✴️ Chăm sóc người bệnh mổ tắc ruột

Nội dung

BỆNH HỌC

Tắc ruột là sự ngưng trệ lưu thông trong lòng ruột và là bệnh lý điều trị cấp cứu ngoại khoa. Có 2 loại: tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng.

Nguyên nhân của tắc ruột cơ năng là do ruột không co bóp được gọi là liệt ruột như tổn thương thần kinh sau chấn thương tuỷ sống, liệt ruột sau mổ, phản ứng viêm như viêm phúc mạc, viêm tuỵ cấp, viêm ruột thừa cấp, rối loạn điện giải như giảm Kali, gãy xương sườn, gãy cột sống, nhồi máu ruột do thrombose ở ruột.

Nguyên nhân của tắc ruột cơ học là do lòng ruột bị bít lại. Tắc ruột cơ học xuất hiện nhiều ở ruột non, thường là hồi tràng.

 

NGUYÊN NHÂN VÀ PHÂN LOẠI CỦA TẮC RUỘT CƠ HỌC

Tắc ruột do nghẽn

Lòng ruột bị bít do vật lạ như búi giun đũa, búi chứa bã đồ ăn, sỏi mật.

Lòng ruột bị bít do thương tổn ở thành ruột như bẩm sinh teo ruột, lao ruột, viêm trong bệnh Crohn, sẹo xơ sau chấn thương, u ác tính hay lành tính, ung thư đại trực tràng.

Lòng ruột bị tắc do thương tổn thành ngoài như dính ruột, dây chằng chẹn quai ruột.

Tắc ruột do thắt

Thoát vị bẹn nghẹt thường xảy ra ở nam giới, thoát vị đùi nghẹt thường xảy ra ở nữ giới.

Lồng ruột do bất thường về nhu động, đoạn ruột trên chui lồng vào đoạn ruột dưới hay ngược lại. Dây chằng chẹn ngang ruột gây nên tắc ruột nghẽn.

Xoắn ruột gồm xoắn ruột non, xoắn manh tràng, xoắn đại tràng chậu hông.

 

SINH LÝ BỆNH

Bình thường có 6–8 lít dịch vào trong ruột non mỗi ngày. Hầu hết được hấp thu trước khi vào đại tràng. Khoảng 75% hơi trong ruột do nuốt không khí vào trong bụng. Vi trùng chuyển hoá trong ruột sinh ra khí methan và hydrogen. Dịch, khí và các chất tích tụ trong ruột gần như dẫn tới tình trạng tắc ruột. Với nguyên nhân căng giãn và lòng ruột ở xa bị xẹp, sự căng giãn làm ruột giảm khả năng hấp thu dịch và kích thích ruột bài tiết. Như vậy, dịch lại tiếp tục gia tăng và tăng áp lực trong lòng ruột. Sự gia tăng áp lực dẫn đến gia tăng sự thấm mao mạch, gia tăng thoát dịch và điện giải vào trong khoang phúc mạc. Phù nề, sung huyết, và hoại tử từ sự suy giảm do thiếu máu nuôi ruột dẫn tới tình trạng thủng ruột gây viêm phúc mạc. Sự ứ dịch trong ruột và trong khoang phúc mạc dẫn tới tình trạng giảm thể tích tuần hoàn và hậu quả là người bệnh choáng do giảm thể tích.

Chất giàu điện giải thường hấp thu ở ruột thì khi tắc ruột những chất điện giải lại bị ứ trong ruột và trong khoang phúc mạc. Vị trí của nơi tắc cũng xác định phạm vi của dịch, điện giải và cân bằng kiềm toan. Nếu tắc ruột cao kèm biến dưỡng là hậu quả do mất acid hydrochloric từ dạ dày do nôn ói, do ống thông dạ dày.

Khi tắc ruột non thì mất nước xuất hiện rất sớm. Mất cân bằng nước và điện giải chậm khi tắc ruột ở đại tràng. Nếu tắc ruột phía dưới gần đại tràng, dịch tiêu hoá hầu như được hấp thu trước khi tới chỗ tắc. Phân trở nên cứng và tích tụ lại trong ruột gây ra cảm giác khó chịu. Liệt ruột quá lâu dẫn đến tình trạng nôn ra phân trong tắc ruột đến trễ.

Rối loạn toàn thân: nôn bao giờ cũng có trong tắc ruột. Tắc ruột càng cao nôn càng nhiều. Nôn làm người bệnh mất nước. Tích tụ dịch trong lòng ruột, nôn, thoát huyết tương vào trong xoang bụng làm cho tình trạng mất nước và điện giải người bệnh càng trầm trọng hơn, do đó nếu người bệnh đến trễ rất dễ dàng đưa đến choáng.

 

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Triệu chứng cơ năng

Đau bụng: từng cơn, đau do ruột co bóp mạnh để tống các chất chứa đựng trong lòng ruột vượt qua chỗ tắc để xuống phía dưới. Mỗi cơn đau kéo dài vài phút. Khoảng cách các cơn đau là thời gian hoàn toàn im lặng.

Nôn ói: tuỳ vị trí tắc, tắc càng cao nôn càng nhiều, lúc đầu nôn ra nước vàng, nếu người bệnh đến trễ chất nôn có thể ra phân. Ngay sau khi nôn người bệnh cảm giác thoải mái dễ chịu nhưng ngay sau cơn đau xuất hiện người bệnh lại nôn tiếp tục.

Bí trung đại tiện: là triệu chứng quan trọng nhất giúp chẩn đoán tắc ruột.

Triệu chứng thực thể

Bụng chướng, tuỳ vị trí tắc mà người bệnh bụng chướng nhiều hay ít. Bụng chướng làm người bệnh khó thở rõ rệt.

Quai ruột nổi thấy ở những người ốm, có thành bụng mỏng, trẻ em và người già triệu chứng này càng rõ Dấu hiệu rắn bò khi cơn đau xuất hiện, nhìn vào thành bụng ta thấy các quai ruột nổi lên.

Nghe: trong cơn đau nghe tiếng réo của ruột mạnh hơn, nhiều hơn, âm thanh sắc hơn. Gõ vang vì ruột chướng hơi.

Quan sát thấy vết sẹo trên thành bụng.

Thăm khám vùng thoát vị để phát hiện thoát vị bẹn hay thoát vị đùi nghẹt.

Triệu chứng toàn thân

Dấu hiệu mất nước: Sốt nhẹ do mất nước, nếu sốt cao là tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh có thể rơi vào tình trạng choáng.

 

TRIỆU CHỨNG CẬN LÂM SÀNG

Xét nghiệm máu: trong trường hợp tắc ruột do thắt thì bạch cầu và Amylase tăng cao.

X quang: rất quan trọng trong chẩn đoán.

Tắc ruột non: mực nước hơi có đặc điểm chân rộng nhưng vòm thấp, phân bố vùng giữa bụng. Phân bố như bậc thang. Không thấy bóng hơi trong ruột già.

Tắc đại tràng: mực nước hơi chân hẹp nhưng vòm cao, phân bố theo chu vi bụng, bóng hơi rất to.

Tắc ruột do thắt: có dấu hiệu hột cà phê.

Không nên cho người bệnh tắc ruột già chụp X quang có chất cản quang. Nhưng trong ruột non có thể thực hiện được.

 

ĐIỀU TRỊ

Giảm áp lực trong lòng ruột bằng cách lấy dịch và hơi ứ đọng trong lòng ruột. Cân bằng, duy trì nước và điện giải. Giảm hay giải quyết nguyên nhân gây tắc ruột.

Đặt ống thông dạ dày và hút liên tục giúp giảm áp lực trong lòng ruột, giảm căng chướng dạ dày và lòng ruột giúp cho phẫu thuật dễ dàng, tránh dịch tiêu hoá tràn vào khí, phế quản khi gây mê, giảm nôn ói và theo dõi chính xác nước xuất qua ống thông dạ dày, người bệnh nhịn ăn uống hoàn toàn.

Bồi phụ nước và điện giải, dung dịch thường dùng là muối đẳng trương, dung dịch ngọt đẳng trương, có thể cung cấp dung dịch dinh dưỡng qua đường truyền nếu như tình trạng người bệnh suy dinh dưỡng. Giúp cải thiện dinh dưỡng trước và sau mổ.

Kháng sinh bao giờ cũng cần vì kháng sinh để chống viêm, chống phù nề thành ruột, thuận lợi cho tình trạng lưu thông tiêu hoá và làm chậm hiện tượng hoại tử của ruột.

Điều trị phẫu thuật nhằm giải quyết nguyên nhân tắc ruột, người bệnh thường có hậu môn nhân tạo sau mổ tuỳ vào tình trạng tổn thương ở ruột.

 

BIẾN CHỨNG SAU MỔ

Tắc ruột sau vài giờ, có khi vài ngày và vài tháng.

Viêm phúc mạc sau mổ.

Choáng nhiễm khuẩn.

 

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TẮC RUỘT

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Đau bụng: đau từng cơn, có liên quan đến co thắt nhu động ruột. Đau bụng dữ dội, không giảm đau theo tư thế, theo dõi thời gian giữa 2 cơn đau.

Nôn ói: tắc càng cao nôn càng sớm và càng nhiều.

Tắc ruột cao (tắc ruột non): nôn ói nhiều, chướng bụng ít vùng trên rốn và giữa bụng. Tắc ruột thấp (tắc đại tràng): nôn ít, có khi không nôn, bụng chướng nhiều.

Bí trung, đại tiện: là dấu hiệu quyết định trong chẩn đoán. Trong tắc ruột cao, đoạn ruột dưới chỗ tắc có thể vẫn còn co bóp, do đó người bệnh vẫn còn có thể trung tiện và đi cầu chút ít, nhưng chỉ trong thời gian đầu, sau đó sẽ bí trung, đại tiện hoàn toàn.

Thăm khám: bụng chướng, có dấu hiệu rắn bò, dấu hiệu quai ruột nổi, bụng mềm, không dấu cảm ứng phúc mạc.

Tiền sử có giải phẫu vùng bụng: tiền sử dính ruột, mổ ruột, thoát vị là nguyên nhân tắc ruột cơ học. Tiền sử viêm nhiễm đường ruột: bệnh Crohn, loét đại tràng, lao ruột, ung thư.

Thăm khám toàn thân: dấu hiệu mất nước và rối loạn điện giải.

Tắc ruột tiến triển: nghe nhu động ruột âm sắc cao, dồn dập, đau bụng từng cơn (tắc ruột cơ học). Dần dần mất nhu động ruột hay tiếng nhu động ít (liệt ruột), bụng chướng, không trung tiện.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Giảm thể tích dịch do nôn ói

Thẩm định lại người bệnh các dấu hiệu mất nước như khát nước, môi khô, niêm khô, nước tiểu giảm dưới 30ml/giờ, CVP giảm. Dấu hiệu rối loạn điện giải qua Ion đồ. Tình trạng toan huyết, chướng ruột, nhiễm trùng, choáng.

Thực hiện bù nước, điện giải, máu, huyết thanh theo y lệnh. Thực hiện chính xác lượng dịch truyền giúp cân bằng nước điện giải tránh người bệnh rơi vào tình trạng choáng giảm thể tích.

Theo dõi dấu chứng sinh tồn, chú ý nhất là mạch huyết áp để giúp phát hiện sớm dấu hiệu choáng. Nhiệt độ giai đoạn đầu giảm nhưng nếu có sốt là dấu hiệu nhiễm trùng.

Theo dõi nước tiểu biết được chức năng thận, theo dõi nước xuất nhập.

Điều dưỡng đặt ống thông dạ dày, hút, theo dõi mỗi giờ giúp ngăn ngừa ói, vừa giúp theo dõi dịch xuất và theo dõi tính chất dịch ói. Ghi chú vào hồ sơ diễn biến bệnh.

Người bệnh thở khó do chướng bụng

Điều dưỡng theo dõi tình trạng hô hấp của người bệnh vì bụng căng chướng và không dám thở do đau. Thực hiện thở oxy cho người bệnh, tránh nguy cơ ruột thiếu oxy do suy giảm hô hấp. Đo vòng bụng mỗi 4–8 giờ giúp thẩm định sự chướng bụng và giúp theo dõi tình trạng tắc ruột. Cho nằm đầu cao giúp người bệnh giãn nở lồng ngực, ngăn ngừa tình trạng suy hô hấp. Cung cấp oxy khi người bệnh có dấu hiệu thiếu oxy.

Đau bụng

Theo dõi diễn tiến cơn đau, thời gian, khoảng cách giữa 2 cơn đau. Giúp người bệnh tìm tư thế giảm đau. Tránh cử động đột ngột, hạn chế thăm khám. Công tác tư tưởng người bệnh trong cơn đau cũng giúp người bệnh an tâm. Thực hiện thuốc giảm đau theo y lệnh. Hút dịch dạ dày giúp giảm chướng ruột dẫn đến tình trạng gia tăng cơn đau.

 

CHUẨN BỊ NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ TẮC RUỘT

Người bệnh tắc ruột thường phải mổ cấp cứu, công việc chuẩn bị người bệnh trước mổ cần phải kèm theo hồi sức chống choáng.

Tắc ruột thường làm cho người bệnh mất nước trầm trọng do nôn ói, do tình trạng ứ dịch trong lòng ruột và giảm khả năng trao đổi chất trong lòng ruột. Điều dưỡng cần thực hiện bù nước và điện giải cho người bệnh. Lượng giá dấu mất nước, rối loạn điện giải thường xuyên, hàng giờ.

Theo dõi nước xuất nhập mỗi giờ, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm cho người bệnh, theo dõi nước tiểu để phát hiện sớm tình trạng suy thận cấp.

Để giúp phẫu thuật dễ dàng hơn, giảm nôn ói, để theo dõi chính xác lượng dịch mất, giúp giảm tình trạng chướng bụng, điều dưỡng đặt ống thông dạ dày và hút liên tục.

Giải thích cho người bệnh và thân nhân những thông tin về phẫu thuật giúp họ an tâm, báo và giải thích về phương pháp phẫu thuật (dẫn lưu, hậu môn nhân tạo v.v...), thời gian phẫu thuật, nơi người bệnh lưu lại sau mổ.

Thực hiện các xét nghiệm trước mổ, chú ý Ion đồ. Không cho người bệnh ăn uống.

Vệ sinh vùng mổ, thông tin về cuộc mổ cho người bệnh và người nhà.

 

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SAU MỔ TẮC RUỘT

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Tình trạng tuần hoàn: dấu chứng sinh tồn, chú ý mạch và huyết áp vì có nguy cơ người bệnh rơi vào tình trạng choáng sau mổ.

Dấu mất nước, rối loạn điện giải: biểu hiện trên lâm sàng dấu hiệu mất nước, nước tiểu giảm hay ít hơn 30ml/giờ, da khô, niêm khô.

Hô hấp: dấu hiệu khó thở, thiếu oxy do người bệnh bụng chướng hay đau không dám thở.

Theo dõi tình trạng hậu môn nhân tạo: phân, dịch ruột, máu, màu sắc niêm mạc ruột, thường niêm mạc ruột màu hồng, ẩm.

Tình trạng bụng: sau mổ thường chướng, đau, nhu động ruột giảm hay ngưng trệ do tình trạng thuốc giãn cơ sau mổ, nghe nhu động ruột mỗi giờ để giúp đánh giá, phục hồi nhu động ruột.

Ống Levine: theo dõi màu sắc, tính chất dịch. Thường sau mổ dịch ra rất nhiều, cần hút liên tục và theo dõi chất dịch ra, nếu có phân nên báo bác sĩ ngay.

Dẫn lưu: theo dõi màu sắc, số lượng dịch ra nhưng trong nhiều trường hợp phẫu thuật viên không đặt dẫn lưu sau mổ do có nguy cơ cao tắc ruột sớm sau mổ.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Choáng sau mổ tắc ruột do mất nước và điện giải

Người bệnh mất nước và điện giải trước mổ nên sau mổ tình trạng này càng trầm trọng hơn do người bệnh phải được rửa ruột trong lúc mổ, mất nước do không ăn uống được sau mổ, do mất dịch qua dẫn lưu hậu môn nhân tạo, ống Levine. Vì thế, việc bù nước và điện giải cho người bệnh thật cần thiết, thận trọng và đầy đủ để tránh nguy cơ choáng giảm thể tích sau mổ. Theo dõi sát dấu chứng sinh tồn, phát hiện sớm dấu hiệu choáng. Đánh giá chính xác dấu hiệu thiếu nước và rối loạn điện giải. Thực hiện hồi sức chống choáng, thực hiện y lệnh chính xác khi truyền dịch.

Bụng chướng sau mổ tắc ruột do tình trạng chướng bụng sau mổ

Ống thông dạ dày được hút liên tục để giúp bớt căng chướng dạ dày, lấy bớt dịch ứ đọng, bảo vệ đường khâu mau lành. Theo dõi và ghi lại số lượng dịch giúp bù nước và điện giải cho người bệnh chính xác. Rút ống thông dạ dày khi có nhu động ruột.

Tình trạng bụng: cần đánh giá để phát hiện dấu hiệu sớm của tắc ruột tái phát, theo dõi dấu hiệu chướng ruột, nghe nhu động ruột. Cho người bệnh ngồi dậy càng sớm càng tốt. Hướng dẫn người bệnh hít thở sâu, tập bụng. Trong trường hợp người bệnh đau bụng do vết mổ nên cho người bệnh ôm gối vào bụng khi tập. Thực hiện thuốc giảm đau theo y lệnh.

Bụng chướng sau mổ cũng ảnh hưởng đến hô hấp. Theo dõi dấu hiệu thiếu oxy, khó thở do tình trạng căng chướng bụng và không dám thở do đau sau mổ. Tư thế nằm đầu cao cũng góp phần giãn nở thể tích phổi giúp gia tăng thể tích hô hấp.

Người bệnh có hậu môn nhân tạo sau mổ tắc ruột

Người bệnh rất lo lắng và hoảng sợ khi thấy trên bụng có hậu môn nhân tạo. Đây là vấn đề tâm lý nặng nề cho người bệnh và gia đình. Điều dưỡng cần nhẹ nhàng chăm sóc, giải thích và tuỳ tình trạng người bệnh mà có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Theo dõi tình trạng hậu môn nhân tạo: phân, niêm mạc, chân da, tính chất đi cầu, phân có ra ở hậu môn thật không. Tình trạng hậu môn nhân tạo cũng giúp điều dưỡng phát hiện tình trạng tắc ruột tiến triển.

Bình thường niêm mạc ruột hồng tươi, trong, ẩm, phân ra tốt, nếu như thấy niêm mạc hậu môn nhân tạo tím tái, nên thăm khám lại bụng người bệnh, phát hiện sớm dấu hiệu tắc ruột sớm sau mổ. Cho người bệnh nghiêng về hậu môn nhân tạo tránh phân tràn vào vết mổ, nên đặt túi hậu môn. (Xem bài Chăm sóc người bệnh có hậu môn nhân tạo – Điều dưỡng Ngoại 2).

Người bệnh tắc ruột sớm sau mổ do vận động kém

Vận động sau mổ: do người bệnh mổ cấp cứu nên việc hướng dẫn và chuẩn bị trước mổ chưa chu đáo, điều dưỡng cần hướng dẫn người bệnh tập luyện và vận động trên giường (nếu người bệnh còn yếu), khuyến khích người bệnh cần tập luyện thường xuyên. Hướng dẫn người bệnh ho, hít thở sâu, vỗ lưng, giúp người bệnh hiểu nguy cơ tắc ruột có thể xảy ra nếu không vận động.

Nếu người bệnh tỉnh, ổn định nên cho người bệnh ngồi dậy, đi lại sớm giúp có nhu động ruột sớm và ngăn ngừa tắc ruột tái phát. Theo dõi dấu hiệu tắc ruột sớm như đau bụng từng cơn, nôn sớm, bí trung tiện.

Người bệnh nhiễm trùng sau mổ tắc ruột

Theo dõi nhiệt độ sau mổ, kháng sinh cần thực hiện đúng và chính xác. Thực hiện chăm sóc người bệnh với kỹ thuật vô khuẩn. Thay băng vết mổ khi thấm dịch. Hậu môn nhân tạo nên có đặt túi an toàn, nếu như băng thấm phân phải thay ngay, nên băng cách xa vết mổ. Nằm nghiêng về phía hậu môn nhân tạo tránh phân tràn vào vết mổ. Thông tiểu cần rút sớm, vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên trong ngày. Cần lưu ý dấu hiệu nhiễm trùng tiểu như tiểu rát, đau vùng bàng quang, nước tiểu đục, báo cáo ngay bác sĩ. Cho người bệnh uống nhiều nước trong ngày.

Sự tổn thương da do vết mổ và lỗ hậu môn nhân tạo

Người bệnh có hậu môn nhân tạo chưa xẻ miệng điều dưỡng nên bao phủ bằng gạc thấm vaselin. Nếu thấm máu ướt băng chỉ thay lớp băng ngoài tránh phân tràn vào vết mổ, luôn luôn giữ cho niêm mạc hậu môn nhân tạo luôn ẩm không bị khô. Theo dõi tình trạng bụng, cơn đau, màu sắc niêm mạc hậu môn nhân tạo, theo dõi chảy máu quanh chân hậu môn nhân tạo.

Người bệnh có hậu môn nhân tạo đã xẻ miệng rồi để tránh nhiễm trùng vết mổ điều dưỡng cần rửa sạch phân trào ra, tránh phân tràn qua vết mổ. Hướng dẫn người bệnh nằm nghiêng về phía hậu môn nhân tạo. Quấn gạc thấm vaselin quanh dưới chân ruột (ngừa phân đổ vào ổ bụng) hay dùng túi để hứng phân.

Nếu hậu môn nhân tạo bên phải, hay đưa ruột non ra da điều dưỡng cần theo dõi việc phòng lở loét da cho người bệnh vì đây là loại dịch lỏng mang tính chất kiềm.

Dẫn lưu: theo dõi số lượng, màu sắc, thay băng mỗi ngày. Chăm sóc da chân dẫn lưu, hệ thống dẫn lưu. Dẫn lưu cần được rút sớm để tránh nguy cơ tắc ruột. Để tránh nhiễm trùng cần rút thông tiểu sớm khi tình trạng người bệnh ổn định. Sau khi rút thông tiểu, cần cho người bệnh uống nhiều nước, vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ. Để tránh nguy cơ viêm phổi nên hướng dẫn người bệnh ngồi dậy sớm, hít thở sâu.

Suy dinh dưỡng sau mổ tắc ruột

Dinh dưỡng người bệnh thường suy kiệt do nhịn ăn uống trước mổ và những ngày đầu sau mổ, vì thế việc cung cấp năng lượng cho người bệnh thật cần thiết. Nếu người bệnh chưa có nhu động ruột nên thực hiện truyền dịch đường, đạm, điện giải cho người bệnh. Nếu có nhu động ruột nên khuyến khích người bệnh ăn bằng đường miệng, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nên tránh thức ăn tạo hơi, trái cây hay sữa quá sớm, vì như thế dễ gây chướng hơi trong lòng ruột do lên men.

 

GIÁO DỤC NGƯỜI BỆNH

Hướng dẫn người bệnh vận động ngồi dậy đi lại sớm, đi bộ, tập dưỡng sinh trong thời gian xuất viện.

Cách chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà: hướng dẫn người bệnh muốn ngồi dậy nên nghiêng về phía hậu môn nhân tạo để tránh phân tràn qua vết mổ. Hướng dẫn cách tự thay túi hậu môn nhân tạo thành thạo trước khi người bệnh về nhà. Hướng dẫn người bệnh cách tắm, cách xử trí khi bị táo bón, cách thụt tháo hậu môn nhân tạo. Hướng dẫn người bệnh tái khám khi có các dấu hiệu bất thường về hậu môn nhân tạo như: hậu môn nhân tạo tụt vào trong, hậu môn nhân tạo lòi ra ngoài, chảy máu, tái khám đúng hẹn để đóng hậu môn nhân tạo.

Phát hiện sớm tình trạng tắc ruột tái phát, hướng dẫn người bệnh triệu chứng tắc ruột như: đau bụng từng cơn, bí trung đại tiện, bụng chướng. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh không được ăn uống và đến bệnh viện ngay.

Dinh dưỡng: khi về nhà người bệnh không kiêng cữ, ăn nhiều chất dinh dưỡng. Nếu người bệnh có hậu môn nhân tạo nên nhai kỹ chất xơ để tránh tình trạng nghẹt phân ở miệng hay ở ruột. Uống nhiều nước tránh táo bón. Tránh các thức ăn có mùi khi cần ra ngoài sinh hoạt trong cộng đồng.

 

LƯỢNG GIÁ

Người bệnh không có dấu hiệu tắc ruột tái phát.

Người bệnh ăn uống được. Người bệnh biết cách ăn uống sau mổ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sally Brozenac. Nursing care of patients with disorders of the lower gastrointestinal system, in Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice 2nd ed., WB Saunders company (1998): 1074.

Margaret Heitkemper, Linda Sawchuck, Nursing role in Management Problems of Absorption and Elimination, in Medical Surgical Nursing 4th ed, Lewis Collier Heitkemper/MOSBY (1992): 1235–1240.

Debra C. Broadwell. Gastrointestinal System, in Mosby's Manual of Clinlcal Nursing, 2nd ed., Mosby Company (1986): 791–794.

Lê Quang Nghĩa. Tắc ruột, Bài giảng bệnh học ngoại khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (1998), trang 237.

Đỗ Đình Công, Tắc ruột cơ học, Bài giảng bệnh học ngoại khoa tiêu hoá. Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, NXB Y học, (2001): 125.

Chăm sóc ngoại khoa (Tài liệu thí điểm giảng dạy điều dưỡng trung học). Đề án hỗ trợ hệ thống đào tạo 03–SIDA, Hà Nội, 1994, 34.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top