✴️ Vị thuốc Thạch sùng

Nội dung

A. Mô tả con vật

  • Thạch sùng có nhiều loại. Người ta thường dùng tất cả những con có màu trắng bắt được trên tường và trần nhà.
  • Thông thường nhất có con thạch sùng Hemidactylus frenatus Schlegel. Con này toàn thân (cả đuôi) dài chừng 8-12cm, trông giống con tắc kè hay con thằn lằn nhưng nhỏ hơn, mắt dọc, lưỡi dài hay thè ra khỏi miệng để bắt những con sâu bọ nhỏ như ruồi, muỗi, nhện mà ăn. Thân nhẵn hay hơi có vảy rất nhỏ; lưng màu tro hay tro vàng, bụng màu trắng hay vàng trắng 4 chân có những màng dính để bám chắc trên tường mà đi; đuôi dài có thể đứt rồi lại mọc lại sau một thời gian.

B. Phân bố, thu bắt và chế biến

  • Con thạch sùng sống hoang khắp nơi ở những vùng nhiệt đới. Miền nam Trung Quốc cũng có và cũng được dùng làm thuốc. Vào mùa hè, khi ta thắp đèn thường thạch sùng xuất hiện, dùng tay mà bắt. Có khi người ta dùng sống, nhưng cũng có thể sấy khô để dành dùng dần.
  • Tại Trung Quốc người ta thường dùng thạch sùng sấy khô. Ở nước ta hay dùng sống; khi bắt được dùng uống ngay. Dùng toàn con, cả ruột; chú ý bảo vệ lấy đuôi. Nếu bảo quản, cần giữ nơi thật khô ráo vì rất dễ sinh sâu mọt. Nên để trong hộp kín có đựng vôi sống. Khi vôi tả rồi lại thay vôi khác.

C. Thành phần hóa học

  • Năm 1970, Trần Huyền Trân đã chiết được từ thạch sùng một loại chất béo với tỷ lệ 11,92% trong con non, 15,38% trong con đực trưởng thành và 15,97% trong con cái trưởng thành. Chất béo này có chỉ số iốt 61
  • Bằng sắc ký lớp mỏng so sánh với mẫu, đã thấy trong chất béo có lexitin, lyzolexitin, sphingomyelin và xephalin, cardiolipin, photphatidyl serin và photphatidylinontola. So sánh bản sắc ký của chất béo chiết ở thạch sùng với chất béo chiết ở tắc kè thì thấy hai loại chất béo này cho những vết ở những Rf rất giống nhau. Tác giả đã đi đến kết luận hy vọng có thể dùng thạch sùng thay cho tắc kè trong một số trường hợp và trên thực tế nhân dân cũng đã dùng tắc kè và thạch sùng để điều trị một số bệnh tương tự (Luận án tốt nghiệp dược sĩ cao cấp, 1970, Hà Nội).
  • Theo Đông y, thạch sùng vị mặn, tính hàn, có ít độc, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh huyết, chỉ khái định suyễn, khứ phong hoạt lạc, tán kết giải độc, trấn tĩnh giản kính (an thần, chống co giật). Chữa các chứng trúng phong tê liệt, trẻ em kinh phong (co giật), phá thương phong (uốn ván), trẻ em cam tích, tràng nhạc (hạch kết cổ), ho suyễn lâu ngày, khạc ra máu (khái huyết), dương nuy (liệt dương), viêm đa khớp dạng thấp, các chứng đau do thần kinh, ác sang (viêm loét ác tính), nấm da, cước khí…

D. Công dụng và liều dùng

  • Thạch sùng còn là một vị thuốc dùng trong nhân dân. Có thấy ghi trong các sách cổ như trong bộ “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân (thế kỷ thứ 16). Trong bộ “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh “Việt Nam, thế kỷ 17”, cũng thấy ghi ở mục loài có vảy (.Lân bộ) dùng làm thuốc với tên thủ cung. Tính chất ghi trong các sách cổ như sau: Vị mặn, tính hàn, hơi có độc, vào 2 kinh tâm và can. Có tác dụng trừ phong, chữa đau các khớp xương, trúng phong (cảm gió), trị cam lỵ trẻ con và tiêu hòn cục (báng), kinh giản, tràng nhạc, rắn rết cắn.
  • Nhân dân Trung Quốc dùng thạch sùng dưới hình thức phơi hay sấy khô tán bột mà uống chữa mụn nhọt, thần kinh suy nhược, bệnh về dạ dày và ruột, tiêu hóa kém, kém ăn, bán thân bất toại, viêm khớp mãn tính, đau thần kinh, nhức đầu kinh niên mà không rõ nguyên nhân. Chú ý còn cần thêm nghiên cứu.
  • Theo dược tính hiện đại, thạch sùng họ tắc kè, có chứa 11,92 - 15,97% chất béo, trong đó có lecitin, lyzolecitin, sphingomyelin, cephlin, cardiolipin, phosphattidyn serin và phosphatidylinontola - một chất giống histamin. Ngoài ra, còn chứa protid và một loại chất có độc. Tài liệu gần đây còn cho biết thạch sùng có tác dụng ức chế hô hấp, tế bào ung thư gan, ức chế trực khuẩn lao và một số loại nấm gây bệnh thường gặp, an thần gây ngủ, chống co giật và chống ung thư máu. Chữa suy nhược thần kinh, lao hạch, cốt tủy viêm, ung thư thực quản, dạ dày. 

  • Chữa lao hạch và hen suyễn: Dùng thạch sùng sấy khô tán thành bột, mỗi ngày uống nửa phân với rượu hoặc dùng thạch sùng 2 con, hạ khô thảo 6g sấy khô tán bột chia uống 2 lần trong ngày với rượu vàng kết hợp với dùng thạch sùng sao tồn tính, tán lấy bột hòa với dầu vừng bôi lên hạch bị tổn thương.

  • Chữa ung sang đau nhiều: thạch sùng trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương.

  • Chữa chứng tay chân tê bại: thạch sùng (sao vàng), trần bì mỗi vị 20g; nhũ hương, một dược và cam thảo mỗi vị 10g. Tất cả tán thành bột, uống mỗi ngày 12g.

  • Chữa đau nhức xương cốt: thạch sùng phơi khô, cúc hoa vàng, địa cốt bì, thanh cao mỗi vị 12-15g. Sắc uống ngày 1 thang.

​​​​​​​

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top