✴️ Vị thuốc Sâm tố nữ

Nội dung

1. Thông tin khoa học:

  • Tên khoa học: Pueraria mirifica Airy Shaw et Suvat.
  • Tên khác: Sắn dây củ tròn, Kwao Krua, Kwao Krua Kwao, White Kwao Krua, trong đó tên White Kwao Krua là tên trong các tài liệu khoa học.
  • Họ: Đậu (Fabaceae).

2. Mô tả cây:

Sắn dây củ tròn là loài dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 10 m. Rễ phát triển thành củ tròn, to. Lá kép, mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy. Cụm hoa hình chùm mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy, mọc ở kẽ lá gồm nhiều loại hoa màu xanh tím, thơm. Quả giáp dẹt màu vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt.

3. Phân bố:

Sâm tố nữ lần đầu tiên được tìm thấy ở phía Bắc Thái Lan, Myanmar cách đây 800 năm. Hiện nay, loài cây này phân bố chủ yếu trong các khu rừng rụng lá ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan, Myanma, Ấn Độ. Kể từ khi được phát hiện cho đến nay, Sâm tố nữ vẫn được sử dụng phổ biến ở Thái Lan như một phương thuốc bí truyền giúp cải lão hoàn đồng với tác dụng làm đẹp da, đen tóc, tăng tuần hoàn máu, cải thiện trí nhớ và duy trì sinh lí cho phụ nữ.

Tại Việt Nam, năm 2011, trong một chuyến điều tra khảo sát nguồn tài nguyên cây thuốc tại Bản Cá – Sơn La, Cử nhân Ngô Văn Trại – Nguyên cán bộ Viện Dược Liệu Trung Ương đã tình cờ phát hiện thấy sự có mặt của Sâm tố nữ trong khu vực sinh sống của người dân tộc Thái trắng. Qua điều tra thăm hỏi, được biết những người phụ nữ Thái sinh sống tại đây thường xuyên dùng củ Sâm tố nữ này đắp mặt, sắc lấy nước uống để giúp tóc dài mềm mại, da dẻ mịn màng, eo thon và tăng khả năng sinh đẻ. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam còn phát hiện ra giống Sâm này phân bố ở các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam như Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và một số huyện miền núi của Thanh Hóa và Nghệ An. Tuy nhiên, do phần củ làm thuốc, vì vậy sau khi khai thác thì cây không còn khả năng tái sinh. Cùng với nhu cầu sử dụng gia tăng ngày một lớn, hiện nay loài cây này trở nên rất quý hiếm và hiếm gặp ở Việt Nam.

4. Bộ phận dùng

Rễ củ

5. Thành phần hóa học:

Các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 17 hoạt chất có tác dụng oestrogen trong sâm tố nữ, bao gồm:

  • 10 isoflavonoid (daizein, genistein, kwakfurin, daidzin, genistin, puerarin…)
  • 4 coumestan (coumestrol, mirificouestan, miricoumestan hydrate, miricoumestan glycol)
  • 3 chromen (miroestrol, isomiroestrol, deoxymiroestrol).

Tất cả các chất này đều có cấu trúc tương tự 17β-estradiol.

Trong đó, 2 chất miroestrol và deoxymiroestrol, với hàm lượng 2-3mg trong 100mg bột rễ P.mirifica khô, chính là 2 hoạt chất có hoạt tính oestrogen mạnh nhất trong tất cả các oestrogen có nguồn gốc từ thực vật, với hoạt tính oestrogen lần lượt mạnh gấp 1000 và 10000 lần so với mầm đậu nành.

Cũng trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học còn nhận thấy: Hoạt chất Deoxymiroestrol tuy rất quý nhưng hàm lượng trong Sâm tố nữ lại không nhiều. Chưa kể đến, nó dễ bị oxy hóa ở nhiệt độ cao và tạo thành chất kém hoạt tính hơn. Do đó, để ứng dụng Sâm tố nữ vào thực tiễn chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ cần phải tiến hành nghiên cứu, xây dựng các phương pháp chiết xuất nhóm phytoestrogen, đặc biệt là Deoxymiroestrol và Miroestrol của loài Sâm này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top