✴️ Vị thuốc Ớt làn lá nhỏ

1. Mô tả

  • Cây nhỏ, cao 1-2m. Cành non mềm, hơi dẹt, có khía dọc, màu lục nhạt, cành già tròn, có ngấn, màu xám nhạt. Lá mọc đối, hình mác thuôn, dài 9-18cm, rộng 2,5-4,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm; cuống lá ngắn.
  • Cụm hoa mọc ở đầu cành và kẽ lá thành xim phân đôi; hoa màu trắng; lá đài 5 họp thành ống dài 1,5mm; tràng có ống hẹp dài 10mm; cánh hoa 5 nhẵn, xoắn vặn; nhị 5 dính ở giữa ống tràng, chỉ nhị rất ngắn; bầu có 2 ô.
  • Quả là hai đại, mọc choãi ngang, dài 2-3cm, hơi cong, nhẵn, màu nâu vàng nhạt; hạt 4 – 6, có rãnh giữa sâu. Mùa hoa: tháng 5-6; mùa quả: tháng 7-8.

2. Phân bố, sinh thái

Tabernaemontana L. là một chi nhỏ có một số loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Nam Trung Quốc, bán đảo Đông Dương các nước ở vùng Đông Nam Á và Australia. ớ Việt Nam, có 4 -5 loài. Ớt làn lá nhỏ phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam, đảo Hải Nam), và Việt Nam. Ở Việt Nam, ớt làn lá nhỏ phân bố rải rác ở các tỉnh thuộc vùng trung du và núi thấp (dưới 1000m), từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái đến tận phía nam của Lâm Đồng. Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng khi còn nhỏ, thường mọc lẫn với các loại cây bụi khác ở đồi, đất sau nương rẫy và rừng sinh.

Ớt làn lá nhỏ có khả năng chịu hạn tốt do có bộ rễ rất phát triển. Cây chịu được chặt phá nhiều lần, phần gốc còn lại tái sinh cây chổi khoẻ. Tuy nhiên, chỉ có những cây ít bị chặt phá mới ra hoa quả thường xuyên hàng năm.

3. Bộ phận dùng

Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch thái nhỏ, thường dùng tươi. Vỏ thân và cành cũng được dùng.

4. Tác dụng dược lý

Chế phẩm Ervatin bào chế từ cao cây ớt làn lá nhỏ, thử nghiệm trên chuột lang đặt trong buồng phun khí dung histamin 0,1%, có tác dụng kéo dài thời gian an toàn (chống co thắt), chuột thử thuốc sau 40 phút vẫn chưa có hiện tượng co giật, chuột đối chứng sau 5-7 phút lên cơn hen co giật. So sánh với phenergan, tác dụng yếu hơn.

Cao ớt làn lá nhỏ có tác dụng an thần, làm giảm hoạt tính cử động tự nhiên của chuột nhắt trắng trong thử nghiệm lồng cử động. Trên mô hình gây co thắt phế quản thực nghiệm, ớt làn lá nhò thể hiện tác dụng chống co thắt phế quản do histamin. Trên ruột chuột lang cô lập, cao ớt làn lá nhỏ có tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột gây bởi histamin. Trên mô hình vi choáng phản vệ, ớt làn lá nhỏ cũng kéo dài thời gian an toàn. Trên phản ứng ngưng kết hồng cầu, ớt làn lá nhỏ thể hiện có tác dụng ức chế miễn dịch thể dịch.

Tiêm tĩnh mạch cao lỏng ớt làn lá nhỏ cho thỏ, có tác dụng hạ áp. Hô hấp lúc đầu giảm cùng với huyết áp, sau biến đổi theo hướng bù trừ. Thuốc có tác dụng giảm tần số tim. Ớt làn lá nhỏ có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Ở những bệnh nhân hen phế quản có thông khí tắc nghẽn rõ rệt nhưng ở mức độ nhẹ, được cho uống cao lỏng ớt làn lá nhỏ (Ervatin), thấy có tác dụng làm tăng thông khí phổi, nhưng không có tác dụng cắt cơn hen một cách rõ rệt. Thể tích thở ra tối đa trong 1 giây, từ 1,12 ± 0,45 lít, tăng lên 1,43 ± 0,12 lít; dung tích sống từ 2,90 ± 0,74 lít, tăng lên 3,01± 0,73 lít (số bệnh nhân 33 nam và 17 nữ; p<0,05).

5. Công dụng

  • Rễ ớt làn lá nhỏ, để tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước đặc ngậm rồi nhổ nước chữa viêm họng.
  • Khi bị rắn cắn, lấy ngay một ít rễ ớt làn lá nhỏ tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, lấy bã đắp. Vỏ thân và cành, thái nhỏ, nghiền nát, nấu với 2 lần nước, rồi cô thành cao lỏng, uống để chữa hen suyễn thể nhẹ.
  • Cao lỏng ớt làn lá nhỏ cắt được cơn hen ở thể nhẹ và trung bình, giảm được đờm, bớt rên rít khò khè. Cao không độc, có thể uống dài ngày.

6. Bài thuốc có ớt làn lá nhỏ

Chữa kiết lỵ ra máu: Lá ớt làn lá nhỏ 20-30g; lá huyết dụ, ngải cứu, hạt vài, mỗi vị 10-20g. Phơi khô, sắc uống làm một lần trong ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top