✴️ Chăm sóc người bệnh mổ trĩ

Nội dung

BỆNH HỌC

Trĩ là giãn và sưng tĩnh mạch trực tràng. Trĩ nội nhô ra nhưng vẫn còn nằm trong ống hậu môn và có bao phủ lớp màng nhầy. Trĩ ngoại nhô ra ở hậu môn và bao phủ bởi da của bên ngoài hậu môn.

 

SINH BỆNH HỌC

Ứ máu trong hệ thống tĩnh mạch hậu môn được tin rằng là vai trò cơ bản trong sự phát triển trĩ. Vì thế, việc đại tiện phải rặn khi phân quá cứng, ngồi rặn lâu trên bồn cầu, làm nặng, phụ nữ mang thai, u đại trực tràng, bụng chướng đều dẫn đến nguy cơ bị trĩ.

 

DỊCH TỄ HỌC

Trĩ phổ biến ở mọi xứ sở và tỷ lệ người mắc bệnh khá cao. Đa số gặp trĩ ở người lớn tuổi và không gặp ở trẻ em, nam gấp đôi nữ.

 

YẾU TỐ THUẬN LỢI

Viêm đại tràng mạn tính và táo bón kinh niên, rặn đi đại tiện nhiều.

Tăng áp lực trong xoang bụng ở những người bệnh giãn phế quản, ho nhiều, lao động nặng.

Do nghề nghiệp như tư thế đứng quá lâu, ngồi quá lâu, đây cũng là bệnh nghề nghiệp. Do chẹn tĩnh mạch như các bệnh ung thư đại trực tràng, thai lớn tháng.

 

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng của trĩ nội là không đau và chảy máu sau khi đi cầu. Máu đỏ tươi dính theo phân, hay thấm qua giấy vệ sinh. Nếu xảy ra lâu đôi khi người bệnh có nguy cơ thiếu máu. Trĩ ngoại xuất hiện cục hồng, đỏ nằm ở rìa hậu môn. Nếu có tắc mạch trĩ có máu, sưng, đau và màu xanh. Ngứa là dấu hiệu phổ biến của trĩ ngoại.

Có 4 mức độ sa trĩ:

Độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.

Độ 2: búi trĩ nằm trong ống hậu môn nhưng khi rặn đại tiện thì búi trĩ lòi ra ít và sau đó trở về bình thường

Độ 3: đại tiện, đi lại nhiều, ngồi xổm, ho, khuân vác nặng búi trĩ sẽ sa, phải dùng tay đẩy mới vào.

Độ 4: búi trĩ thường xuyên nằm bên ngoài ống hậu môn.

 

QUẢN LÝ

Điều trị trĩ không phức tạp và thường là điều trị triệu chứng. Thực hiện thuốc bôi có chất giảm đau và tê búi trĩ. Uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, thực hiện thuốc làm mềm phân, phòng ngừa táo bón.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Điều trị nội khoa

Thoa thuốc giảm đau, thuốc tê, kháng sinh, thuốc nhuận tràng làm mềm phân. Vệ sinh tại chỗ bằng phương pháp ngâm hậu môn.

Chế độ sinh hoạt: tránh hoạt động gắng sức, tránh tư thế ngồi hay đứng quá lâu, không để táo bón.

Chế độ dinh dưỡng: ăn thức ăn nhuận tràng, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước. Tránh thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, các chất kích thích như rượu, cà phê, trà.

Thuốc: thường có tác dụng giảm đau, chống phù nề, co thắt, chống đông và thường tác dụng tại chỗ.

Điều trị ngoại khoa

Tiêm dung dịch làm xơ hoá búi trĩ: chích nước sôi, phenol 5%, Polidocanol.

Thường áp dụng cho trĩ nội độ 1, độ 2. Biến chứng là làm loét qua mô cơ lành, nhiễm trùng, phản ứng thuốc.

Liệu pháp làm đông nhiệt bằng tia hồng ngoại: dùng một bóng đèn Tungsten halogen phát ra tia hồng ngoại hội tụ trên búi trĩ gây hiện tượng viêm, phá huỷ và tạo sẹo vùng chiếu tia.

Thắt búi trĩ bằng dây thun: búi trĩ thiếu máu nuôi, xơ cứng, hoại tử và rụng sau khoảng 7 ngày.

Làm lạnh: nguyên tắc là dùng độ lạnh với nhiệt độ – 1200C của que được làm bằng dung dịch nitrogen, carbon dioxid, lạnh làm hoại tử và rụng giúp sẹo mềm, đẹp, không đau.

Giải phẫu cắt trĩ:

Phương pháp Whitehead: cắt bỏ một khoanh vòng niêm mạc ống hậu môn có búi trĩ nội. Phương pháp Milligan Morgan: cắt riêng từng búi.

Phương pháp Longo: nguyên tắc phẫu thuật này là dùng máy khâu vòng cắt và khâu nối 1 đoạn niêm mạc trên đường lược 2–3cm với mục đích treo đám rối trĩ vào vị trí ống hậu môn.

 

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRĨ

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Hỏi: người bệnh có đau vùng hậu môn trực tràng, ngứa, chảy máu không. Ghi chú mức độ nặng sa búi trĩ.

Khám: độ sa búi trĩ theo tư thế người bệnh khi ngồi, đứng.

Xác định loại trĩ và nguyên nhân để hướng dẫn giáo dục người bệnh.

Đánh giá mức độ đau, số lượng máu ra, mức độ sa, độ ẩm của búi trĩ, đánh giá chất nhầy là máu hay chất nhầy. Quan sát da niêm để đánh giá mức độ thiếu máu. Quan sát màu sắc niêm mạc trĩ ngoại.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Người bệnh đau do nhiễm trùng búi trĩ hay do tắc mạch

Chuẩn bị người bệnh giúp bác sĩ thực hiện khám hay soi trực tràng. Nên cho người bệnh ngâm mông

ngày 2–3 lần và sau khi đại tiện bằng nước ấm (thời gian ngâm 10–15 phút, nhiệt độ nước 40–450C) giúp máu tới vùng chậu, giảm phù nề và giảm đau. Đặt thuốc hay bơm thuốc chống co thắt, chống đau theo y lệnh

điều trị giúp người bệnh dễ chịu, thoải mái. Thực hiện thuốc giảm đau. Lượng giá mức độ đau, tính chất, ngưỡng đau, mất thoải mái trước và sau khi dùng thuốc. Dùng túi hay gối thấm dịch đặt dưới mông người bệnh. Khuyến khích người bệnh tắm ngồi giúp thoải mái và sạch. Dùng túi lạnh đặt vào búi trĩ giúp bớt sung huyết.

Người bệnh trĩ do táo bón

Người bệnh đi đại tiện ngay, nhanh, không ngồi lâu, không cố gắng. Duy trì đủ nước trong ngày, thức ăn nhuận tràng. Khuyến khích người bệnh vận động, thể dục. Thực hiện thuốc nhuận tràng làm mềm phân vì người bệnh có thể sợ đau khi đại tiện. Theo dõi người bệnh xem có đau khi đại tiện không, đánh giá mức độ chảy máu.

Chảy máu sau khi đi cầu

Lấy dấu chứng sinh tồn, nếu thấy máu ra quá nhiều. Quan sát phân có máu không. Đánh giá dấu hiệu thiếu máu, dấu chảy máu quanh hậu môn. Khám da niêm đánh giá dấu hiệu thiếu máu. Thực hiện thuốc nhuận tràng làm mềm phân, tránh phân cứng làm rách mạch máu.

Người bệnh lo lắng trước mổ

Điều dưỡng cho người bệnh đại tiện, vệ sinh sạch vùng hội âm. Chú ý cách ngâm rửa hậu môn tránh nhiễm trùng. Thực hiện thuốc kháng sinh trước mổ nếu có tình trạng nhiễm trùng. Cung cấp thông tin về phẫu thuật, về các chăm sóc sau mổ như thay băng vết thương, đau sau mổ, tình trạng người bệnh đi cầu, ngâm mông, chế độ ăn uống.

 

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH MỔ TRĨ

NHẬN ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH

Sau mổ trĩ người bệnh rất đau. Điều dưỡng nhận định và đánh giá mức độ đau.

Đánh giá số lượng máu chảy mỗi 2–4 giờ trong 24 giờ sau mổ qua gạc cầm máu, có thấm băng, mùi.

Nhận định tình trạng vết thương, dấu hiệu nhiễm trùng, sưng nề, mùi, màu sắc.

Đánh giá mức độ vận động người bệnh ngồi hay nằm,…

Thẩm định nỗi lo lắng của người bệnh về đại tiện sau mổ trĩ. Hỏi người bệnh về tình trạng đi tiểu có khó khăn không. Theo dõi dấu chứng sinh tồn.

Khám: băng thấm máu không? Có gạc cầm máu? Dấu hiệu sưng nề.

 

CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU DƯỠNG

Nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật trĩ

Phát hiện sớm dấu hiệu chảy máu và cần chăm sóc tốt, nếu người bệnh mổ trĩ về trong ngày, điều dưỡng cần theo dõi chảy máu trong những giờ đầu; sau đó hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc tại nhà như theo dõi chảy máu sau mổ, quan sát băng có thấm ướt máu không. Cần đánh giá tình trạng mất máu, thường điều dưỡng sẽ chuẩn bị người bệnh để phẫu thuật viên phẫu thuật cầm máu cho người bệnh. Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh ngâm rửa hậu môn với nước muối sinh lý ấm ngày 3 lần và sau khi đại tiện, tái khám khi có dấu hiệu đau tăng lên. Nếu phẫu thuật viên có nhét gạc vào hậu môn cầm máu thì gạc này được rút sau 24 giờ. Trước khi rút gạc nên cho người bệnh ngâm mông vào nước ấm giúp gạc mềm để khi rút tránh nguy cơ chảy máu. Để phòng ngừa nguy cơ chảy máu do người bệnh bị táo bón sau mổ, điều dưỡng hướng dẫn người bệnh ăn thức ăn mềm, tránh thức ăn nhiều xơ. Để tránh táo bón nên hướng dẫn người bệnh ăn thức ăn nhuận tràng và uống nhiều nước.

Đau sau cắt trĩ

Thực hiện thuốc giảm đau theo giờ. Tìm tư thế giảm đau thích hợp, nên cho người bệnh tư thế nằm ngửa, tránh tư thế ngồi quá lâu, thoa thuốc giảm đau tại chỗ. Tái khám khi có dấu hiệu đau tăng lên. Ngâm nước ấm giúp người bệnh giảm đau, thoải mái. Thay băng khi thấm ướt, tốt nhất nên ngâm hậu môn giúp vết mổ sạch sẽ, giảm đau. Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn thức ăn nhẹ trong những ngày đầu để tránh phân cứng làm người bệnh đau, dùng giấy mềm sạch sau khi đại tiện để tránh đau và chảy máu, tốt nhất nên rửa sạch bằng nước.

Người bệnh lo lắng khi đại tiện sau mổ

Hướng dẫn người bệnh chế độ ăn, thức ăn mềm, ít chất bã; đi lại, vận động, uống nhiều nước. Sau khi đại tiện tránh sử dụng giấy quá cứng, nên ngâm hậu môn sau khi vệ sinh sạch sẽ. Khi có dấu hiệu chảy máu hay đau nên tái khám ngay. Nếu trường hợp người bệnh đi cầu phân cứng hay táo bón nên thăm khám lại bác sĩ và thực hiện thuốc nhuận tràng.

Người bệnh khó chịu do vết thương vùng hậu môn

Hướng dẫn người bệnh ngâm rửa hậu môn ngày 3 lần, sau khi ngâm nên lau khô sạch, sau đó có thể dùng băng vệ sinh để hút thấm dịch, giữ sạch sẽ vùng hậu môn tránh sử dụng băng keo, hay băng quá kín.

Người bệnh lo lắng về vận động sau mổ

Hướng dẫn người bệnh vận động, đi lại bình thường, nên đi bộ thường xuyên, tập vận động để tránh bị táo bón.

Người bệnh có nguy cơ bị trĩ tái phát

Giáo dục người bệnh tránh táo bón như tập đại tiện đúng giờ, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, thể dục, vận động. Tránh làm việc trong một tư thế quá lâu, vệ sinh sau khi đại tiện.

 

GIÁO DỤC NGƯỜI BỆNH

Với người bệnh nằm viện: hướng dẫn cho họ cách ngâm rửa mông sau khi đại tiện và trước khi thay băng. Hướng dẫn người bệnh về dinh dưỡng như uống nhiều nước, thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều trái cây.

Khi xuất viện: hướng dẫn người bệnh tái khám đúng hẹn, tránh táo bón, cho người bệnh vận động, đi lại nhiều. Hướng dẫn người bệnh các động tác nên làm như tránh tư thế ngồi lâu, tránh tư thế đứng quá lâu, tránh rặn khi táo bón, tránh các động tác quá sức, tập đi đại tiện đúng giờ. Nếu người bệnh thấy có các dấu hiệu như đại tiện ra máu, chảy dịch ở hậu môn, đại tiện không tự chủ thì đến tái khám ngay. Không được đến những thầy lang không có chuyên môn y khoa điều trị.

 

LƯỢNG GIÁ

Người bệnh đại tiện bình thường, không bị biến chứng sau mổ. Dinh dưỡng tốt, uống nhiều nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sally Brozenec. Nursing care of patients with disorders of the lower Gastrointestinal system, in Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice, 2nd ed., WB Saunders company (1998): 1096– 1097.

Margaret Heitkemper, Linda Sawchuck, section 8, chapter 40, Nursing role in Management Problems of Absorption and Elimination, four Edition, Lewis Collier Heitkemper/MOSBY 1992, 1254– 1255.

Debra C. Broadwell, Gastrointestinal System, chapter 8, Mosby's Manual of Clinical Nursing, the C,V, Mosby Company, second Edition, 1986, 836–837.

Chăm sóc Ngoại khoa (Tài liệu thí điểm giảng dạy điều dưỡng trung học). Đề án hỗ trợ hệ thống đào tạo 03– SIDA, Hà Nội, 1994, trang 59.

Dương Phước Hưng, Bệnh trĩ. Bài giảng bệnh học ngoại khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 1998, trang 355–367.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top