 – 4 và tháng 10 – 11. Người ta đã tổ chức nuôi lươn trong bể nhân tạo đạt kết quả tốt.
Toàn con lươn được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tên thuốc là hoàng thiện, thiện ngư.
Thành phần hoá học: Lươn chứa 20 % protid, 1,5 % lipid, 35 mg % Ca, 164 mg % p, 26 mg % Mg, 1 mg % Fe; vitamin B; (0,15 mg %), vitamin (0,31 mg %), vitamin PP (3,8 mg %), vitamin B (0,28 mg %), vitamin D (30 mcg %). (Viện Dinh dưỡng).
Lươn có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ trung, ích khí, trừ thấp.
Thịt lươn: Ngon và bổ, thích hợp với thể trạng nhiệt, rất tốt cho trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau khi đẻ hư nhược, khí huyết không điều hoà.
Lấy lươn tuốt cho hết nhớt bằng rơm và tro bếp, rửa sạch, mổ bỏ lòng ruột, để cả con, luộc qua, gỡ lấy thịt, nấu cháo ăn hoặc sấy khô, tán bột uống. Ở đồng bằng Nam Bộ, lươn nấu với cá, rau rút và một số rau gia vị thành món lẩu canh chua, một món ăn- vị thuốc bổ dưỡng phổ biến có thêm tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương và mùi vị thơm ngon hấp dẫn phảng phất tựa nấm hương của rau rút. Thịt lươn nấu với ngó sen, ăn chữa rong kinh, băng huyết; cuốn lá lốt nướng ăn chữa tê thấp; hầm với rau dừa nước lại là thuốc bổ máu; ninh nhừ với màng mề gà. ăn trị cam tích trẻ em.
Người Nhật Bản coi thịt lươn như một loại thực phẩm thông huyết mạch, lợi gân cốt, nên gọi là “sâm động vật”.
Ở một số nơi, người ta còn rang xương lươn với cát, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước ấm chữa đau lưng. Ở Nhật Bản, người ta tận dụng xương lươn để chế biến thành dạng bột mịn, có mùi vị dễ chịu, dùng làm thuốc bổ dưỡng theo kinh nghiệm lâu đời và phổ biến của ngư dân vùng biển. Bột này thường được dùng làm chất phụ gia và tăng giá trị dinh dưỡng cho các loại bánh ngọt.
Nhớt ở mình con lươn xát mạnh vào chỗ nhựa cây dính vào quần áo, rồi giặt bằng xà phòng sẽ sạch ngay.
Ghi chú: Theo sách “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh, phàm con lươn nào bò ngóc đầu lên và có khoang trắng ở cổ thì không nên dùng.
Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng khó tiêu, không nên ăn lươn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh