✴️ Vị thuốc Nữ lang

Nội dung

Tên tiếng Việt: Nữ lang

Tên khoa học: Valeriana hardwickii Wall.

Họ: Valerianaceae (Nữ lang)

Công dụng: dùng làm thuốc an thần, giảm lo âu, chữa mất ngủ, động kinh, đau dạ dày

A. Mô tả cây

  • Cây thân thảo, sống lâu năm. Cây cao khoảng 1m, có khi hơn. Thân nhẵn, có rãnh, đôi khi có lông trên các đốt và ở gốc.
  • Lá kép lông chim lẻ, dài 5-10 cm, rộng 3,5-7,5 cm, 3-5 lá chét nguyên hay khía răng, dài 1-6 cm, rộng 0,5-3 cm, không cuống, lá chét tận cùng lớn hơn, lá ở gốc thường khô héo trước khi cây có quả.
  • Cụm hoa mọc thành xim ngù, tỏa rộng trên một cán dài; lá bắc khía răng; hoa nhỏ màu trắng; đài dính với bầu, có 10 răng nhọn; tràng 5 cánh hợp ở phía dưới thành ống hẹp; nhị có chỉ nhị ngắn, bầu hạ.
  • Quả bế dẹt, một mặt có 3 đường lồi, mặt kia sần sùi, mang đài tồn tại, có răng mảnh, nhọn, nom như lông.
  • Mùa quả tháng 10 – tháng 2.

B. Phân bố, sinh thái

  • Ở Việt Nam, có 2 loài nữ lang và sì to (V. jatamansi Jones) mọc ở vùng núi cao trên 1300m.
  • Cây phân bố rộng ở một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam, Lâm Đồng,…
  • Nữ lang là cây ưa khí hậu ẩm mát ở vùng nhiệt đới núi cao. Hằng năm, cây mọc từ hạt được thấy vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Sang thu, sau khi quả già, toàn cây tàn lụi, hạt phát tán xung quanh gốc cây mẹ.
  • Nữ lang được xếp vào loại cây quý hiếm ở Việt Nam. Vài năm gần đây, cây đã được thu thập và trồng tại Trại thuốc Sa Pa – Viện dược liệu với kết quả tốt.

C. Bộ phận dùng

Rễ thu hái vào mùa thu, dùng tươi hoặc phơi khô

Bộ phận dùng

D. Thành phần hóa học

Rễ nữ lang có tinh dầu và mùi thơm đặc trưng của V.officinalis. Trên sắc ký khí lớp mỏng, với nhiều dung môi khác nhau, tinh dầu nữ lang cho nhiều vệt giống như vết ở tinh dầu V.officinalis (Đặng Hồng Vân và cs, 1973).

E. Tác dụng dược lý

  • Theo tài liệu nước ngoài, rễ nữ lang có tính chất giống như V. jatamansi và V. officinalis, đó là các tác dụng an thần, gây ngủ, giảm lo âu, giảm co thắt cơ trơn. Ngoài ra, cây còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, làm ra mồ hôi.
  • Để phần nào hiểu rõ tác dụng dược lý của nữ lang, xin giới thiệu sơ lược về tác dụng dược lý của V. officinalis để tham khảo.
  • Đối với hệ thần kinh, các loạt chất chiết được từ V. officinalis như valerenal, acid valerense và valeranon đều có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
  • Đối với hệ cơ trơn, thành phần tinh dầu của V. officinalis trên tiêu bản ruột thỏ cô lập có tác dụng đối kháng với co bóp do acetylcholine hoặc bari chlorid gây nên.
  • Đối với tim mạch, dạng chiết bằng ethanol của V. officinalis thí nghiệm trên mèo gây mê, mở lồng ngực, tiêm tĩnh mạch với liều 50mg/kg thể trọng có tác dụng làm tăng lưu lượng tuần hoàn mạch vành, giảm nhịp tim rõ rệt và gây hạ huyết áp trong thời gian ngắn.

F. Tính năng, công vị

Nữ lang có vị ngọt, đắng, tính bình, vào 2 kinh: tâm, can có tác dụng minh tâm, an thần, hoạt huyết, thông kinh

G. Công dụng

Cây nữ lang được nhân dân địa phương dùng làm thuốc an thần, giảm lo âu phiền muội, chữa mất ngủ, động kinh, đau dạ dày.

  • Khi dùng lấy 10g dược liệu hãm với 100ml nước sôi, để nguội, uống trong ngày.
  • Hoặc nghiền bột dược liệu thành bột uống mỗi này 1-4g.
  • Có thể thái nhỏ chiêu ngâm cồn 60 độ với tỷ lệ 1:5, ngày dùng 2-10g pha loãng.
  • Còn dùng dạng cao mềm, mỗi ngày 1-4g.

Ở Ấn Độ và Indonesia, rễ nữ lang là thuốc thay thế tốt cho V. officinalis dưới dạng rượu thuốc. Ngoài ra, ở Ấn Độ, nữ lang còn được dùng làm hương liệu, thuốc thơm tóc.

Ghi chú: V.officinalis trong y học hiện đại được dùng làm thuốc an thần, gây ngủ nhẹ, giảm đau, lợi tiểu, giảm co thắt, chữa hen. Ở Trung Quốc, V. officinalis phối hợp với ngũ vị tử mỗi vị 60g, ngâm rượu trắng 500ml trong 7 ngày. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-10 ml chữa thần kinh suy nhược.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top