✴️ Vi khuẩn HP có lây không và cách phòng tránh hiệu quả

Vi khuẩn HP là “thủ phạm” hàng đầu dẫn đến ung thư dạ dày nên không thể xem nhẹ. Vi khuẩn HP có lây không? là băn khoăn chung của rất nhiều người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc đó cũng như bật mí triệu chứng nhận biết, cách ngăn chặn HP hiệu quả nhất!

 

1. Vi khuẩn HP là gì?

Trước khi đến với câu trả lời cho “Vi khuẩn HP có lây không?” hãy cùng khám phá về khái niệm HP. Vi khuẩn HP (h. Pylori) với tên khoa học đầy đủ Helicobacter Pylori  là một loại vi khuẩn sinh sôi tồn tại bên trong dạ dày người. Môi trường dạ dày có rất nhiều acid. Sở dĩ HP có thể thích nghi được với điều kiện ấy vì chúng tiết ra enzyme Urease giúp trung hòa acid.

Vi khuẩn HP là bệnh lý tiêu hóa đáng báo động với tỷ lệ nhiễm cao. Việt Nam có đến 70% dân số mắc bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới viêm dạ dày mãn tính, viêm loét dạ dày tá tràng. Nguy hiểm hơn cả, bệnh có thể biến chứng ung thư dạ dày đe dọa tính mạng . Vì thế việc trang bị kiến thức đề phòng lây nhiễm vi khuẩn HP là rất quan trọng.

Vi khuẩn HP là gì? Vi khuẩn HP có lây không

Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày và là nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày

 

2. Vi khuẩn HP có lây không?

Vi khuẩn HP có lây từ người bệnh sang người lành hay không? Câu trả lời là: Có. Vi khuẩn HP rất dễ lây lan trong gia đình, cộng đồng. Đó cũng là lý do khi đi thăm khám HP bác sĩ luôn quan tâm về tiền sử gia đình bạn có ai nhiễm HP chưa, môi trường sống của bạn có dễ lây nhiễm và bùng phát dịch hay không.

 

3. Các con đường lây nhiễm HP

Vi khuẩn HP lây truyền qua 3 con đường chủ yếu bao gồm:

3.1. Đường miệng – miệng vi khuẩn HP có lây không?

Đây chính là con đường lây lan HP phổ biến nhất. Đường miệng – miệng được hiểu là vi khuẩn từ người bệnh lây sang cơ thể người lành qua dịch tiết tiêu hóa, nước bọt. Như vậy các hoạt động làm tăng nguy cơ lây nhiễm HP đường miệng – miệng gồm: nói chuyện, ăn uống chung mâm,… Đây đều là những sinh hoạt thường thấy trong phạm vi gia đình. Do đó nếu có người nhà mắc HP thì khả năng bạn bị lây sẽ rất cao. Người lớn cũng có thể vô tình lây HP cho trẻ nhỏ vì sở thích hôn môi, thơm má, mớm đồ ăn cho bé…

đường miệng miệng vi khuẩn HP có lây không?

Vi khuẩn HP có thể lây qua nước bọt, dịch tiết tiêu hóa nếu bạn ăn chung mâm, nói chuyện,.. với người bệnh

 

3.2. Đường miệng – chất bài tiết (phân) vi khuẩn HP có lây không?

Vi khuẩn HP khi được cơ thể đào thải ra bên ngoài sẽ vẫn tồn tại trong phân. Đây chính là nguồn lây nhiễm nguy hại cho cộng đồng. Bên cạnh đó rất nhiều bạn thích ăn các món nộm, tái, thực phẩm sống,… Thức ăn chưa được chế biến chính dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tăng nguy cơ tấn công dạ dày từ vi khuẩn HP.

3.3. Các con đường khác

Tỷ lệ lây nhiễm HP thông qua đường khác không cao nhưng bạn vẫn cần lưu ý đề phòng rủi ro. Vi khuẩn HP có thể được lây từ người bệnh sang người lành thông qua các thiết bị y tế dụng cụ y khoa chưa được khử khuẩn. Dây nội soi, dụng cụ nha khoa,.. chưa tiệt trùng đều là tác nhân lây lan HP. Vì thế hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, thực hiện tốt công tác vệ sinh khử khuẩn đúng theo quy định.

 

4. Đề phòng lây nhiễm vi khuẩn HP

Sau khi đã biết được “vi khuẩn HP có lây không” hãy cùng tìm hiểu cách ngăn chặn HP lây nhiễm. Bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP:

– Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,… với người khác

– Nếu gia đình có người nhiễm HP hãy hạn chế nói chuyện ở khoảng cách gần. Không dùng chung dụng cụ ăn như đũa, muỗng, thìa, không chấm chung bát nước chấm.

– Không nhai mớm thức ăn cho bé, không hôn môi bé

– Hạn chế ăn uống ở các quán xá ven đường

– Thực hiện ăn chín uống sôi để hạn chế nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và ngăn vi khuẩn HP sinh sôi trong dạ dày. Tránh ăn các món nộm, gỏi cuốn, chín tái,…

– Giữ gìn vệ sinh khu dân cư

– Lựa chọn bệnh viện phòng khám uy tín, đạt chuẩn về vệ sinh y tế để tránh lây nhiễm chéo.

 

5. Cách xác định mình đã nhiễm vi khuẩn HP hay chưa?

Triệu chứng của vi khuẩn HP thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Người bệnh có thể cảm thấy các cơn đau bụng thoáng qua, thỉnh thoảng buồn nôn, ợ hơi ợ chua. Rối loạn đại tiện khi vi khuẩn HP đang ở giai đoạn đầu chưa đáng kể.

Do đó để biết chính xác mình có bị nhiễm HP hay không, bạn cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm. Các phương pháp test HP phổ biến hiện nay bao gồm:

5.1. Phương pháp không xâm lấn

– Test hơi thở: Người bệnh có thể được tiến hành test hơi thở Ure dùng bóng hoặc dùng thẻ. Hàm lượng C13/ C14 có trong hơi thở sẽ là cơ sở để xác định tình trạng HP. Cách này có độ chính xác lên đến 98%.

– Xét nghiệm phân: Mẫu phân của người bệnh sẽ được thu thập để phân tích và tìm kháng nguyên vi khuẩn HP. Mức độ chính xác của phương pháp này tương đối cao. Tuy nhiên xét nghiệm phân có một nhược điểm là tốn nhiều thời gian.

– Xét nghiệm máu: Kháng nguyên của HP cũng tồn tại trong máu. Vì vậy thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá được người bệnh có nhiễm HP hay chưa. Tuy nhiên mức độ chính xác không cao bằng 3 cách trên. Có nhiều trường hợp dương tính giả nên cách này ít được sử dụng hơn.

5.2. Phương pháp kiểm tra HP xâm lấn

Nội soi dạ dày cũng là 1 phương pháp test HP. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy sinh thiết ở vùng hang vị để làm tiến hành xét nghiệm mô bệnh học. Độ chính xác của cách này cũng rất cao. Ngày nay với sự ra đời của nội soi không đau, người bệnh có thể yên tâm và thoải mái để thực hiện phương pháp này.

Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi “Vi khuẩn HP có lây không?”, “HP lây nhiễm như thế nào”. Đồng thời bài viết cũng mang đến các kiến thức hữu ích về cách phòng tránh và kiểm tra vi khuẩn HP.  Chúc bạn luôn sở hữu 1 hệ tiêu hóa khỏe mạnh vững vàng!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top