✴️ Vị thuốc Vai

Nội dung

Tên tiếng Việt: Vai, Vai trắng, Nhà can, Giao phương mộc

Tên khoa học: Daphniphyllum calycinum Benth.

Họ: Daphniphyllaceae

Công dụng: Cảm mạo phát sốt, sưng amygdal, phong thấp đau nhức xương, đòn ngã sưng đau, gãy xương, mụn nhọt sưng lở; còn được dùng chữa lao phổi, nhiệt tả, cầm máu, rắn cắn. Cành lá chữa sưng vú.

1. Mô tả:

  • Cây nhỏ, cao 1-5m; cành tròn, không lông. Lá mọc so le, phiến lá xoan ngược, dài 10-15cm, rộng 3,5-9cm, rộng nhất ở 1/2 trên, đầu tù tròn, gốc tù, gân phụ 6-7 cặp; cuống dài 3-15cm, không lông, mặt dưới màu trắng xám. Cụm hoa chùm dài 3-4cm, khác gốc; cuống hoa 4-5mm, đài có 4 thùy, nhị 8; hoa cái có 5 lá đài, vòi nhụy 2. Quả hạch xoan, dài 1cm, có phấn trắng, hạt 1, dài 6mm.
  • Hoa tháng 5-7.

2. Bộ phận dùng:

Rễ, cành lá, quả – Radix, Ramulus et Fructus Daphniphylli Calycini.

3. Nơi sống và thu hái:

Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở vùng rừng núi Quảng Ninh, Hòa Bình. Thu hái rễ vào mùa thu, rửa sạch, phơi khô. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.

4. Thành phần hóa học:

Hạt, chứa dầu 38,6%, alcaloid 1,2%; có các chất daphnicaline A, acid fumaric. Vỏ thân và lá chứa calycine.

5. Tính vị, tác dụng:

Rễ có vị cay, hơi đắng, tính bình; cành lá có vị ngọt, tính ấm. Rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tán ứ, thư cân; cành lá có tác dụng khu phong, giải độc, tiêu thũng.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Rễ dùng trị cảm mạo phát sốt, sưng amygdal, phong thấp đau nhức khớp xương, đòn ngã sưng đau, gãy xương, rắn độc cắn, mụn nhọt sưng lở. Liều dùng 12-20g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Ở Vân Nam (Trung Quốc) rễ cây dùng trị lao phổi, nhiệt tả; cành lá dùng trị sưng vú, phong thấp đau xương, quả dùng trị lỵ mạn tính. Liều dùng 4-6g. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Dân gian cũng dùng rễ sắc uống chữa viêm họng, viêm ruột và dùng lá để cầm máu chữa vết thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top