✴️ Bệnh do sán dải cá Diphyllobothrium latum

Diphyllobothrium latum là loài sán dải lớn nhất, sống ký sinh chủ yếu trong ruột non của người. Ngoài ra, sán còn ký sinh ở chó, gấu và các loài động vật có vú ăn cá.

 

ĐẶC ĐIỂM

D.latumtrưởng thành là sán dài nhất ký sinh ở người, dài từ 3 – 10 m, có khi dài đến 20 m, có 3.000 – 4.000 đốt. Đầu nhỏ, hình thuẫn, kích thước 2-3 mm x 0,7 - 0,9 mm, có hai rãnh hút. Thân sán có màu trắng ngà hoặc xám khói. Đốt sán trưởng thành có hình thang. Đốt già không rời khỏi thân sán, có chiều dài ngắn hơn chiều ngang. Lỗ sinh dục ở giữa đốt gần bờ trên, lỗ đẻ thông với tử cung, nằm gần lỗ dinh dục và thụt phía sau. Tử cung màu nâu, cuộn như bông hoa nằm ngay trung tâm đốt sán. Trứng được đẻ từ lỗ đẻ rồi theo phân ra ngoài. Mỗi ngày sán có thể đẻ đến 1.000.000 trứng. Trứng D. latumkhông giống trứng sán dải mà giống trứng sán lá, có nắp, vỏ mỏng, kích thước 70 x 45 μm.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/vi%E1%BB%87n%20SR-%20KST%20tp%20HCM/image123.jpg

Hình 1: D. latumtrưởng thành (trái), đầu D. latum(giữa) và trứng (phải)

 

CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trong quá trình phát triển, D. latum đòi hỏi phải qua hai ký chủ trung gian sống dưới nước. Một là loài giáp xác (cyclops hay Diaptomus), trứng sán theo phân ra môi trường, gặp nước nở thành ấu trùng lông (coracidium) được giáp xác nuốt và chuyển thành ấu trùng procercoid trong thân giáp xác. Ký chủ trung gian thứ hai là loài cá (cá hồi, cá măng,..) ăn phải giáp xác có mang ấu trùng proceroid. Trong mô cá, procercoid chuyển thành ấu trùng plerocercoid (còn gọi là sparganum) có hình con sâu. Nếu cá bị loài cá lớn hơn ăn thịt thì ấu trùng plerocercoid sẽ sang cá lớn và vẫn ở trong trạng thái chờ dịp bị nuốt bởi ký chủ vĩnh viễn. Chu trình sẽ được khép kín khi người hoặc chó, mèo, chồn,… ăn phải thịt cá sống có chứa ấu trùng plerocercoid. Vào ruột non, ấu trùng plerocercoid sẽ bám vào thành ruột bằng hai rãnh hút, hấp thụ các chất dinh dưỡng qua thẩm thấu đặc biệt, sán hấp thụ vitamin B12 rất nhiều, phát triển thành sán trưởng thành trong thời gian 30 ngày. Một người có thể chứa nhiều sán, có khi lên đến 70 - 80 con. D.latum có thể ký sinh cùng các loài sán khác (sán dải heo, bò) trong cùng một người. Sán trưởng thành sống được khoảng 20 năm.

https://suckhoe.us/photos/174/k%C3%BD%20sinh%20tr%C3%B9ng/vi%E1%BB%87n%20SR-%20KST%20tp%20HCM/image124.jpg

Hình 2: Chu trình phát triển của D. latum

Sán D. latum gặp ở các nước châu Âu (Phần Lan, Estonia, các vùng dọc sông Volga (Nga), Siberia, BaLan, Ukraina), châu Phi, châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên) và gần đây du nhập vào châu Mỹ (Canada, Hoa Kỳ, Chi lê, Bắc Mỹ).

Đa phần bệnh nhân nhiễm D. latum thường không có triệu chứng khi nhiễm ít. Khi nhiễm nhiều bệnh sẽ có triệu chứng rõ ràng hơn như bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, liệt chi,…và có thể dẫn đến những biến chứng nặng như tắc ruột, ói mửa ra nhiều thước sán làm nghẹt thở, đôi khi gây trụy tim mạch. Bệnh do sán dải D. latum có đặc điểm là gây ra hội chứng thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12, kiểu Biermer, hồng cầu to và non, tăng sắc.

 

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng, người thiếu máu sống trong vùng lưu hành bệnh, xét nghiệm phân tìm trứng để chẩn đoán xác định.

 

ĐIỀU TRỊ

Bệnh nhân nhiễm D. latum được điều trị bằng praziquantel hoặc niclosamide. Tuy nhiên, praziquantel có một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn và đôi khi gây dị ứng da... Tác dụng phụ của niclosamide là rất hiếm, do nó không được hấp thu ở đường tiêu hóa. Khi sử dụng những loại thuốc này phải chắc chắn rằng đã diệt được đầu sán vì nếu đầu còn sót lại trong ruột nó sẽ phát triển trở lại. Nếu bệnh nhân bị thiếu máu, dùng thêm vitamin B12 (tùy theo mức độ nặng nhẹ dùng 100- 1000 gamma mỗi tuần) đến khi công thức máu được hồi phục.

 

PHÒNG BỆNH

Phòng ngừa bằng cách không ăn cá sống hoặc cá chưa được nấu chín. Nếu ăn sashimi hay sushi, đầu tiên cần đông lạnh cá tại -10oC (hoặc thấp hơn) trong hai ngày để diệt ấu trùng. Không phóng uế trong nước (sông, hồ,…).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top