Loại thảo dược này từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ đại Ấn Độ như một bí quyết hiệu nghiệm để kích thích ham muốn, tăng cường sức mạnh và kéo dài thời gian “yêu” cho phái đẹp. Nó được sử dụng như một loại gia vị trong các món ăn hoặc chế biến thành các món tráng miệng.
Ấn Độ là đất nước đông dân và cũng vốn được coi là nơi có nhiều gia vị thứ nhì thế giới. Ngay từ thời xa xưa, người Ấn đã rất “đầu tư” cho việc nghiên cứu, chế biến và sử dụng các loại gia vị. Trong đó, gia vị kích thích “chuyện yêu” cũng là một loại được chú trọng.
Loại thảo dược được người Ấn dùng làm gia vị “yêu” là nhục đậu khấu (tên khoa học là Myristica fragrans) thuộc họ nhục đậu khấu (Myristicaceae), tên khác là nhục quả, ngọc quả. Cây có nguồn gốc ở vùng đảo Thái Bình Dương, được nhập trồng vào đất liền ở khắp vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Ở nước ta, cây chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Nam. Bộ phận nhục đậu khấu được sử dụng là quả.
Quả thường đơn độc, có cuống ngắn, đôi khi mang bao hoa tồn tại; hạt hình trứng có áo và nhân màu trắng. Theo cách làm gia vị của người Ấn Độ, đến mùa quả nhục đậu khấu chín (tháng 5- 6 và tháng 11- 12), người ta thu hái chúng đem về, bóc bỏ vỏ, lấy riêng áo hạt ngâm nước rồi phơi sấy cho khô, được nhục quả y. Đem nhục quả y tẩm ướt, rồi bọc bột mì, cám gạo hoặc bột hoạt thạch, đem nướng đến khi vỏ bọc cháy hết.
Còn hạt đem sấy ở nhiệt độ 80 độ đến khi lắc có tiếng lọc cọc thì đem đập lấy nhân, sao nóng, ép bỏ dầu hoặc tán hạt thành bột, gói vào giấy bản rồi ép bỏ dầu. Hoàn thành, loại bột này sẽ trở thành gia vị để chế biến các món ăn.
Món ăn mà phụ nữ Ấn thường sử dụng cho một đêm “nồng nàn, mê say” là món cháo ninh nhừ với bột nhục đậu khấu, ăn trong ngày. Cháo nhục đậu khấu có mùi thơm đặc trưng và vị ngon hấp dẫn. Thời xưa, các cô dâu Ấn Độ trong đêm tân hôn thường được ăn loại cháo này để “chiều” chồng nồng nhiệt hơn. Ngoài ra, người ta còn dùng bột hạt này pha trà hoặc cho vào nước uống.
Không chỉ là kinh nghiệm dân gian, nhục đậu thấu đã có mặt trong y học cổ đại Ấn Độ (Ayurveda) từ lâu, là một phương thuốc hiệu nghiệm giúp điều trị nhức đầu, đau dạ dày, chống viêm và cải thiện sự lưu thông máu, có tác dụng đặc biệt đối với nữ giới. Theo đó, việc cải thiện lưu thông máu giúp tăng lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục, nhờ vậy mà chị em sẽ thấy “nồng nhiệt” hơn trong phòng ngủ nếu ăn món ăn hoặc uống trà, nước… có nhục đậu thấu trước khi “lâm trận”.
Từ y học cổ truyền và thực tế sử dụng của người Ấn Độ, nhục đậu khấu cũng được nhiều quốc gia khác trọng dụng. Theo các tài liệu cổ của y học Trung Quốc, nhục đậu khấu là vị thuốc thơm, được dùng rất phổ biến trong việc làm hương liệu, gia vị và đặc biệt là thuốc kích dục, tăng cường khả năng sinh lý và sự hưng phấn cho phụ nữ. Sau này, người ta ví von nhục đậu khấu là “Gia vị tình yêu” hay “Viagra cho nữ giới”. Phụ nữ châu Phi cũng rất ưa thích loại “tình dược” này.
Hiện nay, bột nhục đậu khấu được sử dụng ở nhiều quốc gia làm hương liệu cho bánh mì hoặc bánh ngọt, bánh tráng miệng, nước xốt, rau quả, và đồ uống; trong khi dầu của nó được sử dụng để làm hỗn hợp nước hoa hoặc xà phòng. Trong nấu ăn, nó là một trong các loại gia vị được sử dụng trong món thịt nhồi pho mát, món cơm Ý, Hoành thánh Ý…
Ngoài ra, ở một số nơi, các đầu bếp kết hợp nó với thịt cừu cùng với các loại gia vị khác như ẩm thực Trung Đông. Theo các đầu bếp thì thú vị nhất là kết hợp nó với hạt thì là để pha trộn thành một loại gia vị có nhiều hương vị. Bột nhục đậu khấu cũng có thể sử dụng kết hợp với cải bắp, cà tím, rau bina, các loại đậu, các món ăn trứng hoặc trong súp và pho mát, cà chua.
Nhục đậu khấu được biết đến qua y học cổ truyền Ấn Độ nhưng thực ra, nó có nguồn gốc từ quần đảo Molucca (Indonesia). Vì có hương thơm ấm dịu nên hạt nhục đậu khấu đã được sử dụng như một loại chất làm cho không khí tươi mát, dễ chịu ở các đường phố Rome trong suốt lễ đăng quang của Hoàng đế Henry đệ VI vào năm 1190.
Người Bồ Đào Nha và Hà Lan từng nắm quyền kiểm soát việc mua bán loại hạt này bởi nó được xem như một gia vị đắt tiền được đánh giá cao trong các món ăn ở châu Âu thời trung cổ như dùng làm hương liệu, dược liệu, chất bảo quản… Hạt nhục đậu khấu được ghi nhận là một mặt hàng rất có giá trị bởi sau khi trồng chúng thì khoảng 7-9 năm sau mới có thể thu hoạch được.
Vào thời này, nó đã được biết đến với tác dụng kích thích hưng phấn tình dục và giúp dễ tiêu hóa. Ngoài ra, khi mang hạt nhục đậu khấu theo bên mình, người ta tin nó sẽ giúp làm nhẹ chứng bệnh thấp khớp. Người ta còn tin nó sẽ giúp tăng cường khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Theo phân tích y học hiện đại, hạt nhục đậu khấu chứa nước, protein, canxi, sắt, tinh bột… và đặc biệt là chứa đến 6-16% tinh dầu có lợi cho sức khỏe. Tinh dầu nhục đậu khấu cũng được sử dụng từ lâu. Trước đây, chỉ những hạt bị vỡ ra, sâu ăn hay không bán được thì người ta mới đem về và chưng cất lấy tinh chất. Nhưng hiện nay, do được nhiều người biết đến và yêu thích nên nhiều công ty đã thu mua hạt nhục đậu khấu để sản xuất tinh dầu.
Loại tinh dầu này được sản xuất chính ở Indonesia và ít hơn ở Sri Lanka và ở quần đảo Grenada (một quốc đảo thuộc vùng biển Caribê) bằng cách chưng cất hơi nước từ hạt. Một số nghiên cứu của các chuyên gia trị liệu tình dục thực hiện cho thấy, tinh dầu nhục đậu khấu có mùi thơm ấm dịu thể đem đến cho người ta tâm trạng cởi mở, thư giãn, kích thích cảm xúc và khơi dậy ham muốn “yêu”. Ngoài ra, loại tinh dầu này còn giúp trị buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau nhức cơ, xương khớp, phòng chống cảm lạnh, phong hàn và tiêu chảy mãn tính.
Vì chứa các hoạt chất kích thích thần kinh, cảm xúc nên nhục đậu thấu có thể gây ảo giác khi dùng quá nhiều. Thậm chí, dùng với liều cao còn có thể gây độc. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS. Đỗ Tất Lợi thì, nhục đậu khấu là vị thuốc thơm, có tác dụng kích thích. Được dùng trong cả đông và tây y. Nhưng dùng với liều cao thì có thể gây độc.
Dùng nguyên cả một hạt đã có hiện tượng độc. Sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tựơng mệt mỏi và ngủ gà. Purkinje (nhà giải phẫu học và sinh lý học) đã cảm thấy hiện tượng tê mê sau khi dùng nhục đậu khấu. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra ở Anh và Mỹ, trong đó có một trường hợp chết người với hiện tượng dãn đồng tử như khi bị ngộ độc do benladon. Dùng ít thì xúc tiến hai dịch vị, giúp sự tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, gây ăn ngon nhưng uống nhiều quá sẽ làm say tê, có khi tiểu tiện ra huyết rồi chết.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh