NHỮNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG
Những câu hỏi chính thường đặt ra cho người quản lý môi trường gồm:
Có những yếu tố môi trường nào có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng?
Mức độ ô nhiễm hoặc nguy cơ của yếu tố đó đến sức khoẻ cộng đồng ra sao?
Có những giải pháp nào (hiện có) đang được sử dụng để ngăn ngừa nguy cơ hiện tại và tác động lâu dài của ô nhiễm môi trường lên sức khoẻ? Có những khiếm khuyết nào trong các giải pháp đó mà có thể điều chỉnh được?
Có những giải pháp khả thi nào khác nhằm tăng cường sức khoẻ, cải thiện môi trường?
Cần có các văn bản gì, quy định hành chính nào giúp cho việc thể chế hoá, hành chính hoá các hoạt động quản lý môi trường?
Hiện nay các luật lệ cũng như các văn bản pháp quy chỉ đạo công tác vệ sinh phòng bệnh, ngăn ngừa các nguy cơ từ môi trường có phù hợp không? điểm nào không phù hợp và cần phải điều chỉnh?
Cần có những chiến lược nào, tiêu chuẩn gì đối với chất lượng môi trường? Để triển khai các chiến lược đó ở các địa phương, các bộ ngành cần có những hướng dẫn gì?
Từ các câu hỏi trên, có 7 nhóm hoạt động quản lý môi trường sẽ được trình bày dưới đây.
Xác định và đo lường mức độ ô nhiễm môi trường:
Đây là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là hoạt động cần nhiều nguồn lực nhất đối với cơ sở y tế dự phòng địa phương. Mỗi nước với trình độ phát triển kinh tế cũng như điều kiện địa lý môi trường, hệ thống chính sách xã hội khác nhau có những quan tâm không giống nhau.
ở các nước phát triển, người ta quan tâm nhiều đến ô nhiễm môi trường công nghiệp, đô thị, đến việc khai thác các nguồn tài nguyên không tái sinh, đến tầng ozon, đến khí xả động cơ và cả các vấn đề mà nước đang phát triển ít chú ý tới như thuỷ triều và tình trạng nóng lên của trái đất...
Trong khi đó, các nước đang phát triển lại chú ý tới các yếu tố ô nhiễm môi trường truyền thống như vấn đề chất thải sinh hoạt, các yếu tố ô nhiễm vi sinh vật, ký sinh trùng, hoá chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm thực phẩm v.v... Ngay trong cùng một quốc gia, các mối quan tâm về môi trường ở mỗi vùng cũng có các đặc trưng riêng.
Trước khi xác định ô nhiễm môi trường của một địa phương, một khu vực dân cư chúng ta cần tìm hiểu những vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng là gì, yếu tố nào đang và sẽ gây hậu quả lên sức khoẻ, yếu tố nào đã được nhận biết hoặc chưa được nhận biết, mức độ ảnh hưởng ra sao, các khó khăn cản trở gì trong quá trình phát hiện ô nhiễm, theo dõi, giám sát và kiểm soát ô nhiễm... Dân số đang sống trong tình trạng ô nhiễm là bao nhiêu, các nhóm dễ bị tổn thương là những ai?
Việc xác định các yếu tố ô nhiễm có thể cần đến các kỹ thuật đo đạc, đánh giá ô nhiễm. Song, không ít trường hợp các yếu tố ô nhiễm chỉ được ghi nhận có tính chất định tính hoặc trên các suy luận lô-gic.
Ví dụ: khi tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh còn thấp, nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật đường ruột trong đất và đặc biệt là trong nước sẽ rất cao. ở đây, yếu tố có thể đo lường được đó là các chỉ số vệ sinh của các nguồn nước sinh hoạt (coliform, BOD5, NH3...) song các tác nhân gây bệnh đường ruột khác như các virus và vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em lại rất khó xác định, nhất là khi thiếu các kỹ thuật labô hiện đại, vì vậy phải "mượn" các chỉ số vệ sinh để đánh giá ô nhiễm. Tương tự như thế, các yếu tố gây ung thư trong môi trường rất nhiều song ít có khả năng đo lường chúng, trừ một vài nghiên cứu có mức đầu tư khá lớn.
Phương pháp "kiểm kê" (inventory) các yếu tố ô nhiễm dựa trên các mô hình tính toán cũng được khuyến cáo áp dụng một khi thiếu các kỹ thuật theo dõi - giám sát môi trường. Ví dụ, để xác định mức ô nhiễm khí SO2, SO3 trong môi trường do khói xả từ các ống khói nhà máy sử dụng than đá, người ta có thể sử dụng phương pháp hoá học để định lượng SO2, SO3 trong không khí, hoặc sử dụng hệ thống thiết bị theo dõi tự động (monitoring). Trường hợp không có các kỹ thuật trên, người ta có thể tính toán lượng SO2, SO3 thải vào không khí trong một tháng (hay 1 ngày đêm, 1 năm...) qua số liệu báo cáo về lượng than đá đã sử dụng (trong than có một tỷ lệ lưu huỳnh xác định, khi đốt sẽ tạo thành SO2, SO3... ).
Khi xác định yếu tố ô nhiễm, cần xác định cả số lượng quần thể dân cư cũng như sinh vật có thể chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do ô nhiễm môi trường. Ví dụ, xem bảng 10.1 về tình hình ô nhiễm SO2 ở hai thành phố.
Bảng 10.1. Tình hình ô nhiễm SO2 ở hai thành phố A và B
|
Thành phố A |
Thành phố B |
Dân số |
8.000.000 |
1.000.000 |
Mức ô nhiễm SO2 (ppm) Tối đa |
0,40 |
1,40 |
Tối thiểu Trung bình |
0,10 0,25 |
0,10 0,25 |
Số dân tiếp xúc Phụ nữ Trẻ em Người cao tuổi |
4.200.000 600.000 800.000 |
510.000 150.000 100.000 |
Để đánh giá ô nhiễm có thể dựa vào các mức ô nhiễm, trong đó không chỉ chú ý tới mức ô nhiễm trung bình, tỷ lệ số mẫu đo vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép mà còn chú ý tới mức ô nhiễm tối đa (có những thời điểm ô nhiễm cao nhất) có thể tác động cấp tính trên cộng đồng. Thêm vào đó mức giao động (tối đa, tối thiểu) cũng cần được chú ý phân tích về quy luật ô nhiễm. Sau cùng, song lại không kém phần quan trọng, đó là số dân phải tiếp xúc, trong đó có các đối tượng rất nhậy cảm. Với ví dụ trên cho thấy mức độ nguy cơ ở thành phố B có phần cao hơn song thành phố A tổng số dân tiếp xúc cũng như các nhóm dễ bị tổn thương lại nhiều hơn. Rõ ràng là mức đầu tư cho phòng chóng ô nhiễm khí SO2 ở thành phố A phải lớn hơn.
Xác định các yếu tố ô nhiễm cũng được phân theo các mức độ khác nhau:
Mức hộ gia đình hay còn gọi là "vi môi trường", trong đó các nguồn ô nhiễm từ các công trình vệ sinh, bếp, khói thuốc lá, các hoá chất và cả các thói quen có hại tới sức khoẻ khác.
Mức độ cộng đồng hay môi trường địa phương, trong đó các nguồn ô nhiễm từ giao thông, các công trình công cộng, các cơ sở sản xuất trong khu vực...
Mức độ ô nhiễm của một vùng lãnh thổ, vùng địa lý, nơi đó có các yếu tố ô nhiễm từ môi trường thiên nhiên, độ cao, vùng khí hậu.
Mức độ ô nhiễm trong các cơ sở sản xuất, trong các nghề nghiệp: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...
Nếu phối hợp với các loại yếu tố ô nhiễm ta sẽ có ma trận hệ thống hoá các yếu tố ô nhiễm (bảng 10.2).
Bảng 10.2. Mẫu ma trận hệ thống hoá các yếu tố ô nhiễm
|
Các loại yếu tố ô nhiễm |
||
Hoá học |
Lý học |
Sinh học |
|
Mức hộ gia đình |
|
|
|
Mức cộng đồng |
|
|
|
Mức khu vực |
|
|
|
Ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, trong các nghề nghiệp |
|
|
|
Đo lường các yếu tố độc hại và đánh giá các nguy cơ cũng như hậu quả lên sức khoẻ:
Trong mục 3.1 đã đề cập tới việc đo lường các yếu tố độc hại, trong đó có các biện pháp sử dụng thiết bị kỹ thuật và mà bằng không sử dụng thiết bị kỹ thuật mô hình tính toán qua kiểm kê các nguồn phát sinh. Mục 3.2 chủ yếu nhằm giới thiệu các biện pháp đánh giá tiếp xúc và hậu quả của nó lên sức khoẻ.
Đánh giá tiếp xúc với môi trường:
Muốn đánh giá mức độ tiếp xúc với môi trường, việc đầu tiên là phải lấy mẫu. ở đây có 5 câu hỏi được đặt ra là:
Cần lấy mẫu trong bao lâu và bao lâu lại lấy mẫu một lần (tần suất lấy mẫu)?
Vị trí lấy mẫu ở đâu?
Yêu cầu về chất lượng số liệu phân tích đến đâu?
Cần có phương tiện lấy mẫu gì?
Kỹ thuật nào sử dụng trong phân tích mẫu?
Nội dung bài này không đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi trên đây mà lưu ý chúng ta các câu hỏi của người quản lý môi trường đặt ra cho các nhà kỹ thuật môi trường và sẽ được học trong những bài khác.
Có không ít trường hợp không thể đo lường được mức độ tiếp xúc (định lượng) mà chỉ ước lượng được nguy cơ (định tính). Ví dụ, trong vụ dịch hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003, khi tác nhân gây bệnh không biết cụ thể, chỉ qua các xét nghiệm định nhóm virus biết được có thể là một loại corona virus và càng không thể định lượng được số virus trong một mét khối không khí. Vì vậy, không có lấy mẫu và phân tích mẫu trong môi trường. Khả năng duy nhất để xác định nguy cơ là số người đã từng tiếp xúc gần gũi với người bệnh điển hình (index case).
Mức độ ô nhiễm mà một cộng đồng phải tiếp xúc càng cao quá tiêu chuẩn tiếp xúc cho phép thì nguy cơ càng nhiều. Thêm vào đó, thời gian tiếp xúc cũng đóng vai trò rất quyết định. Thời gian tiếp xúc càng dài thì nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, có những yếu tố tác hại gây ảnh hưởng cấp tính hoặc tối cấp tính thì chỉ trong một thời gian tiếp xúc rất ngắn cũng có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí có thể gây tử vong (ví dụ, tiếp xúc với hơi khí CO).
Để lấy mẫu, người ta có thể sử dụng các phương tiện lấy mẫu cá nhân hoặc các phương tiện lấy mẫu ngoài cộng đồng, nơi sản xuất... Để phân tích mẫu thu được người ta sử dụng nhiều kỹ thuật phân tích hoá học, lý học, hoá lý và sinh học. Các kỹ thuật này phải do các chuyên gia và kỹ thuật viên thực hiện. Kết quả sau khi phân tích được tính toán theo các đơn vị khác nhau. Từ đó, người ta ước tính ra liều tiếp xúc trung bình, liều tiếp xúc trung bình theo thời gian, liều tiếp xúc đỉnh. Đối chiếu liều tiếp xúc với các tiêu chuẩn tiếp xúc cho phép để đưa ra nhận định về nguy cơ và đưa ra các phương thức xác định những hậu quả của môi trường trên sức khoẻ một cách thích hợp (trong trường hợp có tiêu chuẩn tiếp xúc cho phép).
Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lên sức khoẻ:
Trong nhiều trường hợp, ảnh hưởng của môi trường lên sức khoẻ được xác định qua các chỉ số mắc bệnh, tử vong do một số bệnh đặc trưng (bệnh đặc hiệu của một hoá chất độc, một yếu tố lý học hay sinh vật học) hoặc một số bệnh không đặc trưng (môi trường chỉ là yếu tố tác động làm tăng tỷ lệ mắc và chết). Ví dụ: nhiễm độc chì, bụi phổi silic và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đặc hiệu.
Không ít các yếu tố môi trường rất khó xác định tác hại trên sức khoẻ do tính đặc hiệu quá thấp. Trong cùng một điều kiện tiếp xúc, thậm chí cùng liều tiếp xúc song có những cá thể hoặc nhóm người không hoặc ít bị ảnh hưởng hơn các cá thể, nhóm người khác. Vì vậy, đánh giá ảnh hưởng của môi trường trên sức khoẻ phải dựa vào quy luật số đông, vào tính phổ biến, trừ một số ngoại lệ.
Việc xác định ảnh hưởng của môi trường lên sức khoẻ dựa trên các số liệu thống kê về tình hình mắc bệnh và/hoặc tình hình tử vong. Ngoài ra, còn có các nguồn số liệu từ những kết quả khám phát hiện bệnh định kỳ, khám sàng lọc hoặc/và làm các xét nghiệm đặc hiệu hoặc không đặc hiệu, điều tra phỏng vấn về tình hình sức khoẻ, ốm đau của từng đối tượng...
Ảnh hưởng của môi trường lên sức khoẻ thường hay giống với hiện tượng "tảng băng nổi" với các mức ảnh hưởng khác nhau (sơ đồ 10.1).
Sơ đồ 10.1. Các mức ảnh hưởng của môi trường lên sức khỏe
Sơ đồ trên cho thấy: nếu chỉ có một vài trường hợp tử vong phải thấy rằng có rất nhiều người đang bị bệnh ở thể lâm sàng hoặc tiền lâm sàng. Cũng như thế, khi một người bệnh được phát hiện cũng có thể có rất nhiều người đang tiếp xúc quá mức nhưng chưa mắc bệnh.
Trong khi nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường lên sức khoẻ người ta có thể dựa vào một số nhóm bệnh mang tính "chỉ danh". Ví dụ, nếu thấy tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đặc hiệu cao, có thể nghĩ nhiều đến các yếu tố ô nhiễm môi trường không khí là bụi, hơi khí kích thích và khói. Nếu thấy tỷ lệ bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá cấp tính cao, có thể nghĩ tới ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt hoặc ô nhiễm phân.
Một số yếu tố ô nhiễm có thể gây ra các rối loạn trong phân chia tế bào hoặc chỉ ảnh hưởng tới tế bào sinh dục gây ra quái thai hoặc dị tật bẩm sinh cho thế hệ sau mà không thể hiện hậu quả trên thế hệ tiếp xúc. Trong trường hợp này đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu di truyền học.
Khi nghiên cứu hậu quả của môi trường lên sức khoẻ phải chú ý rằng ngoài tác động của môi trường, sức khoẻ còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như các yếu tố gây stress, tình trạng dinh dưỡng và các thói quen sinh hoạt có hại cho sức khoẻ. Thêm vào đó, khi tìm hiểu ảnh hưởng của yếu tố độc hại này, phải lưu ý rằng có thể có các yếu tố độc hại khác cũng đã tác động lên tình trạng sức khoẻ cộng đồng. Các nghiên cứu dịch tễ học với sự hỗ trợ của các xét nghiệm môi trường, các xét nghiệm sinh học và các khám xét lâm sàng giúp cho việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa môi trường và sức khoẻ.
Khi xác định được những hậu quả của môi trường lên sức khoẻ cần tìm hiểu mối quan hệ nhân quả, xác định mức độ nguy cơ và mức độ hậu quả của ô nhiễm môi trường để từ đó xác định các vấn đề ưu tiên, các giải pháp ưu tiên cho các hoạt động làm giảm nhẹ hậu quả, bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Xem tiếp: Quản lý sức khoẻ môi trường (P3)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh