CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (P1)

Nội dung

1.  Hỏi: Glucose máu là gì?

Trả lời: Glucose máu chính là đường máu hay là đường huyết (đường trong máu) là năng lượng chính cho các tế bào sống và hoạt động. Mỗi một tế bào đều cần oxy và chất dinh dưỡng (glucose) để giữ cho hoạt động sống hằng ngày. Máu đảm nhận vai trò vận chuyển hai yếu tố quan trọng này đến tế bào để nuôi dưỡng cơ thể.

 

2.  Hỏi: Tiền Đái tháo đường (ĐTĐ) là gì?

Trả lời:

Tiền ĐTĐ là tình trạng bệnh lý khi nồng độ Glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ, bao gồm những người rối loạn Glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp Glucose, hoặc tăng HbA1c.

Tiền ĐTĐ là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và ĐTĐ type 2. Khoảng 5-10% người tiền ĐTĐ sẽ trở thành ĐTĐ hàng năm và tổng cộng 70% người tiền ĐTĐ sẽ thành ĐTĐ thực sự.

Tiền ĐTĐ liên quan với các yếu tố nguy cơ giống như bệnh ĐTĐ: thừa cân, béo phì, rối loạn Lipid máu, THA, ít hoạt động thể lực...

 

3.  Hỏi: ĐTĐ là gì?

Trả lời: ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng Glucose huyết do khiếm khuyết về bài tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng Glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, Protein, Lipit, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.v.v…

 

4.  Hỏi:Cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ type 2 là gì?

Trả lời:Cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ typ 2 là kết hợp đề kháng Insulin và giảm tiết Insulin:

- Đề kháng Insulin là do:

• Béo phì (nhất là béo bụng/ tăng mỡ tạng)

• Ít vận động

• Ít nhiễm ceton trừ khi có stress nặng

- Giảm tiết Insulin là do:

• Tế bào beta của tuyến tụy không tiết đủ insulin để bù trừ cho tình trạng đề kháng insulin.

• Tế bào beta suy giảm chức năng dần dần theo thời gian.

 

5.  Hỏi: Đề kháng insulin là gì?

Trả lời:Kháng insulin là tình trạng bệnh lý, trong đó tế bào không đáp ứng tốt với insulin.Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng rằng nếu tế bào giống như một nhà máy, thì glucose chính là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng để nhà máy đó hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này muốn vận chuyển vào được bên trong thì cần có chìa khóa “insulin” để mở cửa của nhà máy. Glucose từ máu đi vào bên trong tế bào sẽ giúp hạ đường huyết. Kháng insulin là khi những “ổ khóa” hoặc “chìa khóa insulin” đã bị rỉ sét khiến cho rất khó khăn khi mở cánh cửa nhà máy để glucose có thể đi vào bên trong.

Tế bào thiếu năng lượng để hoạt động trong khi glucose trong máu lại dự thừa, lúc này tuyến tụy sẽ cố gắng để khắc phục bằng cách tăng sản xuất những chiếc “chìa khóa insulin” mới nhằm mở cách cửa tế bào nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo thời gian, tình trạng kháng insulin nặng dần lên trong khi khả năng bù đắp bằng việc tăng sản xuất insulin lại chỉ có giới hạn. Hệ quả là đường huyết bắt đầu tăng, kéo theo các rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa chất béo, rối loạn chuyển hóa chất đạm; đây là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nói một cách khác, hội chứng đề kháng insulin là tình trạng báo hiệu cho bệnh lý ĐTĐ type 2 sẽ đến trong một tương lai rất gần. Do đó, cần biết các dấu hiệu đề kháng insulin dưới đây để lập kế hoạch phòng bệnh cho bản thân.

 

6.  Hỏi:Kháng insulin nguy hiểm như thế nào?

Trả lời: Kháng insulin được đánh giá là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bởi nó làm tăng cao nguy cơ phát triển nhiều bệnh nguy hiểm bao gồm:

- Bệnh ĐTĐ type 2 (nguy cơ cao nhất)

- Bệnh tim mạch: Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

- Gan nhiễm mỡ

- Hội chứng buồng chứng đa nang

- Một số bệnh ung thư

Riêng đối với những người đã mắc các bệnh lý kể trên thì tình trạng kháng insulin là nguyên nhân khiến cho bệnh ngày một nặng lên. Chẳng hạn như đối với người bệnh ĐTĐ tuýp 2, kháng insulin là nguyên nhân chính làm cho đường huyết tăng cao và khó kiểm soát hơn theo thời gian.

 

7.  Hỏi:Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang gặp phải tình trạng kháng insulin

Trả lời: Ở nhiều người bệnh, dấu hiệu của kháng insulin là không rõ ràng, tuy nhiên một số người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

- Hay cảm thấy đói

- Mệt mỏi thường xuyên

- Khó tập trung

- Tăng huyết áp

- Tăng cholesterol máu

- Tăng tích mỡ ở bụng

- Xuất hiện các vùng da tối màu ở các vị trí cơ thể có nhiều nếp gấp da như cổ, bẹn, nách…

Tình trạng kháng insulin càng nặng thì các triệu chứng càng rõ ràng

 

8.  Có mấy loại ĐTĐ?

Trả lời:Có 3 loại ĐTĐ

ĐTĐ type 1:Do tế bào bêta của tuyến tụy bị phá hủy do nguyên nhân tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân, gây nên thiếu insulin tuyệt đối. ĐTĐ type 1 chiếm khoảng 5-10% tổng số ca ĐTĐ.

ĐTĐ type 2:Do tế bào của cơ thể kháng với insulin, dẫn đến thiếu insulin tương đối (tức là insulin vẫn tiết ra với số lượng bình thường nhưng thiếu so với đòi hỏi của cơ thể).

ĐTĐ thai kỳ: Là tình trạng rối loạn đường huyết, đa phần ĐTĐ thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai ở tuần 24-28.

Đối với mẹ, ĐTĐ thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, hoặc ĐTĐtype 2 sau sinh.

Đối với thai nhi, ĐTĐ thai nghén có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non, suy hô hấp, hạ glucose máu, khi lớn trẻ có thể bị béo phì hoặc ĐTĐtype2.

 

9.  Hỏi: Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ là gì?

Trả lời: Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ là

-  Glucose huyết tương tĩnh mạch (GHTTM) lúc đói (buổi sáng, sau nhịn đói qua đêm 8-12 tiếng) ≥ 7,0mmol/L hoặc

-  GHTTM 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống (NPDNG: ≥ 11,1mmol/l hoặc

-  HbA1c ≥ 6,5% hoặc

-  GHTTM bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L

-  Triệu chứng lâm sàng của tăng Glucose máu (nếu có).

 

10.  Nguyên nhân của bệnh ĐTĐ type 2 là gì?

Trả lời:Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính thức của bệnh ĐTĐ typ 2. Song người ta thấyđặc điểm lớn nhất trong bệnh ĐTĐ type 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.

Yếu tố môi trường ở đây là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.

return to top