1. Tình hình chung
Theo “bản đồ” ung thư thế giới, so sánh từ năm 2018 và 2022, Việt Nam đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) với tỉ lệ mắc mới và tăng 6 bậc xếp thứ 50/185 quốc gia) cho tỉ lệ tử vong do ung thư. Trong đó, ước tính trong năm có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Vậy cứ mỗi 100.000 người thì có 159 người mắc ung thư và trong đó có 106 người tử vong do ung thư.
Tình trạng ung thư trên thế giới theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020 cho thấy số ca mắc mới và tử vong do ung thư có xu hướng tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 là một năm mà cả thế giới đã vượt ngưỡng mới và nghiêm trọng hơn về ung thư. Khi ước tính được đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư và thực tế đã có 10 triệu người tử vong do ung thư.
Trong những năm gần đây, y tế bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO tiến hành trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Từ giai đoạn chẩn đoán đến các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ đều bị ảnh hưởng ít nhiều.
Với những con số đáng báo động trên, ung thư được xếp vào top 10 căn bệnh gây tử vong hàng đầu và cần được quan tâm, kiểm soát. Để làm được điều này, việc phát hiện sớm ung thư là điều quan trọng. Các bệnh ung thư thường gặp như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung… đều có thể được phát hiện từ sớm nhờ tầm soát kịp thời.
2. Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là kỹ thuật giúp xác định các tế bào ung thư đang tồn tại trong cơ thể nhằm phát hiện sớm bệnh. Tầm soát ung thư thông thường được thực hiện thông qua các phương pháp cận lâm sàng là chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường cũng như các tế bào ác tính trong cơ thể.
3. Tại sao nên khám tầm soát ung thư từ sớm?
Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm, số trường hợp tử vong ngày càng tăng khiến bệnh trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy nhiên ở thực tế, ung thư có thể phòng ngừa bằng nhiều cách. Chủ động kiểm soát chế độ sinh hoạt và thói quen sống lành mạnh như không hút thuốc lá, phòng béo phì, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tích cực vận động. Và đồng thời thực hiện tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời.
Ung thư có thể xuất hiện ở tất cả mọi độ tuổi cũng như giới tính, số lượng ca mắc mới và số ca tử vong đang tăng liên tục mỗi năm, nên cần chú trọng việc tầm soát ung thư. Kỹ thuật hỗ trợ trong tầm soát ung thư là xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ngày càng phát triển hiện đại hơn giúp tăng khả năng phát hiện sớm các loại ung thư thông qua việc tầm soát ung thư.
Tầm soát ung thư thông thường nên được thực hiện tối thiểu 1 năm 1 lần.
10 loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam năm 2022 gồm ung thư gan (chiếm 14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%), ung thư đại tràng (5,1%), ung thư trực tràng (3,5%), bệnh bạch cầu (3,4%), ung thư tuyến tiền liệt (3,4%), ung thư vòm họng (3,3%) và ung thư tuyến giáp (3%).
4. Các loại ung thư phổ biến
4.1. Ung thư gan
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư gan, trong đó, viêm gan virus dẫn đến xơ gan, ung thư gan là nguyên nhân hàng đầu. Những người uống nhiều rượu bia và các chất kích thích hay đồ uống có ga cũng có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn nhiều so với những đối tượng khác. Theo bác sĩ Thùy Vương, ung thư gan có khả năng chữa khỏi lên 80-90% nếu phát hiện sớm.
4.2. Ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến, gây tử vong hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật để điều trị. Ung thư phổi cũng giống ung thư gan khi có tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn nữ giới.
Bác sĩ Thùy Vương cho biết khoảng 90% các trường hợp ung thư phổi là do thuốc lá. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người hút thuốc lá thường xuyên có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với những ai không hút.
4.3. Ung thư vú
Vào năm 2021, lần đầu tiên ung thư vú trở thành loại ung thư phổ biến nhất thế giới, chiếm gần 12% số ca mới mỗi năm theo công bố của WHO.
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý hình thành do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa. Ung thư vú thường gặp ở những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú; ngoài ra, còn liên quan đến đột biến gen ung thư vú di truyền. Có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn, uống rượu, hút thuốc cũng có thể là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Để sớm ngăn ngừa ung thư vú, phụ nữ nên tầm soát và khám sức khỏe định kỳ. “Do giai đoạn tiền lâm sàng của ung thư vú kéo dài từ 8 đến 10 năm nên khám sàng lọc có giá trị cao trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả”, bác sĩ Thùy Vương cho biết.
4.4. Ung thư dạ dày
Bác sĩ Thùy Vương chia sẻ thêm, ung thư dạ dày tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây tử vong. Trong giai đoạn sớm, các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày khá mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn do có biểu hiện giống với các bệnh lý dạ dày thông thường như ợ hơi, chướng bụng, chán ăn… Căn bệnh này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, phổ biến nhất là ở những người từ trên 50 tuổi và ở nam nhiều hơn nữ.
Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ngày càng tăng phần lớn do lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, nhiều thịt đỏ, dưa cải muối…. Với sự phát triển hiện đại của khoa học và công nghệ hiện đại, ung thư dạ dày là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng cá thể.
4.5. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phát triển ác tính ở phần thấp của ống tiêu hóa là: đại tràng và trực tràng. Chính vì vậy, hai loại ung thư này có bản chất khá giống nhau. Số ca mắc mới của ung thư đại trực tràng theo thống kê của Globocan năm 2020 tại Việt Nam có hơn 15.000 ca, chiếm 8,6%. Loại ung thư này xảy ra phổ biến thứ ba ở nữ và thứ tư ở nam.
Ngoài yếu tố di truyền, tuổi tác thì nhóm yếu tố do lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều mỡ động vật, các thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
4.6. Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là căn bệnh ác tính của tủy xương làm cho cơ thể sản xuất ra một lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường và không có chức năng. Bệnh bạch cầu có nhiều loại, một số xuất hiện phổ biến ở trẻ em, một số khác chỉ xuất hiện ở người lớn. Bệnh bạch cầu không gây ra các khối u như nhiều bệnh ung thư khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, loại ung thư này khó phát hiện sớm hơn các loại khác, giai đoạn muộn của bệnh thường tiến triển nhanh, khó điều trị khỏi, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có tiếp xúc với chất phóng xạ; làm việc trong môi trường ô nhiễm có quá nhiều hóa chất (formaldehyde,benzene…) làm thay đổi cấu trúc gen. Để điều trị căn bệnh ác tính này, các bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp như hóa trị, điều trị sinh học, xạ trị, thay tủy…
4.7. Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt thường gặp nhiều ở nam giới, đặc biệt ở độ tuổi trên 50. Sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào tuyến tiền liệt sẽ hình thành tế bào ác tính, dẫn đến khối u. Bệnh thường phát triển chậm, có thể khoảng 5-10 năm và không có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hiện nay, ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên thể trạng và tình trạng của bệnh nhân cũng như giai đoạn của khối u.
4.8. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng thuộc loại loại bệnh lý ác tính thường gặp của vùng đầu cổ. Các trường hợp ung thư vòm họng phần lớn đều bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân: hút thuốc lá, nghiện rượu và nhiễm virus HPV.
Giai đoạn đầu mắc bệnh không có triệu chứng đặc hiệu. Muộn hơn, người bệnh thường xuất hiện một hay một số các triệu chứng như đau hoặc ù tai, đau họng, nuốt khó, khàn giọng, ho kéo dài… Tiên lượng của bệnh phụ thuộc phần nhiều vào nguồn gốc phát sinh khối u và thời gian được chẩn đoán. Ung thư vòm họng ở giai đoạn di căn sẽ khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao.
4.9. Ung thư tuyến giáp
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, sẽ có cơ hội rất cao chữa khỏi ung thư tuyến giáp. Vì vậy việc tầm soát phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư tuyến giáp.
Bệnh ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng, tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở, khó nuốt hoặc đau khi nuốt, khàn giọng, giảm cân, mệt mỏi…