Đồ uống có đường và các bệnh có liên quan đến chuyển hóa

Đồ uống có đường là các loại nước giải khát có cho thêm đường tự do. Đồ uống có đường bao gồm nhiều loại như nước ngọt có ga, trà có đường, nước tăng lực, nước uống thể thao, nước đóng chai có hương vị, nước hương vị sữa, sữa uống, sữa chua uống, nước trái cây với dưới 100% trái cây.

Sự gia tăng về chủng loại, sự tiện lợi, cũng như giá thành vừa phải của các loại đồ uống có đường hiện nay được cho là một trong những nguyên nhân của “dịch” thừa cân, béo phì – một rối loạn của con người ở thời đại mới. Trong khi đó, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của hàng loạt các bệnh có liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường tuýp 2, gout, rối loạn mỡ máu, rối loạn huyết áp và các bệnh tim mạch, sức khỏe xương và gây gia tăng tỷ lệ tử vong. Hiện nay, trên 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam là từ các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [1]. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi của các bệnh không lây nhiễm bao gồm ăn uống không hợp lý, đặc biệt với chế độ ăn nhiều muối, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá/thuốc lào và uống rượu, bia [2]. Trong số các thực hành ăn uống không hợp lý, tiêu thụ các đồ uống có đường là một yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm thông qua một loạt các rối loạn về chuyển hóa.

 

Đồ uống có đường và đái tháo đường tuýp 2

Người uống 1-2 lon nước ngọt mỗi ngày có thể tăng 26% nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 so với người hiếm khi uống các loại nước này [3]. Các nguy cơ này thậm chí còn cao hơn ở người trưởng thành hay người Châu Á. Việc tăng tiêu thụ nước ngọt có đường, bao gồm cả nước ngọt có đường và nước 100% trái cây, ở mức khoảng 100ml/ngày trong vòng 4 năm làm tăng 16-18% nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 [4]. Nếu thay thế nước ngọt có đường bằng nước lọc, cà phê (đen) hoặc trà có thể giảm 2-10% nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 [5].

Nước ngọt có đường làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 thông qua một số cơ chế mà trong đó, một nửa nguy cơ được cho là từ việc tăng BMI (chỉ số khối cơ thể, tính bằng trọng lượng cơ thể theo kg chia cho chiều cao theo m bình phương) [6]. Ngoài ra, các loại đường tự do trong nước ngọt (fructose, sucrose…) có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng đường huyết sau ăn, dẫn tới tăng viêm nhiễm, kháng insulin, giảm chức năng tế bào beta tại tụy, dẫn tới đái tháo đường tuýp 2 [3, 7]. Một yếu tố quan trọng khác là chỉ số đường huyết (glycaemic index - GI), chỉ số này biểu hiện tỷ lệ hấp thu đường bột từ thức ăn vào cơ thể [8]. Các chế độ ăn hoặc thực phẩm có GI thấp làm giảm đáp ứng với glucose và insulin, trong khi đó các chế độ ăn hoặc thực phẩm có GI cao ví dụ như đồ uống có đường, làm tăng kích thước tế bào mỡ [9]. Các bữa ăn hay thực phẩm có GI cao còn có tác dụng kích thích việc ăn uống nhiều hơn mức bình thường [10], làm gia tăng hơn nguy cơ thừa cân, béo phì và đái tháo đường tuýp 2.

 

Đồ uống có đường với các rối loạn và biến chứng tim mạch

Một nghiên cứu theo dõi 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ cho thấy những người uống trung bình 1 cốc nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong do đau tim cao hơn những người hiếm khi hoặc không uống nước ngọt khoảng 20% [11]. Nguy cơ này còn ở mức 40% đối với nữ giới [12]. Đồ uống có đường cũng làm tăng 12% nguy cơ bị đột quỵ và 22% nguy cơ nhồi máu cơ tim [13]. Những người hay uống đồ uống có đường thường có xu hướng tăng cân nhiều hơn những người không uống hoặc ít uống. Thậm chí, dù có chế độ ăn lành mạnh hay cân nặng hợp lý thì cũng chỉ giảm được không đáng kể các nguy cơ có liên quan tới tiêu thụ nước ngọt. Điều này có thể một phần giải thích cho cơ chế của việc tiêu thụ nước ngọt với các nguy cơ bệnh tim mạch là gián tiếp thông qua tình trạng thừa cân, béo phì hoặc nạp vào quá nhiều năng lượng. Ngoài ra, tác động của tải lượng đường huyết cao sau khi uống các đồ uống có đường lên đường huyết, cholesterol và các yếu tố gây viêm cũng góp phần gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, thuyên tắc mạch...và các biến chứng về tim mạch.

 

Đồ uống có đường với bệnh gout

Lượng đường từ nước giải khát được cho là có tác động lên gen SLC2A9, là kiểu gen có ảnh hưởng đến sự bài tiết acid uric qua thận [14]. Đường, đặc biệt là đường trắng, sucrose hay các loại siro nhiều đường fructose có thể là nguyên nhân gây tăng acid uric hay tăng insulin máu [15]. Tăng insulin máu được cho là yếu tố nguy cơ tiềm tàng của béo phì và hội chứng chuyển hóa [16]. Nghiên cứu cho thấy những người uống nước ngọt ở mức ≥2 lon/ngày có nguy cơ bị gout cao gấp 2,39 lần so với người uống nước ngọt <1 lần/tháng [17]. Ở những người có BMI≥30 nguy cơ này là 6,4 lần so với người có BMI <30. Như vậy, nước ngọt không những tác động đến sự phát triển của bệnh gout thông qua cơ chế gen mà còn tác động gián tiếp thông qua thừa cân, béo phì và các hậu quả của thừa cân, béo phì, trong đó có gout.

 

Đồ uống có đường và ung thư

Đồ uống có đường hoặc có chất làm ngọt nhân tạo được xác định làm tăng lần lượt 19% và 27% các ung thư có liên quan tới béo phì như ung thư gan, dạ dày, thận, thực quản, buồng trứng… [18]. Có nhiều cơ chế được giải thích cho mối liên quan giữa uống đồ uống có đường với các loại ung thư. Có thể việc tiêu thụ đồ uống có đường gây ung thư thông qua cơ chế tăng cân, dẫn tới thừa cân, béo phì và hàng loạt các bệnh chuyển hóa kể trên, từ đó phát triển ung thư. Đường tự do trong đồ uống cũng được xác định làm thúc đẩy các yếu tố viêm và quá trình gây viêm như làm tăng nồng độ protein phản ứng C (CRP) trong máu, một chỉ dấu sinh học của chứng viêm và làm tăng nguy cơ ung thư [19]. Một nghiên cứu gần đây từ nhóm nghiên cứu NutriNet-Santé cũng báo cáo mối liên quan giữa đồ uống có đường với nguy cơ ung thư, và việc giảm lượng đường ăn vào có tác dụng rõ rệt trong việc giảm những nguy cơ này [20].

Như vậy, đồ uống có đường, nếu được tiêu thụ không hợp lý có thể là nguyên nhân của một loạt các rối loạn có liên quan đến chuyển hóa. Các rối loạn này có thể bao gồm đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và các biến chứng tim mạch, gout, ung thư. Hơn nữa, các rối loạn này thường mạn tính, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, ảnh hưởng tới chất lượng sống của cá nhân và sự thịnh vượng của gia đình cũng như sự phát triển của xã hội. Vì thế, không nên nhìn nhận đồ uống có đường đơn giản là một thức uống giải khát tiện dụng mà người dân nên được hướng dẫn, giáo dục để tiêu thụ đồ uống có đường một cách hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Bộ Y tế. (2021). Hội thảo xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025. Truy cập từ: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/hoi-thao-xay-dung-ke-hoach-quoc-gia-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-va-cac-roi-loan-suc-khoe-tam-than-giai-oan-2021-2025.

2.         WHO. (2012). Noncommunicable diseases. Fact sheet 2011. Truy cập ngày 03/9/2012 từ: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs355/en/index.html.

3.         Malik, V.S., Popkin B.M., Bray G.A., et al. (2010). Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis. Diabetes care. 33(11):2477-2483.

4.         Drouin-Chartier, J.-P., Zheng, Y., Li, Y., et al. (2019). Changes in consumption of sugary beverages and artificially sweetened beverages and subsequent risk of type 2 diabetes: results from three large prospective US cohorts of women and men. Diabetes Care. 42(12):2181-2189.

5.         Diabetologia. (2015). Replacing one serving of sugary drink per day by water or unsweetened tea or coffee cuts risk of type 2 diabetes, study shows. ScienceDaily. Retrived from https://www.sciencedaily.com/releases/2015/04/150430191138.htm

6.         Malik, V.S., Barry, M.P., George, A.B., et al. (2010). Sugar-Sweetened Beverages, Obesity, Type 2 Diabetes Mellitus, and Cardiovascular Disease Risk. Circulation. 121(11) 1356-1364.

7.         Greenwood, D., Threapleton, D.E., Evans, C.E.L., et al. (2014). Association between sugar-sweetened and artificially sweetened soft drinks and type 2 diabetes: systematic review and dose–response meta-analysis of prospective studies. British Journal of Nutrition. 112(5):725-734.

8.         James, J. and D. Kerr. (2005). Prevention of childhood obesity by reducing soft drinks. International Journal of Obesity. 29(2):S54-S57.

9.         Morris, K.L. and M.B. Zemel. (1999). Glycemic index, cardiovascular disease, and obesity. Nutrition reviews. 57(9):273-276.

10.       Ludwig, D.S., et al. (1999). High glycemic index foods, overeating, and obesity. Pediatrics. 103(3):e26-e26.

11.       De Koning L, M.V., Kellogg MD, Rimm EB, Willett WC, Hu FB. (2012). Sweetened beverage consumption, incident coronary heart disease, and biomarkers of risk in men. Circulation. 125(14):1735-41.

12.       Fung TT, M.V., Rexrode KM, Manson JE, Willett WC, Hu FB. (2009). Sweetened beverage consumption and risk of coronary heart disease in women. The AJCN. 89(4):1037-42.

13.       Narain, A., C.S. Kwok, and M.A. Mamas. (2016). Soft drinks and sweetened beverages and the risk of cardiovascular disease and mortality: a systematic review and meta-analysis. Int J Clin Pract. 70(10):791-805.

14.       Batt, C., Phipps-Green, A.J., lack, M.A., et al. (2014). Sugar-sweetened beverage consumption: a risk factor for prevalent gout with SLC2A9 genotype-specific effects on serum urate and risk of gout. Annals of the Rheumatic Diseases. 73(12):2101-2106.

15.       Johnson, R.J., Perez-Pozo, S.E., Sautin, Y. Y. et al. (2009). Hypothesis: could excessive fructose intake and uric acid cause type 2 diabetes? Endocrine reviews. 30(1):96-116.

16.       Johnson, R.J., Segal, M.S., Sautin, Y., et al. (2007). Potential role of sugar (fructose) in the epidemic of hypertension, obesity and the metabolic syndrome, diabetes, kidney disease, and cardiovascular disease. AJCN. 86(4):899-906.

17.       Choi, H.K., W. Willett, and G. Curhan. (2010). Fructose-rich beverages and risk of gout in women. JAMA. 304(20):2270-2278.

18.       Hodge, A.M., et al., Consumption of sugar-sweetened and artificially sweetened soft drinks and risk of obesity-related cancers. Public Health Nutrition, 2018. 21(9): p. 1618-1626.

19.       Tamez, M., Bassett, J.K., Milne, R.L, et al. (2018). Soda intake is directly associated with serum C-reactive protein concentration in Mexican Women. J Nutr. 148(1):117-124.

20.       Chazelas, E., Srour, B., Desmetz, E., et al. (2019). Sugary drink consumption and risk of cancer: results from NutriNet-Santé prospective cohort. BMJ. 366.

return to top