✴️ Bị nhiễm nấm Histoplasma - những vấn đề cần lưu ý

1. Như thế nào là nhiễm nấm Histoplasma?

Vi nấm Histoplasma

Vi nấm Histoplasma

Nhiễm nấm Histoplasma là một dạng bệnh nhiễm trùng do vi nấm cùng tên gây ra. Người bị nhiễm loại vi nấm này bị nhiễm trùng nhẹ ở phổi, nhưng nếu bị suy yếu hệ miễn dịch thì nó có thể gây ra nhiều biến chứng nặng. Đây là vi nấm có mặt chủ yếu ở đất, thung lũng sông, phân chim hoặc dơi. Khi đất bị xáo trộn, vi nấm sẽ được giải phóng vào không khí và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người.

 

2. Nguyên nhân gây ra bệnh và biểu hiện cần chú ý để sớm phát hiện bệnh

2.1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh nấm Histoplasma?

Như đã nói ở trên, bệnh nhiễm nấm Histoplasma do nấm Histoplasma capsulatum gây ra. Khi con người hít thở không khí có chứa vi nấm này nó có thể vào trong phổi nhưng không lây nhiễm từ người này sang người khác.

Nguy cơ mắc bệnh gia tăng phụ thuộc số bào tử nấm mà người đó hít phải. Ngoài ra, một số nghề nghiệp được xem là có nguy bị nhiễm nấm  Histoplasma cao gồm: người thường xuyên chăm sóc gia cầm, thú; làm nghề xây dựng; nông dân; nhà thám hiểm các hang động;... Bên cạnh đó, một số người được xem là có nguy cơ nhiễm nấm cao gồm: người già, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, hóa trị, bị HIV/AIDS, sử dụng corticosteroid, sử dụng chất ức chế TNF,...

 

2.2. Biểu hiện tố cáo sự xuất hiện của nấm Histoplasma là gì?

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm nấm Histoplasma thể nhẹ không xuất hiện biểu hiện lâm sàng nào. Nếu bị thể nặng có thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng sau khi vi nấm xâm nhập vào cơ thể khoảng 3 - 17 ngày. Các biểu hiện mà người bệnh có thể gặp phải gồm: lạnh run người, sốt, đau đầu, ho khan, đau cơ, ngực nặng và đau tức, mệt mỏi,... Nếu bị nấm Histoplasma mạn tính có thể sẽ ho ra máu và giảm cân nhanh chóng.

Người bị suy giảm miễn dịch hoặc trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng dễ bị trở nặng và được gọi là nhiễm Histoplasma lan tỏa. Lúc này bệnh sẽ tác động đến hầu hết các cơ quan trong của cơ thể, điển hình là gan, miệng, da, thượng thận, hệ thần kinh trung ương,... và có thể gây tử vong nếu không người bệnh không được điều trị ngay.

 

3. Biến chứng nguy hiểm và biện pháp xử trí đối với bệnh nhiễm nấm Histoplasma

3.1. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải

Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và trẻ sơ sinh nếu bị nhiễm nấm  Histoplasma có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm:

Nhiễm nấm Histoplasma có thể gây suy hô hấp nặng khi phổi bị tổn thương nghiêm trọng

Nhiễm nấm Histoplasma có thể gây suy hô hấp nặng khi phổi bị tổn thương nghiêm trọng

- Chức năng hô hấp bị nguy cấp

Khi vi nấm tấn công vào phế nang và phổi và khiến cho phế nang chứa đầy dịch, phổi bị tổn thương nghiêm trọng thì chức năng hô hấp của những bộ phận này không thể thực hiện được.

- Biến chứng tim mạch

Vi nấm có thể là tác nhân dẫn đến viêm màng ngoài tim khiến cho lớp màng mỏng này chứa dịch và khiến cho khả năng bơm máu của tim bị cản trở.

- Suy tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận đảm nhận vai trò sản xuất hormone quan trọng để điều hòa hoạt động sống cho cơ thể. Khi vi nấm Histoplasma tấn công vào sẽ làm cho tuyến này bị tổn thương.

- Gây viêm màng não

Một số người bị nhiễm loại nấm này có thể gặp biến chứng là bị viêm màng não nguy hiểm trực tiếp đến sự sống.

 

3.2. Hướng xử trí khi bị nhiễm nấm Histoplasma

Khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Histoplasma tốt nhất người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra. Thông qua thăm khám thực thể, hỏi tiền sử bệnh và thực hiện một số xét nghiệm như: xét nghiệm đờm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi,... bác sĩ sẽ có cơ sở để kết luận bệnh.

Ở những người có điều kiện sức khỏe bình thường, nếu nhiễm bệnh có thể sẽ không cần điều trị vì bệnh có khả năng tự khỏi. Nếu cần điều trị, hầu hết các trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng nấm dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Loại thuốc này có thể sẽ phải duy trì trong khoảng trên 1 năm hoặc dùng suốt đời nếu hệ miễn dịch suy yếu.

Xét nghiệm máu góp phần chẩn đoán nhiễm Histoplasma

Xét nghiệm máu góp phần chẩn đoán nhiễm Histoplasma

Khi được bác sĩ chỉ định điều trị nhiễm nấm Histoplasma bằng thuốc kháng nấm người bệnh nên dùng hết phác đồ. Việc tự ý dừng thuốc có thể thúc đẩy bệnh nhanh chóng tái phát. Khi đã điều trị hết toa thuốc, có thể bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra xem vi nấm đã biến mất hay chưa.

Trong quá trình điều trị nấm Histoplasma người bệnh cũng cần duy trì một chế độ ăn uống tốt và thường xuyên tập thể dục, không hút thuốc lá. Tránh xa môi trường ô nhiễm, chứa bụi ô nhiễm là cách tốt nhất để nhiễm trùng không diễn tiến nặng hơn. Người làm việc trong khu vực nhiều bụi bẩn hay môi trường làm việc bẩn cần mặc bảo hộ và đeo khẩu trang.

Nói tóm lại, người bị nhiễm nấm Histoplasma cần kiên trì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện thăm khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc để tiện theo dõi, phát hiện và chỉnh lý kịp thời trong quá trình điều trị. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top