✴️ Sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski)

Nội dung

Fasciolopsis buski là loại sán lá lớn, bình thường ký sinh trong tá tràng của heo nhưng có thể gặp ở người dưới dạng trưởng thành ký sinh trong ruột non.

 

VỀ HÌNH THỂ:

Sán trưởng thành hình chiếc lá, chiều dài 3cm - 7 cm , chiều ngang 1,5 - 1,7 cm. Ranh giới giữa đầu và thân không rõ, màu nâu hay xám. Đĩa hút miệng có đường kính 510μm, đĩa hút bụng có đường kính từ 1,5 - 2 mm. Thực quản có hai nhánh, không có hậu môn. Cơ quan sinh dục cái có buồng trứng phân nhánh và tử cung chiếm nửa trước thân. Lỗ sinh dục nằm ở phía trước đĩa hút bụng.

Trứng hình bầu dục, có nắp, vỏ mỏng, có chiều dài 125 - 140 μm, chiều ngang 70 - 90 μm, màu sẫm.

 

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ:

Ký chủ: đây là loại ký sinh trùng hay gặp ở lợn. Người cũng có thể nhiễm Fasciolopsis buski là do ăn sống các cây thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín như: củ ấu, bèo, ngó sen, rau muống… có chứa nang trùng sán.

Vật chủ trung gian truyền bệnh: là các loài ốc Planorbis, Segmentina, và Hippeutis

Phân bố địa lý: phân bố ở khắp Châu Á và tiểu lục địa Ấn Độ, đặc biệt là ở các khu vực nơi người nuôi lợn và ăn thực vật nước ngọt.

Tại Việt Nam, ở Huế người bị nhiễm do ăn rau muống trồng ở ao hồ và ăn xà lách xoong.

Ở miền Nam bệnh gặp ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; như Hậu Giang tỷ lệ nhiễm 2 - 3% vì người dân thường ăn củ ấu sống.

 

CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN:

Hình 5: Chu trình phát triển của F. buski (Nguồn: CDC)

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non người (tá tràng lợn) để trứng. trứng theo phân ra ngoài (1), trứng rơi xuống nước và phát triển thành trứng có phôi (2); trứng có phôi phát triển thành ấu trùng lông (3) bơi lội trong nước và tìm đến các loài ốc thích hợp (4); trong ốc ấu trùng lông phát triển qua các giai đoạn sporocysts (4a), rediae (4b) và thành ấu trùng đuôi (4c); ấu trùng đuôi rời khỏi ốc (5) và bám vào các thực vật thủy sinh tạo thành nang trùng (6); người và lợn ăn phải thực vật thủy sinh có nang trùng, ấu trùng thoát khỏi nang ở tá tràng (7) và phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở tá tràng lợn (7) và ruột non người(8). Thời gian từ khi nang trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi phát triển thành con trưởng thành mất khoảng thời gian 3 tháng. Tuổi thọ của sán trong ruột non của người khoảng 1 năm.

 

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG:

Giai đoạn ủ bệnh: bệnh nhân thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ.

Giai đoạn phát bệnh: bệnh nhân thấy mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy thất thường, phân lỏng có nhiều chất nhầy lẫn nhiều thức ăn không tiêu. Tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đau bụng thường đau ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em. Ngoài ra, sán có thể gây tắc ruột. Khi nhiễm nhiều sán bệnh nhân có thể nôn ra trứng sán hoặc ra sán, nếu không được điều trị bệnh nhân có thể chết trong tình trạng suy kiệt.

 

CHẨN ĐOÁN

Việc chẩn đoán thường được dựa vào những triệu chứng lâm sàng: đau bụng, tiêu chảy, phù nề, suy nhược cơ thể; các chẩn đoán cận lâm sàng: xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, và chẩn đoán khẳng định thực hiện bằng xét nghiệm tìm trứng sán trong phân hoặc thậm chí tìm sán, trứng sán trong nôn mửa.

 

ĐIỀU TRỊ:

Thuốc được lựa chọn để điều trị là: niclosamid, triclabendzol, thiabendazol, mebendazol nhưng lựa chọn tốt nhất hiện nay là praziquantel với liều điều trị 25mg/kg x 3 lần /ngày.

Lưu ý: không dùng Praziquantel cho phụ nữ đang thời kỳ mang thai, cho con bú và bệnh nhân nhi.

 

PHÒNG BỆNH:

Để phòng bệnh cho người chủ yếu bằng truyền thông giáo dục sức khỏe, diệt ốc trung gian truyền bệnh, quản lý nguồn phân của người và heo, không đại tiện xuống ao, không ăn thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín, phát hiện và điều trị người bệnh

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top