✴️ Vị thuốc từ Cà phê

Nội dung

Tên tiếng Việt: Cà phê chè, Cà phê Arabica

Tên khoa họcCoffea arabica L.

Họ: Rubiaceae (Cà phê)

Công dụng: dùng trị suy nhược, mất sức do bệnh nhiễm trùng, mất trương lực dạ dày.

1. Mô tả:

  • Cây nhỏ, mọc sum sê, luôn xanh, cao 6 – 10m. Thân cành hình trụ hoặc hình vuông, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 10 – 15 cm, rộng 5 – 6 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt, gân nổi rõ. mép uốn lượn, cuống lá dài 0,7 – 1 cm, lá kèm có gốc rộng, đầu nhọn.
  • Hoa mọc tụ tập ở kẽ lá, màu trắng, rất thơm, dài, cụt, tràng hình ống ngắn. 5 cánh hoa đều, nhị 5 dính ở họng tràng, xen kẽ với cánh hoa, bầu 2 ô, mỗi ô chứa 1 noãn.
  • Quả hạch, hơi dẹt, lúc đầu màu lục, sau vàng với màu đỏ, chứa 2 hạt dẹt, hơi cong, màu xám.
  • Mùa hoa quả: Tháng 11 – 4

2. Phân bố, sinh thái:

  • Với đặc điểm hoa mọc tụ tập dạng xim co, chi Coffea L được xếp trong họ phụ lxoroideae (họ Rubiaceae) và tông Coffeae. Chi này có khoảng gần 100 loài và dưới loài, phân bố rải rác khắp vùng nhiệt đới, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng nhiệt đới của châu Phi
  • Hiện nay, có 3 loài và rất nhiều giống cà phê được trồng rộng rãi trên thế giới. Về nguồn gốc phát nguyên của chúng cụ thể như sau:
    1. Cà phê chè có nguồn gốc từ vùng cao nguyên phía tây – nam
    2. Cà phê vối có nguồn gốc từ vùng xích đạo châu phi từ Guinea đến Uganda
    3. Cà phê mít có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Trung và Tây phi
  • Cà phê là cây ưa sáng hay có thể hơi chịu bóng. Ở các vùng phân bố nguyên thủy, cà phê thường mọc lẫn trong các kiểu rừng thưa. Ở ven rừng hay trên các khoảng trống trong rừng rậm mới được mở tán. Vì vậy, trong các đồn điền trồng cà phê người ta thường trồng xen một số cây họ đậu tán thưa như keo giậu, muống đen,..để tạo bóng.
  • Cà phê có thể sinh trưởng phát triển tốt trên nhiều loại đất, song tốt nhất vẫn là các loại đất đỏ nâu thuộc nhóm bazan và túp hoặc đất đã được phong hóa từ nham thạch núi lửa. Cà phê thuộc loại cây sinh trưởng nhanh cây trồng từ hạt sau 3 năm (1 năm ở vườn ươm) bắt đầu có hoa, càng về sau lượng hoa quả càng nhiều. Tùy loại cà phê mà thời gian thu hoạch kéo dài từ 20 đến 30 năm, Cà phê nở hoa rộ trong khoảng 15 – 20 ngày, hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, tỷ lệ tự thụ phấn chỉ chiếm khoảng 10%. Hạt cà phê có tỷ lệ nảy mầm cao (đến 95%); khả năng nảy mầm này sẽ giảm đảm sau 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, nếu được bảo quản ở nhiệt độ 15°C, tỷ lệ nảy mầm cao có thể duy trì được trong thời gian 15 – 30 tháng sau.

3. Bộ phận dùng

Hạt, còn dùng lá.

4. Thành phần hóa học

  • Cà phê sống chứa: glucid, lipid, acid hữu cơ, acid phenol, acid clorogenic,…trong đó glucid có nhiều chiếm hơn một nửa so với dược liệu khô kiệt. Có 5-8% đường khử sacchaose, ít manitol, polysaccharid, galactomanan, xylan,….. không có tinh bột trong hạt già.
  • Cà phê rang có nhiều thay đổi về hóa học: Nước giảm khoảng 5%, chất vô cơ không thay đổi, cafein có phần bị thăng hoa, glucid thay đổi nhiều (saccharose có phần chuyển hóa, nhiều chất hòa tan xuất hiện do các polysaccharid không hòa tan chuyển hóa.). Ngoài ra trong cà phê rang còn có các chất thơm.

5. Tác dụng dược lý:

  • Theo tài liệu nước ngoài, quả cà phê tươi có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu. Hạt cà phê rang chế biến thành đồ uống có tác dụng kích thích. Cafein là hoạt chất chính trong hạt cà phê. Nó có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, hệ tim mạch, lợi tiểu và làm giãn cơ trơn
  • Đối với hệ thần kinh trung ương, cafein có tác dụng mạnh nhất trong các methylxanthin. Người dùng cafein hoặc đồ uống có chứa cafein cảm thấy tỉnh táo, mất buồn ngủ, ít mệt mỏi và suy tư mình mẫn. Cafein dùng với liều lớn thì kích thích thần kinh trung ương càng phát triển, xuất hiện trạng thái bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, ở những người quen dùng cà phê, những triệu chứng này nhẹ hơn, liều cao làm xuất hiện co giật cục bộ hoặc toàn thân,
  • Cafein còn có tác dụng kích thích hô hấp đặc biệt trong trường hợp bệnh lý như hô hấp bị ức chế bởi các opioid hoặc hô hấp Cheyne stokes.
  • Đối với hệ tim mạch, cafein có tác dụng làm giảm trở kháng ngoại vi, kích thích tim liều 250 – 350 mg cafein gây nên nhịp tim nhanh, huyết áp tăng nhẹ. Nhưng cũng với liều trên đối với người thường xuyên dùng cà phê thì các triệu chứng trên không xuất hiện.
  • Đối với cơ trơn, cafein có tác dụng làm giãn cơ trơn khí phế quản đặc biệt đối với khí phế quản bị co thắt như ở những bệnh nhân hen suyễn trên lâm sàng hoặc trong các mô hình gây co thắt khí phế quản thực nghiệm.
  • Đối với cơ vân, cafein có tác dụng tăng cường khả năng làm việc của cơ bắp ở người
  • Cafein với liều 6 mg/kg làm tăng khả năng chạy đua của những vận động viên trượt tuyết.
  • Đối với hệ tiết niệu cafein tăng cường sự hình thành nước tiểu, gia tăng tốc độ lọc của cầu thận và tăng lượng máu qua thận

6. Công dụng:

  • Cà phê được dùng làm đồ uống dưới dạng chiết hãm bằng nước sôi từ bột hạt cà phê rang, hoặc dưới dạng cà phê tan.
  • Uống cà phê làm mất buồn ngủ, giúp tinh thần tỉnh táo, giảm cảm giác mệt mỏi. Còn dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa phù thũng, giúp tiêu hóa.
  • Uống quá nhiều đồ uống có cà phê gây rối loạn tiêu hóa được xem là do chất cafeotoxin, một thành phần độc bay hơi được hình thành trong quá trình rang cà phê và chỉ có một phần bay hơi.
  • Alcaloid cafein và các dạng muối như cafen citrat và cafein natri benzoat được dùng trong trường hợp cấp cứu ngộ độc opioid và các thuốc gây ngủ khác.
  • Trong nhân dân, hạt cà phê sống giã nát ngâm với rượu uống chữa tê thấp, sốt rét. Cà phê rang uống có tác dụng tiêu mỡ, tiêu độc rượu và thuốc phiện. Người khó ngủ không nên dùng cà phê. Lá cà phê sắc uống làm chóng tiêu thức ăn, tiêu nước chữa phù thũng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top