BỆNH HỌC
KHÁI NIỆM VỀ BỘT
Công thức
CaSO4 ngậm 2 H2O đ CaSO4 + 2 H2O + Q↑
Q làm người bệnh có cảm giác nóng, đôi khi sinh ra bỏng.
Các loại bột
Bột Resine, bột thủy tinh, bột tổng hợp, bột Bình Trị Thiên, bột thạch cao (Gypsin).
MỤC ĐÍCH BÓ BỘT
Bất động xương trong gãy xương, viêm xương. Bất động khớp trong bong gân (độ 1, 2), trật khớp sau khi kéo nắn.
Dùng trong phẫu thuật tạo hình, tổn thương mô mềm nhiều, khâu nối gân –thần kinh, co rút khớp, ghép da. Giảm đau, ngăn ngừa biến dạng, ngăn ngừa gãy xương bệnh lý.
CHUẨN BỊ NGƯỜI BỆNH BÓ BỘT
Chuẩn bị tâm lý người bệnh
Giải thích mục đích bó bột, thời gian và những thông tin về bó bột để người bệnh hợp tác.
Chuẩn bị người bệnh trước khi bó bột
Nếu có vết thương, điều dưỡng phải thay băng sạch sẽ (chú ý: không được băng tròn theo vòng chi), lấy hết dị vật, máu tụ, chú ý cầm máu kỹ cho người bệnh.
Chăm sóc vùng da sắp bó bột: dùng nước ấm lau sạch da, chùi sạch máu và vết bẩn trên da. Chú ý, nhẹ nhàng tránh cho người bệnh đau. Thực hiện thuốc giảm đau, an thần khi nắn xương, nắn khớp. Luôn đặt tư thế người bệnh đúng trước khi tiến hành bó bột cho người bệnh.
Điều dưỡng cần lấy vòng vàng, nhẫn, nữ trang trên chi được bó bột trước khi bó bột.
Chuẩn bị các dụng cụ bó bột
Điều dưỡng cần hiểu số lượng bột, kích thước cuộn bột, nẹp bột phù hợp với người bệnh và với chi tổn thương.
Chuẩn bị tốt các dụng cụ độn lót bảo vệ da, vùng tì đè, bông không thấm nước, tất Jersey. Nước ngâm bột phải cao qua mặt cuộn bột, chú ý nhiệt độ.
Chuẩn bị kéo, bàn chỉnh hình, khung nắn xương.
THỰC HÀNH BÓ BỘT
Thực hành bó bột
Chọn loại bột: bột nhanh cứng dùng cho loại bó bột nhỏ ở bàn tay, cổ tay, cho nẹp bột. Bột lâu cứng dùng cho bột lớn ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân vì thời gian quấn bột lâu.
Chọn cỡ bột: chi trên nên dùng bột có bề ngang khoảng 15cm, chi dưới nên dùng bột có bề ngang khoảng 20cm.
Nhúng bột vào nước: nước phải đủ cao thấm trọn cuộn bột, nên ngâm bột ở tư thế nghiêng cuộn bột vì như thế sẽ lấy dễ dàng theo thứ tự cục bột ngâm trước, sau và cũng tránh tình trạng bột lắng. Cố gắng ngâm ngập trọn cục bột, tránh xoắn bột khi vắt bột. Nhiệt độ nước ngâm thích hợp là 700C.
Giữ chi: thực hiện nắn chi đúng tư thế và có người phụ giữ chi vững trong suốt thời gian bó bằng lòng bàn tay qua bột đang bó. Không được nâng đỡ chi với ngón tay qua bột đang bó.
Mang tất Jersey: trước khi bó bột cần mang tất ôm sát chi, tất dài hơn bột. Tất giúp ngăn ngừa bột dính trực tiếp trên da gây rát bỏng, dị ứng sau bó bột.
Quấn bông: càng mỏng càng tốt, chú ý 2 đầu bột, khớp, mỏm xương nhô ra.
Quấn bột: kỹ thuật căn bản khi quấn bột theo nguyên tắc 4Đ (đủ, đúng, đạt, đẹp), phải lăn cuộn bột bằng lòng bàn tay để tránh chèn ép khi bột khô. Quấn bột từ gốc chi ra ngoài, phần ngoài là nơi cần nhiều thời gian tỉ mỉ cho bột vừa ôm sát vào bàn chân hay bàn tay. Vuốt đều từng lớp bột để bột dính vào nhau tạo thành khối, tránh điểm chèn ép do bột không đều, tránh các điểm gấp của khớp. Bột quấn đầy ở 2 đầu, ở các điểm tựa và khuôn. Người phụ cần nâng đỡ bột bằng lòng bàn tay. Chuẩn bị nẹp bột cần đúng tư thế, cắt xén đẹp và an toàn cho người bệnh. Những chỗ gập góc phải cắt góc sạch, gọn. Khi quấn băng phải bảo đảm độ chặt của bột vừa phải để khi khô không bị chèn ép chi. Sau khi bó bột xong cần làm cho bột láng, tránh các nếp gấp xù xì để bột bó được đẹp.
Sai sót khi quấn bột
Vừa bó bột vừa sửa xương, quấn quá chặt hay quá lỏng, bông để từng cục, chèn ép khi bó, giữ bột bằng ngón tay, cắt xén bột không tốt gây cử động khó khăn ở các ngón.
Chăm sóc ngay sau bó bột
Điều dưỡng cần lau sạch bột dính trên da, lau nhẹ nhàng tránh di lệch chi vì bột chưa khô. Điều dưỡng đặt chi vừa bó bột trên mặt phẳng cứng. Chỉ được phép di chuyển người bệnh khi bột khô hoàn toàn để tránh làm biến dạng chi, chèn ép chi do bột. Điều dưỡng cần lưu ý khi cắt xén bột có thể làm gãy bột, điều dưỡng tránh di động chi khi bột còn ướt. Ghi chép lên bột ngày, giờ, tên người thực hiện, dấu cửa sổ nếu có vết thương. Theo dõi tình trạng ngón chân hay tay của chi sau khi bó bột. Điều dưỡng cần kiểm tra X quang sau bó bột. Cần đánh giá lại tình trạng chi gãy như hỏi người bệnh có đau gia tăng sau khi bó không vì khi bất động đúng thì người bệnh hầu như giảm đau hay không đau vùng chi được bó.
Theo dõi sau bó bột
Theo dõi sự lưu thông của tuần hoàn vùng chi phía dưới của bột như: xem màu sắc đầu ngón, mạch, cảm giác, cử động các ngón và nhiệt độ chi.
Vài giờ sau bó bột: theo dõi dấu hiệu chèn ép khoang như đau căng tức nơi bó hay vùng khớp nằm trong vùng bó bột làm người bệnh không ngủ được, đau tăng khi cử động ngón, tê, tái, sưng, tím, lạnh. Thường khi có dấu hiệu này thì điều dưỡng cần xẻ dọc bột, kê chi cao. Nếu dấu hiệu trên không giảm sau xẻ bột thì cắt bỏ hết bột và báo ngay cho bác sĩ.
Vài ngày sau bó bột: điều dưỡng cần theo dõi dấu hiệu chèn ép thần kinh, loét da. Nếu tình trạng chi tổn thương giảm phù nề, sưng tấy thì giai đoạn này đã bị lỏng bột. Lúc này người bệnh cần được bó bột khác để cố định xương tốt hơn. Trong suốt thời gian bó bột cần thường xuyên đánh giá dấu hiệu teo cơ, cứng khớp, loãng xương.
Kỹ thuật cắt bột
Dụng cụ:
Máy cưa run (StrvchoT, Stryker).
Kìm cắt Stille.
Kìm banh bột Hennig.
Dao cưa tay cắt bột Engel.
Dao nhỏ bén có cán to lưỡi hơi cong ngắn.
Kéo có mũi dẹp.
Mũ – máy cưa lưỡi quay tròn rất nguy hiểm.
Masque, găng tay.
Nguyên tắc cắt bột:
Thực hiện công tác tư tưởng cho người bệnh trước khi cắt bột để tránh cho người bệnh sợ hãi.
Đường cắt nên ở phía ngoài không qua chồi xương, nơi gấp khớp.
Cho người bệnh nằm hay ngồi ở tư thế thoải mái, thuận tiện, tránh để người bệnh thấy cưa đang cắt. Cẩn thận tránh gây thương tích cho người bệnh.
Kỹ thuật cắt bột:
Cách dùng máy cưa bột: tay phải cầm máy và cho máy xoay qua lại, tay trái cầm cán gần lưỡi cưa, giữ trục và đo lường độ sâu, đặt lưỡi cưa theo chiều tiếp xúc với mặt bột.
Sau khi cắt bột:
Rửa da sạch, lấy hết các chất bẩn trên da, chăm sóc da sạch sẽ, cho người bệnh tập vận động, chụp X quang kiểm tra, tái khám bác sĩ theo lịch hẹn.
QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SAU KHI BÓ BỘT
NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH
Ngay sau khi bó bột, điều dưỡng cần nhận định:
Tình trạng chi được bó: gồm các triệu chứng như đau, tê, mất mạch, nhiệt độ chi, cảm giác nóng rát. Tất cả các dấu hiệu bất thường cần được phát hiện sớm nhất để tránh nguy cơ chèn ép do bó bột.
Tình trạng bột: điều dưỡng cần xem tình trạng bên ngoài khô hay ướt, quá chặt hay quá lỏng, mùi bột, có cửa sổ bột và đánh dấu, tình trạng thấm dịch qua bột.
Tư thế: xem lại tư thế chi bó bột đúng chưa, nắn chi đúng tư thế chưa, kiểm tra lại phim X quang. Cửa sổ bột: dấu hiệu thấm dịch, mùi của vết thương.
Nhận định tâm lý người bệnh có lo lắng hay an tâm sau khi bó bột.
Vài ngày sau: ngoài các vấn đề trên cần chú ý thì có thể có các dấu hiệu đau nhức gia tăng do tình trạng nhiễm trùng như: nhiệt độ gia tăng, mùi hôi, bột thấm dịch. Tình trạng người bệnh ngứa do dị ứng bột. Sau vài ngày tình trạng sưng phù chi giảm có thể dẫn đến tình trạng bột lỏng. Cũng có nguy cơ tình trạng sưng phù gia tăng nên có nguy cơ chèn ép.
CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG
Sự suy giảm khả năng vận động do bó bột
Nhận định mức độ vận động của cơ, sức cơ của chi không tổn thương. Hướng dẫn người bệnh tập vận động chi bệnh trong mức độ cho phép, gồng cơ giúp cơ khỏe và tránh teo cơ, trợ giúp người bệnh tập luyện chi bệnh.
Nếu bó bột chi dưới, điều dưỡng hướng dẫn người bệnh đi nạng an toàn, đi tì chống phần chân không đau và giải thích với người bệnh chi bó bột rất nặng để người bệnh cẩn thận nâng đỡ khi di chuyển, khi xuống giường hay xuống ghế cần để chân lành xuống trước chi bó bột. Đối với người già cần có sự hỗ trợ khi đi lại, nâng đỡ chi khi xuống giường hay khi bước xuống ghế tránh để người bệnh té ngã. Nếu chi trên điều dưỡng giúp người bệnh treo tay lên vai một cách an toàn thoải mái, dùng dây treo bản rộng tránh tì đè vùng cổ.
Đau do bột hay do chấn thương
Hình 36.5. Bột chống xoay
Thường sau khi bó bột người bệnh không còn đau nơi vùng chi gãy nhưng nếu người bệnh vẫn còn đau thì điều dưỡng cần nhận định và lượng giá mức độ đau theo bảng đánh giá đau, thăm khám lại nơi chi bó bột. Điều dưỡng không được bỏ qua bất cứ lời than đau nào của người bệnh vì đây là dấu hiệu sớm nhất phát hiện dấu hiệu chèn ép.
Hình 36.6. Bó bột 2 chân
Thực hiện thuốc giảm đau, thăm khám lại vùng bó bột. Nếu người bệnh đau tăng lên nhiều hơn, tê, giảm cảm giác, thay đổi nhiệt độ chi, mất mạch... thì điều dưỡng nên báo cáo bác sĩ ngay và thực hiện việc xẻ bột hay thay bột mới. Kê cao chi trên gối giúp máu hồi lưu tốt, giúp giảm sưng nề. Vận động nhẹ nhàng thường xuyên các ngón chân giúp máu lưu thông tốt và giảm sưng nề chi.
Táo bón do không vận động ở người bệnh bó bột chi dưới, bột bụng
Nghe nhu động ruột và theo dõi tình trạng đi cầu của người bệnh. Cho người bệnh uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ. Hướng dẫn người bệnh đi cầu kín đáo, tiện nghi, đi cầu đúng giờ. Theo dõi tình trạng nhu động ruột. Đánh giá tình trạng phân như phân cứng, phân khô.
Tập vận động bụng, hít thở sâu. Ghi chú dấu hiệu khó thở, lo lắng, nôn ói, tắc ruột ở những người bệnh bó bột ở bụng. Người bệnh thường rất khó chịu khi bó bột ở bụng vì thế cần tạo cho người bệnh môi trường và tư thế thoải mái, giúp người bệnh giải trí, thư giãn.
Nguy cơ bệnh tiết niệu do nằm lâu
Thường do người bệnh phải mang khối bột quá nặng nên đôi khi hạn chế đi lại và cũng hạn chế việc đi tiểu, vì thế người bệnh cũng hạn chế việc uống nước. Đây là nguyên nhân dễ gây sỏi đường tiết niệu. Do người bệnh cần cung cấp nhiều calci trong quá trình lành xương kèm theo việc gãy xương làm calci thải vào máu trên ngưỡng hấp thu của thận nên dễ hình thành sỏi. Để phòng ngừa, điều dưỡng khuyến khích người bệnh uống nhiều nước. Đi tiểu ngay khi bàng quang đầy nước tiểu. Kín đáo, tiện nghi trong khi tiểu. Đánh giá lượng nước vào và ra. Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục.
Người bệnh không thoải mái do bó bột
Người bệnh ngứa, dị ứng da do bột, điều dưỡng thực hiện thuốc kháng dị ứng. Hướng dẫn người bệnh không dùng vật cứng đưa vào trong bột để gãi, khi ngứa người bệnh dùng tay gõ lên bột. Lấy vụn bột, lau rửa sạch sẽ 2 đầu da vùng bó bột. Hướng dẫn cho người bệnh những bài tập luyện.
Hướng dẫn người bệnh tự vệ sinh sạch vùng da bên ngoài. Giữ bột sạch không ẩm ướt. Tránh che phủ bột vì dễ gây ẩm bột do mồ hôi. Giữ vệ sinh sạch sẽ bột. Hướng dẫn người bệnh nhìn vào gương để xem những vùng không nhìn được. Để người bệnh ở trong phòng có nhiệt độ thích hợp.
Người bệnh có vết thương trong bột
Cần mở cửa sổ trên bột sớm để chăm sóc, theo dõi, thay băng sớm cho người bệnh. Nhận định tình trạng vết thương: mô hạt, mủ, dịch tiết, mùi hôi... điều dưỡng cần thực hiện cấy vết thương theo y lệnh. Nếu có nhiều mô hoại tử nên cắt lọc tốt cho người bệnh. Theo dõi nhiệt độ để phát hiện tình trạng nhiễm trùng. Sau khi thay băng vết thương xong nên dùng gạc che vết thương.
Suy giảm vận động do phù nề, teo cơ, yếu cơ sau tháo bột
Lượng giá sức cơ, đánh giá mức độ phù nề sau khi tháo bột. Đo vòng chi và so sánh hai bên. Chăm sóc da người bệnh như rửa sạch da, sử dụng kem làm ẩm da, phơi nắng. Tập cơ bằng cách vận động, xoa bóp chi. Sau tháo bột chi người bệnh thường sưng phù do tình trạng lưu thông mạch máu chưa ổn định, vì vậy người bệnh rất cần được giảm phù nề như kê chi cao, tập vận động, đi lại và điều dưỡng vẫn tiếp tục theo dõi phù nề. Trong nhiều trường hợp bác sĩ sẽ cho thuốc tăng tuần hoàn, giảm sưng cho người bệnh. Hướng dẫn người bệnh tập đi nạng hỗ trợ. Hướng dẫn người bệnh đi nạng an toàn. Nhưng để cho cơ chắc khỏe điều dưỡng cần hướng dẫn cho người bệnh chế độ ăn uống có dinh dưỡng cao, cung cấp vitamin A, D, C, calci, protide. Ngoài ra, điều dưỡng hướng dẫn người bệnh phơi nắng để giúp da chuyển hoá vitamin D giúp lành xương.
Người bệnh dinh dưỡng kém liên quan đến hạn chế sự tự phục vụ do bột chi trên hay do bột bụng
Người bệnh rất cần chất dinh dưỡng để tái tạo xương giúp đẩy nhanh tiến trình lành xương, lành vết thương, giúp cơ khỏe. Điều dưỡng cần hướng dẫn cách ăn uống như dùng muỗng, dĩa thay thế đũa. Chọn những thức ăn dễ gắp. Hướng dẫn người bệnh ăn thức ăn có nhiều calci, giàu dinh dưỡng như: nghêu, sò, cua, tôm, sữa… uống nhiều nước. Không thể cân người bệnh do khối bột làm mất đi tính chính xác của cân nặng, nên thường kiểm tra bằng đo vòng chi hay vòng bụng, theo dõi xét nghiệm pre–albumine, BUN.
Người bệnh lo lắng sau khi tháo bột
Sau khi bó bột đủ thời gian người bệnh được tháo bột. Thường người bệnh đến bệnh viện để xẻ bột. Điều dưỡng giải thích phương pháp cắt bột giúp người bệnh an tâm. Trước khi cắt bột, điều dưỡng cho người bệnh nằm hay ngồi ở tư thế an toàn để tránh cho người bệnh lo sợ (nhất là với trẻ em, người già sự hoảng sợ do tiếng cưa và mùi bột cháy cũng làm cho họ ngất). Khi xẻ bột tránh để người bệnh bị tổn thương do cưa bột.
Sau khi tháo bột điều dưỡng nên rửa sạch da người bệnh với nước ấm, lấy hết những bông, bột, vẩy da. Đánh giá tình trạng da suy dinh dưỡng như da khô, da bong tróc vẩy, da bị rụng lông, mất độ bóng của da, tình trạng teo cơ. Điều dưỡng xoa chất làm ẩm da có chất làm tăng cường dinh dưỡng cho da, giúp mềm da. Cho người bệnh phơi nắng, đo vòng chi so sánh với bên lành, tập vận động. Vùng dưới chi bị phù nề do tình trạng máu hồi lưu kém cần nâng chi cao và đi lại.
Vận động đi lại: sau khi tháo bột không nên cho người bệnh đi lại ngay. Điều dưỡng hướng dẫn cho người bệnh đong đưa chi nhẹ nhàng, vận động chi cho tuần hoàn lưu thông tốt. Sau đó cho người bệnh đi nạng chống chi bệnh nhẹ nhàng. Dần dần khi người bệnh thích nghi thì hướng dẫn người bệnh đi lại nhưng nếu quá đau thì ngưng lại, khi thấy hết đau thì tập đi nạng lại.
BIẾN CHỨNG VÀ XỬ TRÍ
Chèn ép điểm
Nguyên nhân: do nâng đỡ bột bằng ngón tay, có hạt hay cục bột, vùng xương nhô ra do không đệm lót tốt, khi bột chưa khô đã đặt chi xuống giường, xẻ bột khi bột còn ướt, cử động sớm khi bột chưa khô.
Triệu chứng: nóng rát, đau liên tục, da tê, cử động ngón khó.
Phòng ngừa: nâng đỡ chi khi bó bằng lòng bàn tay, đệm lót tốt vùng xương nhô ra, không xoay trở hay di chuyển khi bột chưa khô, bất động tốt cho đến khi bột khô. Theo dõi vận động chi, mạch chi, đau nhiều sau bó, nhiệt độ chi. Theo dõi sát các dấu hiệu chèn ép trong những giờ sau bó bột. Không để chi bị chèn ép quá 6 giờ.
Xử trí: xẻ bột để giải áp chèn ép hay thay bột khác.
Chèn ép toàn thể
Nguyên nhân: độn lót không tốt, chi phù nề nhiều do chảy máu, nhiễm trùng, kỹ thuật bó sai.
Triệu chứng: đau, căng tức, dị cảm, liệt vận động.
Xử trí: rạch dọc bột tất cả các khớp, banh rộng, kê cao chi không quá 20cm.
Dự phòng: khi cho người bệnh về thì rạch bột và thông báo những bất thường giúp người bệnh theo dõi và phát hiện kịp thời hay tự người bệnh banh rộng bột trước khi đến bệnh viện, không để quá trễ sau 6 giờ.
Lỏng bột
Hình 36.7. Bó bột chi dưới
Nguyên nhân: do giảm phù nề, do độn lót nhiều quá.
Triệu chứng: vận động thấy đau, nghe lục cục khi cử động, giới hạn trên và dưới thấy lỏng.
Biến chứng: can xương lệch, lệch đầu xương.
Xử trí: thay bột mới.
Dự phòng: hướng dẫn người bệnh tái khám đúng hẹn hay khi thấy dấu hiệu lỏng bột.
Loãng xương
Nguyên nhân: do dinh dưỡng kém, người già, bất động lâu, thiếu ánh nắng, kém vận động, viêm xương, bệnh lý xương.
Triệu chứng: đau trong xương, X quang thấy loãng xương, calci máu giảm.
Biến chứng: xương dễ gãy, quá trình tái tạo xương giảm.
Phòng ngừa và chăm sóc: hướng dẫn người bệnh tập luyện, phơi nắng, cung cấp calci qua sữa, nhất là người già. Hướng dẫn cách đi lại tránh té ngã hay chống đỡ rất dễ gãy xương. Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, thực hiện thuốc.
LƯỢNG GIÁ
Người bệnh vận động tốt trong bột.
Người bệnh an tâm điều trị: bó bột đúng thời gian, không biến chứng. Sau bó bột người bệnh đi nạng được an toàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Julie Hebenstreit. Musculoskeletal Knowledge base for Patient with Dysfunction, in Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice, 2nd ed., WB Saunders company, 1998, 837 – 945.
Susan Ruda, Nursing role in Management Musculoskeletal Problem, in Medical Surgical Nursing, 4th ed., Lewis Collier Heitkemper/MOSBY, 1992, 1839 – 1892.
Catherine V. Smith. Musculoskeletal system, in Mosby’s Manual of Clinical Nursing, second Edition, Mosby Company, 1986, 375 – 474.
Chỉnh hình và chấn thương học, tổ chức Y tế Thế giới, Nhà xuất bản Y học, đề án đào tạo 03 – SIDA, Hà Nội, 1993.
Nguyễn Văn Quang, Nguyên tắc chấn thương chỉnh hình, Hội Y Dược học thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y học, 1987.
Điều dưỡng ngoại khoa, Nhà xuất bản Y học, Bộ Y tế – Vụ Khoa học và Đào tạo, Hà Nội, 1996, trang 154.
Nguyễn Văn Quang, Kỹ thuật Bột, Trung tâm chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh