✴️ Vị thuốc Muồng một lá

Nội dung

1. Mô tả

  • Cây nhỏ, cao 1 – 1.5 m. Cành hình trụ rỗng, mọc lòa xòa, có lông mịn. Lá có một lá chét, hình mác dài 6-10cm, gốc thuôn dần thành cuống ngắn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt có nhiều lông.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chum dài khoảng 30cm, có lông màu hung; hoa màu vàng, mỗi hoa mang 2 lá bắc nhỏ, có lông dài 5 răng không đều, có lông, tràng có cánh cờ gắn hình vuông.
  • Quả đậu, thon đầu về phía cuống, đầu có mỏ cong màu nâu, hạt nhiều, màu đỏ nâu.
  • Mùa hoa tháng 7 – 9, mùa quả tháng 10 – 12

2. Phân bố, sinh thái

  • Muồng một lá có vùng phân bố tương đối rộng, bao gồm hầu hết các vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Lào, Việt Nam, một số vùng ở Nam Trung Quốc.
  • ở Việt Nam muồng một lá chỉ thấy rải rác ở các vùng núi hoặc trung du, ở độ cao tới 100m. Cây được trồng để làm thuốc, ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Tây, Hải Dương…
  • Muồng một lá là cây sống 1 -2 năm, ưa sáng và ưa ẩm. Trong tự nhiên cây thường mọc ven rừng, bờ nương rẫy không xa nguồn nước. Cây con được mọc từ hạt được thấy vào tháng 4 – 5; sinh trưởng nhanh trong mùa hè thu, ra hoa quả nhiều. Vào thời kỳ sinh trưởng mạnh, nếu bị cắt, các phần còn lại đều tái sinh chồi. Cây được trồng dễ dàng bằng hạt.

Phân bố, sinh thái

3. Bộ phận dùng

Toàn cây thu hái vào mùa hè, thu. Hạt lấy ở quả chín vào mùa thu.

4. Thành phần hóa học

Trong muồng một lá chứa alkaloid. Hạt chứa nhiều lectin.

5. Tính vị, công năng

Muồng một lá có vị nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, lợi thủy, hạ áp.

6. Công dụng

  • Từ kinh nghiệm của đồng bào vùng cao, Bệnh viện Y học dân tộc Vĩnh Phú đã dùng cây muồng một lá chữa đau dây thần kinh tọa với kết quả rất tốt. Dùng mỗi ngày 100 -150 g lá khô sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Một đợt điều trị khoảng 1 -2 tuần lễ. Bệnh viện đã cải tiến thành dạng cao lỏng và điều trị  thấy kết quả tốt  hơn, mỗi ngày uống 50-60ml cao.
  • Để mở rộng điều trị, bệnh viện còn dùng muồng một lá chữa đau lưng, thấp khớp, sơ bộ cũng thấy có kết quả. Người bệnh dùng cao muồng một lá thấy giảm đau nhanh, đi lại hoạt động được, nhất là với chứng đau dây thần kinh tọa.
  • Ở Trung Quốc, cây muồng một lá chữa ho ra máu, sưng phù, cao huyết áp, đau răng, chốc lở. Để chữa loét lở miệng, dùng lá tươi giã nát, trộn với mật ong, đắp tại chỗ. Rễ tươi cây muồng một lá 30 – 40 g hầm với thịt lợn nạc ăn, ngày một lần lại chữa cao huyết áp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top