✴️ Đừng chủ quan với căn bệnh viêm khớp háng ở trẻ

Nội dung

1. Tổng quan về bệnh viêm khớp háng ở trẻ

Viêm khớp xương háng ở trẻ em là tình trạng một hoặc cả hai bên của khớp háng xuất hiện ổ viêm lớn. Điều này khiến hệ xương bị suy yếu, vùng háng trở nên sưng tấy, nóng đỏ kèm theo sự đau nhức gây cho trẻ khó đi đứng và vận động.

Với trẻ nhỏ, bệnh viêm đau khớp háng có thể xảy ra vào bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, chúng ta thường gặp hơn với trẻ có độ tuổi từ 7 – 14 tuổi. Tùy thuộc vào mức độ của sự tổn thương mà bệnh có thể gây nên các triệu chứng nghiêm trọng và đột ngột. Trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ có các biểu hiện âm thầm và khó để phát hiện.

Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám sức khỏe định kỳ càng sớm càng tốt. Bởi việc thăm khám kỹ lưỡng và sớm sẽ giúp phát hiện bệnh và dễ dàng hơn cho quá trình điều trị, hạn chế tối đa rủi ro.

Viêm khớp xương háng ở trẻ em là tình trạng một hoặc cả hai bên của khớp háng xuất hiện ổ viêm lớn

 

2. Triệu chứng và nguyên nhân gây viêm khớp xương háng ở trẻ em

2.1. Một số triệu chứng biểu hiện của bệnh viêm khớp háng ở trẻ

Bệnh thường không có biểu hiện vào giai đoạn khởi phát. Một số trường hợp bệnh nhân chỉ thấy đi lại khó khăn, khó ngồi xổm, khó trong việc xoay khớp háng. Bên cạnh đó sẽ không có triệu chứng tại chỗ.

Tuy nhiên, khi ổ viêm đã phát triển gây ảnh hưởng đến cấu trúc xung quanh thì trẻ có thể gặp một số triệu chứng nghiêm trọng sau. Cụ thể như sau:

 

Triệu chứng tại chỗ

– Cảm thấy đau ở vùng háng: Cơn đau này có thể lan xuống tận vùng đùi hoặc đầu gối

– Cảm thấy đau âm ỉ hoặc đau nhói tùy theo mức độ bị tổn thương

– Cơn đau tăng theo thời gian

– Cảm giác đau nhói khi lấy tay nhấn vào khớp háng bị tổn thương

– Bị sưng đỏ khớp háng

– Thấy có cảm giác nóng ở vùng khớp háng

– Khó khăn trong việc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến khớp háng

– Bị thay đổi dáng đi (dáng đi khập khiễng)

 

Triệu chứng toàn thân

– Trẻ bị sốt

– Trẻ nhỏ có hiện tượng quấy khóc

– Trẻ bị viêm nhiễm vùng tai mũi họng

– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa

 

2.2. Một số nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp háng ở trẻ

Hiện vẫn chưa xác định được những nguyên nhân chính xác khiến cho trẻ mắc căn bệnh nà. Tuy nhiên, các yếu tố dưới đây có thể khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ. Bao gồm:

– Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy với các trẻ có ba hoặc mẹ bị bệnh viêm khớp xương háng hoặc viêm khớp dạng thấp sẽ dễ bị bệnh này hơn so với thông thường.

– Chấn thương: Trẻ bị chấn thương do té ngã hoặc trật khớp nhiều lần.

– Trẻ bị nhiễm trùng: Hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ còn chưa hoàn thiện, điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm virus, nấm và vi khuẩn dẫn đến mắc bệnh.

– Trẻ có dị tật bẩm sinh: Sụn khớp bị khiếm khuyết và một số dị tật bẩm sinh khác có thể gây ảnh hưởng tới các hoạt động của xương và khiến cho khớp kém đi sự linh hoạt. Từ đó làm gia tăng nguy cơ viêm khớp ở trẻ.

– Trẻ bị trượt xương đùi: Đây là hiện tượng gãy dọc đĩa tăng trưởng bên dưới khớp bi của phần hông.

– Trẻ bị thừa cân béo phì: Tình trạng này làm tăng áp lực lên khớp háng, điều này để lâu sẽ làm tăng nguy cơ viêm khớp xương háng ở trẻ em.

 

3. Giải đáp: bệnh viêm đau khớp háng ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm khớp háng có thể điều trị khỏi nếu trẻ được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Tuy nhiên, bệnh thường diễn tiến âm thầm mà không có biểu hiện rõ ràng vào giai đoạn đầu. Chính điều này đã gây cản trở lớn cho quá trình phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm.

Bên cạnh đó, việc không tiến hành điều trị sớm hoặc đúng cách cũng có thể làm phát sinh các vấn đề nghiêm trọng sau:

– Xương của trẻ bị yếu

– Trẻ dễ trật khớp háng

– Trẻ gặp tình trạng đau mạn tính

– Trẻ bị teo cơ

– Trẻ bị bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn

– Trẻ giảm đi khả năng vận động

– Trẻ bị dị tật vĩnh viễn

 

4. Phòng ngừa bệnh viêm khớp háng ở trẻ em

Căn bệnh này ở trẻ em không thể được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, một số cách dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh của trẻ:

– Cần biết kiểm soát cân nặng cho trẻ bằng chế độ luyện tập và ăn uống hợp lý. Tránh tình trạng thừa cân gây gia tăng áp lực lên khớp háng của trẻ.

– Hạn chế cho trẻ vận động mạnh hoặc thực hiện các động tác không phù hợp khiến cho phần khớp háng bị chấn thương.

– Thận trọng khi cho trẻ chơi thể thao và thực hiện những hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tránh để trẻ bị té ngã dẫn đến chấn thương vùng khớp háng.

– Hướng dẫn trẻ chơi các môn thể thao với cường độ thích hợp như bơi, yoga, đá bóng,… Đồng thời duy trì cho trẻ thói quen vận động mỗi ngày để gia tăng sự dẻo dai và độ bền cho phần khớp háng.

– Hướng dẫn cho trẻ cách để kiểm soát sự căng thẳng, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

– Phụ huynh nên thường xuyên xoa bóp và tắm cho trẻ với nước ấm để giúp thư giãn các khớp xương.

– Cần cho trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thông qua những loại thực phẩm lành mạnh.

– Tích cực điều trị các bệnh lý có liên quan tới tình trạng nhiễm trùng và bệnh liên quan tới xương khớp, đặc biệt là vùng khớp háng.

– Nếu trẻ nằm trong nhóm đối tượng dễ mắc bệnh này, phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện của trẻ, thường xuyên đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra.

Có thể thấy, bệnh viêm khớp háng ở trẻ em nếu để chậm trễ trong quá trình điều trị và điều trị không đúng cách sẽ gây gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Chính vì thế, nếu trẻ có biểu hiện bất thường khi vận động hàng ngày, phụ huynh không nên chủ quan mà cần đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị sớm, ngăn chặn biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top