Tăng xông là gì? Phòng tránh tăng xông hiệu quả

Nội dung

Tăng xông là gì?

Tăng xông, hay còn gọi là tăng huyết áp (hypertension), là tình trạng áp lực máu tác động lên thành mạch cao hơn mức bình thường, khiến chỉ số huyết áp đo được nằm cao hơn trên mức 140/90 mmHg.

Thông thường, nếu chỉ số huyết áp nằm cao hơn mức 120/80 mmHg, điều đó có nghĩa là hệ tuần hoàn của bạn đang có một sức cản lớn và tim phải làm việc “vất vả” hơn để đẩy máu đi khắp cơ thể.

Lúc này, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn điều chỉnh lối sống (giảm cân, tập thể dục và cắt giảm lượng muối tiêu thụ) để cải thiện tình trạng huyết áp cao hiện có.

Tuy nhiên, nếu huyết áp của bạn thường xuyên nằm trên mức 140/90 mmHg, điều đó có nghĩa là bạn đã mắc bệnh huyết áp cao mãn tính.

Nếu không được can thiệp kịp thời, cơn lên tăng xông có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy tim hoặc khởi phát biến chứng suy thận.

Lúc này, việc chỉ điều chỉnh lối sống là không đủ để kiểm soát các cơn tăng xông cấp tính, mà bạn còn cần phải kết hợp dùng thuốc do bác sĩ chỉ định để hạ huyết áp một cách nhanh chóng.

Để bạn dễ dàng đánh giá tình trạng sức khỏe của bản thân, Hội Tim mạch học Việt Nam đã đưa ra tiêu chí phân loại 5 mức độ tăng xông và tiền tăng xông như sau:

Nguyên nhân bị lên tăng xông

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tăng xông. Một số nguyên nhân có thể được kiểm soát thông qua việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống, trong khi một số khác có thể cần sự can thiệp y tế chuyên sâu từ bác sĩ. Cụ thể như sau:

  • Yếu tố di truyền: Bạn có nguy cơ cao bị tăng xông nếu có người thân trong gia đình cũng mắc phải căn bệnh này;
  • Tuổi tác: Nguy cơ tăng huyết áp tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt ở những người trên 60 tuổi;
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn giàu natri (muối), chất béo bão hòa và cholesterol có thể góp phần làm tăng huyết áp bằng cách gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tim mạch;
  • Thừa cân hoặc béo phì: Cân nặng càng cao, cơ thể càng cần nhiều máu hơn để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi tế bào, dẫn đến sự tăng áp lực lên thành mạch máu;
  • Thiếu hoạt động thể chất: Lối sống ít vận động có thể làm tăng nguy cơ tăng xông do xơ vữa thành mạch, giảm sức bền thành mạch hoặc sức mạnh cơ tim;
  • Sử dụng rượu và thuốc lá: Sử dụng nhiều rượu bia và hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị tăng xông vì chúng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch và thận, hai cơ quan trực tiếp điều hòa huyết áp;
  • Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng có thể gây tăng xông bằng cách thúc đẩy nhịp tim tăng nhanh;
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây ra tăng huyết áp.

 

Những đối tượng dễ bị tăng xông

Những đối tượng dễ bị lên tăng xông (hay còn gọi là tăng huyết áp) thường bao gồm:

  • Người lớn tuổi: Rủi ro mắc bệnh tăng huyết áp tăng lên theo tuổi, đặc biệt sau tuổi 60. Theo ước tính, có khoảng 60% dân số mắc bệnh tăng xông ở tuổi 60 và khoảng 65 – 75% dân số mắc bệnh tăng xông ở tuổi 70;
  • Người có tiền sử gia đình bị tăng xông: Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tăng huyết áp, nguy cơ bạn mắc bệnh này cũng cao hơn.
  • Người thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể cao hơn có thể làm tăng áp lực lên hệ thống mạch máu, dẫn đến nguy cơ tăng xông. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, có đến 65 – 75% trường hợp tăng huyết áp nguyên phát hiện nay đều là người thừa cân – béo phì.
  • Người ít vận động hoặc không tập thể dục: Ít vận động khiến cơ tim không có cơ hội được rèn luyện để gia tăng sức bền và sức mạnh. Một hệ cơ tim có trương lực yếu cần phải hoạt động “vất vả” hơn để đẩy máu đi khắp cơ thể, dẫn đến nguy cơ tăng xông;
  • Người sử dụng rượu và thuốc lá: Hút thuốc lá và sử dụng rượu quá mức có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp;
  • Người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn giàu muối natri, chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm tăng huyết áp vì chúng trực tiếp ảnh hưởng đến thể tích máu, lưu lượng máu, nhịp tim và độ đàn hồi của cơ trơn thành mạch máu;
  • Người chịu căng thẳng kéo dài: Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng kéo dài, dù là tâm lý hay thể chất, đều có thể thúc đẩy cơ thể giải phóng hóc-môn catecholamine, dẫn đến làm gia tăng nhịp tim và lưu lượng máu qua tim; từ đó gây tăng xông;
  • Người mắc các bệnh lý khác: Tăng xông có thể là một biến chứng / triệu chứng điển hình ở những người mắc bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, Hội chứng Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn,… và một số bệnh lý khác.

 

Chế độ ăn cho người tăng xông máu

Chế độ ăn cho người tăng xông máu cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Giảm muối: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người bệnh có tiền sử tăng xông cần giới hạn hàm lượng muối ăn dưới 3.75g muối ăn / ngày, hoặc tối đa là không quá 5.75g muối / ngày để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng;
  • Giảm chất béo bão hòa và chất béo trans: Tiêu thụ quá mức hai loại chất béo này có thể khiến máu trở nên đặc hơn, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và khiến tim phải hoạt động “vất vả” hơn để bơm máu, từ đó gây tăng huyết áp;
  • Kiểm soát cân nặng: Ăn với lượng vừa phải để giảm nguy cơ thừa cân – béo phì, tác nhân có thể khiến tình trạng tăng xông tiến triển nặng;
  • Giảm caffeine và rượu: Hạn chế rượu bia và các thức uống chứa caffeine giúp điều hòa nhịp tim, duy trì lưu lượng máu bình thường và ổn định huyết áp;
  • Ăn nhiều rau củ và trái cây: Rau củ quả giàu vitamin và chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe cho hệ thống tim mạch, thận – hai cơ quan trực tiếp điều hòa huyết áp;
  • Uống đủ nước: Uống hợp lý 1.5 – 2.0 lít nước cần thiết mỗi ngày giúp duy trì thể tích tuần hoàn máu và ổn định huyết áp hiệu quả.

 

Một số biện pháp phòng ngừa tăng xông

Để phòng ngừa tăng xông, bạn cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống với việc thay đổi lối sống, cụ thể như sau:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân và béo phì chính là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết. Ngược lại, duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp làm giảm nguy tăng xông máu một cách đáng kể;
  • Chế độ ăn uống cân đối: Duy trì một chế độ ăn cân đối (giàu vitamin và chất xơ, ít muối và chất béo bão hòa) chính là “chìa khóa vàng” hỗ trợ kiểm soát bệnh tăng xông hiệu quả;
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp điều hòa huyết áp bằng cách giảm độ cứng của thành mạch để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn. Do đó, người có tiền sử tăng xông máu cần tập luyện thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày (khi cơn tăng xông chưa bộc phát) để hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả;
  • Kiểm soát căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm stress như thiền, yoga hoặc hít thở sâu giúp bạn điều hòa nhịp tim, từ đó hạn chế nguy cơ tăng xông do căng thẳng;
  • Từ bỏ việc tiêu thụ chất kích thích: Người có tiền sử tăng xông nên tránh tiêu thụ rượu bia và thuốc lá bởi cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ tăng xông;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra huyết áp định kỳ giúp phát hiện và quản lý sớm các dấu hiệu tăng xông để có biện pháp can thiệp kịp thời.

 

return to top