Vì sao huyết áp giữa hai tay có thể khác nhau ?

Sinh lý bình thường huyết áp hai tay vốn dĩ không hoàn toàn bằng nhau, thường thì huyết áp (HA) tay phải sẽ cao hơn HA tay trái chứ không như dân gian ta nghĩ tay trái gần tim hơn nên HA cao hơn!

Tại sao vậy?

Vì giải phẫu động mạch dưới đòn phải xuất phát từ thân đm cánh tay đầu còn động mạch dưới đón trái xuất phát từ cung đmc. Chính vì vậy chiều dài đm dưới đòn phải ngắn hơn đm dưới đòn trái dẫn đến áp lực máu lên đm dưới đòn phải thường cao hơn đm dưới đòn trái.

Và huyết áp tay phải cho phép chênh lệch với tay trái là 5-10mmHg

Tuần vừa rồi, một bệnh nhân nam 50 tuổi tìm đến tôi khám với than phiền thỉnh thoảng thấy chếnh choáng khi thay đổi tư thế. Anh ta đã đi khám hai nơi, một nơi chẩn đoán huyết áp thấp 90/60mmHg, nơi khác chẩn đoán tiền tăng huyết áp 130/90mmHg và hai cái đơn trái ngược nhau, một đơn nâng huyết áp, một đơn hạ huyết áp nên anh ta không dám uống. Hoang mang và thiếu tin tưởng, anh ta đi kiểm tra lại. Liệu các đồng nghiệp của tôi có đo huyết áp sai không? Phải đo lại đã chứ. Đo lại huyết áp tay phải 90/60mmHg, vậy là đúng rồi huyết áp thấp làm thiếu máu não gây nên triệu chứng chếnh choáng khi thay đổi tư thế, có thể kê đơn cho về điều trị được rồi. Nhưng hãy khoan, có cái gì đó không ổn, hỏi lại anh ta nói nhiều tháng trước kiểm tra huyết áp đều bình thường tại sao bây giờ lại huyết áp thấp, nghe tim bình thường, tiếng tim đều và khỏe. Người này lại to cao thân hình rắn chắc do thường xuyên thể thao, cớ gì lại huyết áp thấp. Cẩn thận, đo lại huyết áp tay trái xem, kết quả 130/90mmHg, kiểm tra lần nữa huyết áp cả hai tay vẫn như vậy một bên thấp một bên cao. Kỳ lạ chưa, như vậy các đồng nghiệp của tôi đều đúng, chỉ có điều thầy bói xem voi thôi, chỉ đo huyết áp một bên tay rồi kết luận.

Bây giờ theo bạn, cớ gì mà huyết áp hai tay lại chênh lệch như vậy? cần làm gì tiếp theo. Thử xem tôi làm gì nhé! Trước hết đo huyết áp khoeo chân hai bên đã, cả hai bên đều là 140/90mmHg. OK vậy huyết áp bên tay phải thấp là bất thường, cần phải kiểm tra hệ thống động mạch. Đặt ống nghe trên hố thượng đòn và dọc động mạch cảnh gốc hai bên. Đây rồi, hố thượng đòn bên phải có tiếng thổi tâm thu 3/6. Nghe dọc động mạch chủ bụng, động mạch thận và động mạch chậu gốc hai bên bình thường. Vậy vấn đề là động mạch cánh tay đầu bên phải bị hẹp làm lượng máu lên động mạch cảnh để tới não và lượng máu ra động mạch cánh tay phải bị giảm gây ra triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não hệ động mạch cảnh trong và huyết áp thấp ở cánh tay phải, tiếng thổi tâm thu xuất hiện ở vị trí hẹp. Với tuổi 50 và triệu chứng mới xuất hiện một hai tháng gần đây thì thường là do mảng vữa xơ động mạch. Siêu âm Doppler động mạch đã xác định điều đó, một mảng vữa xơ ở động mạch cánh tay đầu phải gần chỗ phân chia thành động mạch dưới đòn và động mạch cảnh gốc phải gây hẹp 70% đường kính động mạch. Được rồi, gửi bệnh nhân đi can thiệp mạch và đặt một stent vào đó là ốn. Thế đấy đừng đơn giản khi đo huyết áp, chú ý một tí sẽ dẫn bạn tới thành công.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ luôn một trường hợp khác. Cách đây 21 năm (1992) trong một lần trực khoa, tôi được một bác sĩ bàn giao theo dõi một bệnh nhân nữ 25 tuổi bị tăng huyết áp. Huyết áp thường xuyên 180/100mmHg, dùng phối hợp ba thuốc hạ áp mà huyết áp chỉ xuống được chút ít xung quanh 140-160mmHg trong 1-2 giờ lại tăng lên. Đây là tăng huyết áp kháng trị chăng, ở một phụ nữ trẻ như vậy thì nguyên nhân gì, liệu có phải u tủy thượng thận không. Nhưng u tủy thượng thận thì huyết áp thường tăng từng cơn chứ không tăng liên tục như vậy, trong cơn nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, sau cơn bệnh nhân mệt và đái nhiều, nhưng bệnh nhân này không như vậy. Đặt ống nghe, nghe dọc động mạch, cái gì vậy hố thượng đòn trái và dưới đòn trái có tiếng thổi tâm thu khá rõ. Gọi sinh viên đo huyết áp hai khoeo chân đều 100/60mmHg. Thế đấy huyết áp chi trên cao, chi dưới thấp, tiếng thổi tâm thu hố thượng đòn và dưới đòn trái, theo các bạn nguyên nhân của tăng huyết áp kháng trị ở bệnh nhân này là gì? Hẳn là các bạn nói ngay hẹp eo động mạch chủ, bây giờ thì dễ quá rồi còn gì. Hôm sau siêu âm Doppler động mạch đã khẳng định điều đó. Bệnh nhân được chuyển sang khoa ngoại để phẫu thuật, vấn đề đã được giải quyết chỉ bằng những động tác đơn giản trong lâm sàng là đo huyết áp và nghe động mạch. Vào thời gian đó 1992, tôi cũng đâu có nhiều kinh nghiệm trong lâm sàng, chỉ là một bác sĩ chuyên khoa cấp I mới về công tác ở khoa Tim-Thận-Khớp-Nội tiết được vài năm, cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng lúc đó tôi mới đọc được trong một cuốn sách, người thầy là tác giả của cuốn sách khuyên rằng “khi đo huyết áp, cần phải đo ở cả hai tay và hai chân, nếu thấy bất thường đừng quên nghe dọc các động mạch lớn” thế là tôi áp dụng ngay. Mãi đến sau này học hết thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II nội chung rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành thận-tiết niệu rồi thành phó giáo sư thận-tiết niệu tôi vẫn không quên được trường hợp đó, và bây giờ sau 21 năm tôi lại áp dụng thành công. Sách đúng là người thầy tuyệt vời và đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

return to top