✴️ Chăm sóc vết thương (Phần 1)

Nội dung

CHỨC NĂNG BÌNH THƯỜNG CỦA DA

Da phủ bên ngoài cơ thể. Nó là cơ quan lớn nhất của cơ thể có chức năng bảo vệ, cảm giác, và điều hoà. Sự phá vỡ tình trạng nguyên vẹn của da có thể gây trở ngại những chức năng quan trọng này.

Một vết thương là sự mất tình trạng nguyên vẹn của da. Một vết thương do tai nạn có thể xảy ra khi da bị tiếp xúc với nhiệt độ, độ pH, các tác nhân hóa học, áp lực tác động quá lớn, sự ẩm ướt, sự va chạm, chấn thương, bức xạ. 

Vết rạch da là một loại vết thương được tạo ra một cách có chủ đích như một phần của việc điều trị bằng phẫu thuật. 

Dù nguyên nhân gây ra vết thương là gì đi nữa thì cơ thể đều đáp ứng với bất cứ tổn thương nào bằng một quá trình phục hồi phức tạp gọi là quá trình lành vết thương. 

Khả năng của cơ thể để bảo vệ chính nó khỏi tác động của môi trường phụ thuộc phần lớn vào tình trạng nguyên vẹn của hệ da. Da góp phần vào các hoạt động chuyển hoá và giữ một phần quan trọng trong sự hằng định nội môi. Việc nhắc lại cấu trúc và chức năng của da cung cấp một kiến thức cơ bản cho việc hiểu biết về tầm quan trọng của việc chăm sóc da và vết thương của người  điều dưỡng.

 

CẤU TRÚC CỦA DA

Các lớp da

Lớp biểu bì: là lớp ngoài cùng của da, không có mạch máu, và sự dinh dưỡng của nó dựa vào lớp bì. Lớp biểu bì được biệt hoá để tạo thành lông, móng, và các cấu trúc tuyến. Biểu bì được tạo thành bởi sự sắp xếp nhiều lớp tế bào biểu mô lát tầng sừng hoá. Lớp mỏng, ngoài cùng nhất của biểu bì (lớp sừng) bị tróc ra liên tục trong quá trình sống gọi là sự tróc vảy. Tế bào chính của biểu bì là tế bào Keratinocyte, sản xuất ra keratin, là nguyên liệu chính trong lớp lều của các tế bào. Các lớp cơ bản của biểu bì chứa các tế bào melanocyte, sản xuất melanin, chất tạo màu cho da.

Lớp bì: dưới lớp biểu bì, là lớp da dày nhất. Nó được cấu thành bởi mô liên kết gồ ghề và có rất nhiều mạch máu. Tế bào chính của lớp bì là tế bào sợi, sản xuất các protein collagen và elastin. Các mạch bạch huyết và các mô thần kinh được tìm thấy ở lớp bì. Là lớp chủ yếu của da nâng đỡ và cung cấp chất dinh dưỡng cho lớp biểu bì.

Mô dưới da: nằm dưới lớp da. Nó bao gồm chủ yếu là mỡ và các mô liên kết nâng đỡ cho da.

Các phần phụ của da

Các phần phụ của da gồm: lông, móng, các tuyến mồ hôi, và các tuyết  bã nhờn. 

Lông bao gồm các sợi keratin và phát triển trên toàn bộ bề mặt da, ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Móng được tạo bởi sự phân chia nhanh chóng của các tế bào biểu bì trong giường móng. Lông và móng không có các đầu tận cùng thần kinh hay sự phân phối mạch máu.

Các tuyến mồ hôi được phân bố khắp cơ thể, giúp vận chuyển mồ hôi ra ngoài bề mặt da.

Các tuyến bã nhờn tiết ra chất nhờn, bôi trơn lớp ngoài cùng của da. Các tuyến này được tìm thấy tập trung nhiều nhất trên vùng đầu và ngực.

 

CHỨC NĂNG CỦA DA

Bảo vệ   

Da nguyên vẹn bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương vật lí và hoá học.

Da khi nguyên vẹn là một rào cản bảo vệ sự xâm nhập của vi sinh vật, ngăn chặn sự nhiễm trùng.

Các rào cản có chức năng bảo vệ là tế bào Langerhan và Keratinocyte trong lớp biểu bì và đại thực bào và tế bào mast bên dưới  của lớp biểu bì.

Melanin cũng có vai trò bảo vệ khỏi các tia cực tím của mặt trời. 

Ngoài ra, chất nhờn, được tiết ra bởi các tuyến bã nhờn, tạo cho da một pH acid làm chậm sự phát triển của vi sinh vật. 

Điều hoà nhiệt

Thông qua sự giãn và co các mạch máu trong lớp bì, da giúp cho việc điều hoà thân nhiệt và điều chỉnh so với những thay đổi của nhiệt độ ở môi trường ngoài. Sự co mạch, run giật cơ giúp cơ thể duy trì nhiệt độ của nó trong các môi trường lạnh. Sự giãn mạch, ra mồ hôi làm hạ nhiệt cơ thể thông qua sự bốc hơi và phân tán nhiệt trong môi trường nóng. 

Cảm giác

Da chứa mạng lưới thần kinh cảm nhận cảm giác đau, ngứa, sự rung lắc, nóng và lạnh. Những đầu tận cùng dây thần kinh này được chứa trong lớp bì. Những sợi lông nhỏ trên bề mặt cơ thể cũng cung cấp cảm giác nhờ thần kinh cảm giác xung quanh các nang lông. 

Chuyển hóa

Từ các tia cực tím của mặt trời, da tổng hợp được vitamin D. Vitamin D rất cần thiết cho việc hấp thu hiệu quả calci và phospho. 

Liên lạc

Da còn có nhiệm vụ truyền giao sự cảm nhận thông qua biểu hiện của khuôn mặt, hình dáng bên ngoài. Da mặt và các cơ bên dưới biểu lộ những cảm xúc: cau mày, chớp mắt, nháy mắt như ra hiệu và những thông điệp không bằng lời khác.

Da giữ một vai trò quan trọng cho việc biểu hiện một số vẻ về hình dáng của cơ thể và sự hấp dẫn. Da, lông và móng cũng thường được trang trí và biểu hiện sự khác nhau về văn hóa, giới tính.

 

CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA DA BÌNH THƯỜNG

Màu sắc

Màu sắc bình thường của da khác tùy theo các chủng tộc, phụ thuộc vào sự sản sinh và tích lũy melanin. Càng có sự tích lũy melanin nhiều đến đâu thì da càng sậm màu. ở các chủng tộc da sậm màu hơn, các tế bào melanocyte sản xuất nhiều melanin hơn khi da bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Màu sắc của da dao động từ màu nâu rám nắng đến màu nâu sậm hay đen. Màu sắc da của các chủng tộc có màu sáng hơn cũng dao động từ trắng ngà đến hồng. Các vùng có sự sản sinh quá nhiều sắc tố da, như tàn nhang, thường xảy ra ở những người có da sáng. Một số chủng tộc có da màu vàng hay màu olive. Trong tất cả mọi người, những vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như mặt và cánh tay, có thể sẫm màu hơn những vùng khác.

Nhiệt độ

Da thường ấm. Tuy nhiên các vùng ngoại biên như bàn chân, bàn tay có thể mát nếu có sự co mạch trong da xảy ra.  

Độ ẩm

Thông thường, da khô nhưng hơi ẩm ở những vùng nếp da như khuỷu, bẹn... Sự ẩm ướt có thể được cảm thấy trên da nếu người đang ở nơi có khí hậu nóng hay vừa mới tập thể dục. Sự lo lắng có thể làm tăng độ ẩm của da ở nách hay lòng bàn tay, bàn chân.

Bề mặt ngoài và bề dày

Bề mặt ngoài của da không được tiếp xúc thường trơn láng. Những vùng da phải tiếp xúc cọ xát hay va chạm (ví dụ như lòng bàn chân hay lòng bàn tay) có thể nhám hay phì đại. 

Sự tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời, tuổi tác, và hút thuốc cũng làm cho da kém trơn láng. Độ dày của da khác nhau tùy thuộc vào vị trí trên cơ thể. Da ở lòng bàn chân có thể dày 1/4 inch, nhưng da phủ trên mi mắt chỉ dày 1/50 inch.

Thông thường, da có sự đàn hồi tốt, nhanh chóng trở lại hình dạng bình thường khi bị véo bằng giữa ngón cái và ngón trỏ (<3 giây). Đặc tính này gọi là sự căng da. Khi một người già đi thì sự căng da thường giảm. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sự căng da, như là sự mất dịch.

Mùi

Da thường không có mùi. Một mùi hăng thì thường ngửi thấy khi có sự ra mồ hôi đặc biệt là ở vùng nách và bẹn.

 

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ NHỮNG THAY ĐỔI CỦA DA THEO LỨA TUỔI 

Da thay đổi tùy theo lứa tuổi. 

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Da của trẻ sơ sinh mỏng hơn và nhạy cảm hơn so với trẻ lớn. Các mạch máu bề mặt rất dễ thấy đến nỗi nó tạo một màu đỏ đặc trưng cho da của trẻ  sơ sinh.
  • Chỉ có tuyến bã nhờn là hoạt động trong suốt thời gian đầu của trẻ.
  • Lông mịn được gọi là lông tơ bao phủ cơ thể của trẻ sơ sinh. Lông tơ bị mất trong suốt những tuần đầu của cuộc sống và được thay bằng một tổ chức và màu sắc lông khác nhau.
  • Ở những trẻ có móng tay và móng chân dài và mỏng thì thường dễ làm  trầy làn da mỏng manh của chúng.
  • Da của trẻ em dễ bị phồng rộp, trầy xước, phát ban (ửng đỏ) do cọ xát hay ngứa. Sự tiếp xúc với môi trường nóng, ẩm ướt có thể dẫn đến rôm sảy và việc tắm thường xuyên có thể gây khô da và dẫn đến các bệnh về da.
  • Sự tiếp xúc với nhiệt độ môi trường lạnh có gây hạ thân nhiệt vì ở trẻ em khả năng điều hòa thân nhiệt kém. Sự viêm da và nhiễm khuẩn có thể gây ra do sự tiếp xúc với các tã lót bị bẩn.

Trẻ trong giai đoạn niên thiếu và trẻ vị thành niên

  • Trong suốt giai đoạn của tuổi vị thành niên, lông ở vùng mu, nách và các phần khác trên cơ thể xuất hiện. Sự rối loạn thông thường nhất của da trong giai đoạn tuổi vị thành niên là mụn thiếu thẩm mỹ (phổ biến). Khi tuyến bã nhờn mở rộng trong giai đoạn tuổi dậy thì, sự sản xuất chất nhờn tăng. Các thương tổn do mụn gây ra do sự bít các tuyến bã nhầy lông. Thương tổn được tạo thành chủ yếu ở mặt, cổ, lưng, ngực, và vai. Vì giai đoạn tuổi vị thành niên là giai đoạn chú ý đến hình dáng bên ngoài, vì vậy tình trạng mụn có thể gây cho trẻ sự lo lắng.

Người lớn và người già

  • Những thay đổi của da là một phần của quá trình lão hoá bình thường. Khi da lão hoá, nó thường trở nên mỏng hơn vì nó mất đi lớp bì và khối mỡ dưới da. Vì tuyến bã nhờn và mồ hôi hoạt động kém hơn, nên da khô hơn bình thường. Nếp nhăn và sự căng da kém là do mất sự thay đổi các sợi elastin và collagen ở mô liên kết ở lớp bì. 
  • Sự tuần hoàn đến da bị giảm, và quá trình lành vết thương cũng chậm hơn. 
  • Móng cũng có thể trở nên dày hơn, cứng và dễ gãy.
  • Lông có thể mất sắc tố và trở nên xám. 
  • Ngứa thường xảy ra ở người già, do da khô và da bị tróc vảy. 
  • Da có nếp nhăn, xảy ra chủ yếu ở chung quanh cổ, mí mắt và nách. Các đốm tàn nhan là những thay đổi về màu da xảy ra ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Mặc dù nhiều thay đổi của da là lành tính nhưng người lớn tuổi phải thường xuyên kiểm tra định kỳ da của họ để phát hiện các bất thường như u hắc tố, một loại ung th da. Những bất thường này thường xuất hiện ở các nốt ruồi đã có từ trước (Jackson, 1998).

 

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỨC NĂNG CỦA DA

Tuần hoàn

Lưu lượng máu đến da đầy đủ là cần thiết cho sự sống và sức khỏe của mô. Sự cung cấp dịch đến da đầy đủ đòi hỏi 4 yếu tố:

Tim phải có khả năng bơm hiệu quả.

Thể tích tuần hoàn phải đủ.

Các động mạch và tĩnh mạch phải có chức năng tốt.

Bất kì sự thay đổi một yếu tố nào trong các yếu tố này đều có thể dẫn đến da có sự bất thường về màu sắc, hình dạng, độ dày, độ ẩm, và nhiệt độ, hay bị loét.

Dinh dưỡng

Một chế độ ăn cân bằng tốt làm da khỏe. Với một chế độ ăn thiếu protein hay calo, lông, tóc trở nên xơ và khô và có thể bị gãy. Da cũng trở nên khô và dễ bong ra từng mảng.

Lượng thức ăn cung cấp đầy đủ các vitamin A, B6, C và K, Niacin, Riboflavin là rất quan trọng để ngăn ngừa những thay đổi bất thường của da. 

Lượng thức ăn cung cấp đầy đủ chất sắt, đồng, và kẽm là rất quan trọng để ngăn ngừa những bất thường về sắc tố da và những thay đổi của lông, móng.

Lối sống và các thói quen

Việc vệ sinh cá nhân khác nhau nhiều đối với các dân tộc và nền văn hóa của các nước. Thiếu sự sạch sẽ có thể cản trở sự khỏe mạnh của da, vì việc tắm rửa giúp loại bỏ các mảnh tế bào da bị chết, vi khuẩn, và mồ hôi từ da và giữ cho các lỗ chân lông được thông thoáng. 

Việc tiếp xúc nhiều với tia tử ngoại, bức xạ của ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo sẽ làm biến đổi các đặc điểm của da bao gồm nhăn nheo, thay đổi hình dạng cấu trúc của da, nguy cơ ung thư da.

 

TÌNH TRẠNG CỦA BIỂU BÌ

Để duy trì chức năng bảo vệ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Việc duy trì độ ẩm tự nhiên cho da là cần thiết vì sự khô ráo bất thường có thể gây ra nứt nẻ da làm tăng nguy cơ cho sự xâm nhập của các vi sinh vật.

Sự dị ứng

Các phản ứng dị ứng của da là các đáp ứng với tổn thương được kích hoạt trung gian qua sự phóng thích histamin. Các tác nhân gây ngứa hay sưng tấy có thể gây ra các phản ứng. 

Các tác nhân này có thể là các tác nhân hoá học (ví dụ: kem dưỡng da, găng tay latex, bột giặt (chất tẩy rửa) hay các loại cây trồng như chất độc của cây thường xuân, cây sồi) hay cơ học (ví dụ: chà vào một vật gây ngứa: như  cuộn len). Thực phẩm và thuốc cũng có thể gây các phản ứng đối với da. 

Viêm da, một tình trạng viêm nhiễm của da, thường nhất là gây ra các tổn thương ở vùng bì và thượng b

bì hay tình trạng ngứa, sưng tấy đi kèm với đau, ngứa, phồng rộp. Viêm da mãn tính gây ra những thay đổi ở lớp thượng bì như dày lên, sẹo, và tăng sắc tố da. Việc điều trị tập trung vào việc loại bỏ các nguyên nhân tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và có thể bao gồm cả việc dùng thuốc qua da hay uống các thuốc chống dị ứng. 

Sự nhiễm trùng

Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, hay vi nấm có thể ảnh hưởng đến tình trạng nguyên vẹn của da. Các vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus và Staphylococcus là những vi khuẩn gây nhiễm trùng da nhiều nhất. Bệnh chốc lở thường gây ra bởi nhóm liên cầu khuẩn tán huyết nhóm B.

Nhiễm trùng da gây ra bởi virus Herpes là nguyên nhân gây tổn thương da bởi virus phổ biến nhất. Vị trí thường gặp là ở môi, mặt, miệng và bộ phận sinh dục. Các loại bệnh cộng đồng ở trẻ em do virus gây ra thường là chứng phát ban. Ngứa thường đi kèm với các chứng phát ban này và có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát.

Các loại nhiễm trùng do nấm gây ra có thể gây nhiễm trùng ở vùng da tay chân (nấm ở lòng bàn tay, bàn chân), ở da đầu (nấm da đầu), ở vùng sinh dục (nấm bẹn?) và ở móng (nấm móng). Các nhiễm trùng do nấm candida thường xảy ra sau những đợt điều trị kháng sinh hay thuốc ức chế miễn dịch.

Tốc độ phát triển không bình thường

Khi da phát triển với tốc độ không bình thường do những tiến triển theo hướng ác tính hay không ác tính, thì tình trạng nguyên vẹn bình thường của da sẽ bị mất. 

Bệnh vẩy nến là một bệnh không ác tính, tình trạng rối loạn mãn tính là việc tốc độ tăng sinh của da tăng rất nhanh, bình thường tốc độ thay thế của lớp biểu bì là 14 đến 20 ngày thì bây giờ đã tăng lên chỉ còn 3-4 ngày. Khuỷu tay, đầu gối, da đầu, lòng bàn chân là những vị trí thường gặp của bệnh vẩy nến. 

Khối u lành tính hay ác tính cũng ảnh hưởng đến tình trạng nguyên vẹn của da. Hầu hết các khối u lành tính là do nhiễm virus hay do lớn tuổi. Hầu hết các thương tổn ác tính là do sự tiếp xúc lâu dài với tia cực tím.

Các bệnh toàn thân

Nhiều bệnh mãn tính có thể gây ra tình trạng bất thường hay loét cho da. Bệnh viêm ruột, bệnh pemphigus (bệnh tạo các mụn nước trên da) và bệnh về mạch máu ngoại vi.

Chấn thương

Vết thương là sự tổn thương da và các tổ chức dưới da, kể cả xương và phủ tạng do tai nạn, va chạm, đè ép, đụng giập hoăc do phẫu thuật gây ra.

Bất cứ chấn thương nào ở da, như một vết thương, tạo một nguy cơ làm mất sự nguyên vẹn của da. Vết thương có thể được chia thành những loại sau: 

Các vết thương gây ra do tai nạn

Các vết thương này thường là trầy xước, vết rách, vết thương thủng. Sự cọ xát làm xước lớp biểu mô, để lộ lớp biểu bì và lớp bì. 

Vết rách là một vết thương hở hay vết cắt. Hầu hết các vết rách thường chỉ ảnh hưởng đến các lớp da ở trên và lớp mô dưới da ở bên dưới. 

Tổn thương cũng có thể xảy ra ở các cấu trúc bên trong như cơ, gân, mạch máu, hay các dây thần kinh. Các vết thương do tai nạn liên quan đến xe cộ, máy móc, hay dao có thể gây ra các vết rách. Vết thương xuyên thủng được tạo ra do một vật sắc nhọn đâm thủng qua mô, điều này có thể gây tổn thương đến các cấu trúc nằm ở bên dưới. 

Các vết thương gây ra do phẫu thuật

Các vết thương gây ra do phẫu thuật khác nhau từ đơn giản như chỉ ở bề mặt (ví dụ: vết mổ cắt tuyến giáp) đến các vết mổ sâu (ví dụ: vết mổ ở bụng trong viêm phúc mạc). Các vết thương gây ra do phẫu thuật có thể được chia thành nhiều loại. Tình trạng nghiêm trọng của vết thương ảnh hưởng đến thời gian lành vết thương, mức độ đau, khả năng gây ra các biến chứng, sự hiện diện của các ống dẫn lưu. 

Các lỗ mở phẫu thuật là các lỗ mở trong thành bụng cho phép một phần của một cơ quan nào đó được mở ra lên trên da. Bất cứ bệnh nào về nội khoa như ung thư ruột, ung thư bàng quang hay viêm ruột cũng có thể cần phải có lỗ mở. Vì vậy, da xung quanh lỗ mở có thể phải tiếp xúc liên tục với phân, nước tiểu, các dịch ruột, nên có thể làm tăng sự viêm tấy da nếu không sử dụng các dụng cụ quản lý các chất tiết thích hợp với từng loại lỗ mở.

Các loại vết thương

Tùy theo nguyên nhân gây ra vết thương có thể phân loại vết thương  như sau:

Sự phơi bày quá mức

Sự phơi bày quá mức với nhiệt độ, điện, các hoá chất ăn da hay bức xạ có thể dẫn đến tổn thương các da và mô. 

Mức độ bỏng từ những tổn thương nhỏ đơn giản như cháy nắng (rám nắng) đến những thương tổn lớn hơn như gây ra ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. Mức độ tổn thương tuỳ thuộc vào loại vết bỏng, độ sâu và rộng của vết bỏng, và tình trạng sức khỏe của người bệnh trước khi bị bỏng. Độ sâu hay nông của  vết bỏng. 

Một vết bỏng nông (trên bề mặt) (độ 1: biểu bì) có màu hơi hồng hay đỏ, không có bóng nước, ví dụ như cháy nắng nhẹ. 

Vết bỏng có độ dày từ vừa đến sâu (độ 2: lớp bì và bì sâu) có thể hồng, đỏ, hay xám ngà hay vàng nâu. Vết bỏng thường ướt với những bóng nước. Sự phơi bày (tiếp xúc) với hơi nước có thể gây ra vết bỏng kiểu này.

Một vết bỏng có độ dày lớn (độ 3) có thể khác nhau từ màu nâu hay đen đến màu đỏ bầm hay trắng như ngọc trai. Các mạch máu bị nghẽn, và có những bóng nước lớn. 

Một vết bỏng độ 4: vết bỏng này có vẻ khô và dai. Đôi khi cân, cơ hay xương bị tổn thương rộng.

Các vết bỏng do nhiệt, là loại thường gặp nhất, thường gây ra do tiếp xúc với các nguồn nhiệt khác nhau, bao gồm lửa cháy, các chất lỏng nóng, các bề mặt nóng, hay hơi.

Các vết bỏng do hoá chất thường gây ra do tiếp xúc với các chất độc hại. Số lượng mô bị tổn thương do hoá chất tuỳ thuộc vào độ đậm đặc của hoá chất và thời gian tiếp xúc. 

Sự nghiêm trọng của các vết bỏng do điện phụ thuộc vào dòng điện, điện áp (voltage), đường mà dòng điện đi qua cơ thể và thời gian tiếp xúc. 

Các vết bỏng do bức xạ xảy ra khi một người vô tình tiếp xúc với bức xạ hay khi bức xạ được sử dụng trong điều trị.

 

CHỨC NĂNG CỦA DA BỊ THAY ĐỔI

Những biểu hiện của việc chức năng của da bị thay đổi

Việc mất đi tình trạng nguyên vẹn của da có thể có những biểu hiện như đau, ngứa, phát ban, thương tổn, hay những vết thương hở; thường thì có nhiều hơn một triệu chứng. Bất kì sự gián đoạn nào trên lớp biểu bì của da đều biểu thị tình trạng nguyên vẹn của da bị thay đổi. Thường thì sự gián đoạn lớp biểu bì rất rõ rệt. Tuy nhiên, chỗ bị thương có thể nhỏ hơn và khó thấy.  

Đau

Khi các dây thần kinh ở trên da bị kích thích, người ta có thể cảm thấy đau. Sự thay đổi tình trạng nguyên vẹn của da có thể làm tăng số lượng xung động truyền dọc của các dây thần kinh này. 

Sự phá hủy lớp biểu bì và lớp bì sẽ tạo sự đau đớn dữ dội, đột ngột, và nhạy cảm cao nhưng điều này thường không rõ đối với những người bệnh bị mất cảm giác, hay với những chỗ loét tì đến các mô sâu hơn.

Ngứa

Ngứa là triệu chứng thường gặp đối với nhiều bệnh về da và toàn thân. Phần lớn các bệnh gây ngứa thường xảy ra đối với những người dễ bị viêm hay dị ứng. Ngứa thì thường gây ra các thương tổn thứ phát vì gãi sẽ gây trầy xước bề mặt da.

Phát ban (nổi mẩn)

Nhiều nguyên nhân, như là nóng quá, dị ứng, hay stress cũng có thể gây ra nổi mẩn (phát ban), là một thuật ngữ chung cho tình trạng phát ban tạm thời. Một tình trạng phát ban được mô tả tuỳ theo đặc điểm riêng của nó và sự phân bố trên bề mặt cơ thể.

Phát ban chấm là mức độ phát ban trên bề mặt da. 

Phát ban dạng nốt sần liên quan đến các nốt rắn nổi trên bề mặt da. 

Các nốt phát ban thông thường nổi khắp cơ thể, nhưng ngược lại một số trường hợp các nốt phát ban khu trú cục bộ ở một vài vùng đặc biệt. 

Ngứa thường đi kèm với phát ban.

Thương tổn

Một thương tổn là do sự mất đi cấu trúc hay chức năng của mô bình thường. Các thương tổn khác nhau về kích thước từ một thương tổn nhỏ khoảng 1mm, đến các thương tổn lớn đường kính nhiều centimet. Các thương tổn cũng được mô tả dựa trên các đặc điểm riêng và sự phân bố của chúng.

Mề đay, thường gây ra do côn trùng cắn, hay do phản ứng dị ứng, là vùng da bị phù, nhô lên trên và được định hình không đều. Chứng mề đay được hình thành do đáp ứng với sự giãn mao mạch và sự rò rỉ thụ động của huyết tương. 

Vết rộp, nốt mọng, và những nốt mụn mủ là sự nâng bề mặt da lên do sự hình thành dịch. Vết rộp có đường kính <1cm và chứa đầy huyết thanh. Một nốt mọng là một vết rộp có đường kính >1cm. Một nốt mụn mủ chứa đầy mủ hơn là huyết thanh.

Những thương tổn cũng có thể được phân loại theo hình dạng, sự sắp xếp, và sự phân bố. Các thương tổn nguyên phát phát sinh từ vùng da bình thường trước kia, còn những thương tổn thứ phát phát triển từ các thương tổn  nguyên phát. 

Sự lành vết thương

Khi có một vết thương thì sẽ xảy ra quá trình lành vết thương. Bản chất của quá trình lành giống nhau đối với các vết thương có độ sâu giống nhau, nhưng thời gian lành vết thương tuỳ thuộc vào vị trí và độ rộng của vết thương, tốc độ tái sinh của các tế bào bị tổn thương, và tổng trạng của người bệnh.

Các giai đoạn của quá trình lành vết thương

Da bị thương được gắn liền lại bằng sự tái sinh các mô liên kết. Nhiều tế bào có liên quan đến quá trình lành vết thương, một số tế bào sản xuất và phóng thích các hoá chất trung gian đợc gọi là các nhân tố phát triển. Các nhân tố phát triển giữ một vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương và đang được nghiên cứu về việc có thể sử dụng trong việc hồi phục vết thương tốt (Martin, 1997).

Giai đoạn viêm: 

Giai đoạn đầu tiên của quá trình lành vết thương trong một phần hay toàn bộ bề dày của vết thương là sự viêm. Tổn thương ở các mô sẽ làm thúc đẩy các đáp ứng của quá trình cầm máu, phù, và thu hút bạch cầu đến dưới nền của vết thương. Giai đoạn viêm kéo dài trong khoảng 3 ngày.

Giai đoạn tăng sinh: 

Trong quá trình lành toàn bộ bề dày của vết thương, sự tăng sinh xảy ra sau giai đoạn viêm. Mô hạt, bao gồm khối collagen được bao lấy bởi các đại thực bào, các nguyên bào sợi, các chồi mao mạch được sản sinh, lấp kín vết thương bằng mô liên kết. Các vết thương hở (khác với các vết thương đã được đóng kín phần lớn) phải chịu sự co cứng trong suốt giai đoạn lành vết thương này. Sự co rút có thể được nhận biết bởi tác dụng kéo của nó vào bên trong, dẫn đến việc giảm độ sâu và kích thước của vết thương. Giai đoạn tăng sinh kéo dài từ 4 ngày sau khi tổn thương đến khoảng 21 ngày đối với một vết thương  bình thường.

Giai đoạn trưởng thành: 

Giai đoạn cuối cùng của quá trình lành vết thương. Nó bắt đầu khoảng 3 tuần sau khi bị thương và có thể kéo dài đến 2 năm. Số lượng nguyên bào sợi giảm, sự tổng hợp collagen trở nên ổn định, các sợi collagen nhỏ tăng tổ chức, kết quả tạo nên sự căng bền lớn hơn đối với vết thương. Thông thường các mô sẽ đạt đến sức căng lớn nhất trong 10-12 tuần, tuy nhiên thậm chí sau khi lành vết thương hoàn toàn, cũng chỉ đạt được 70-80% sức căng bền so với lúc  ban đầu. 

Các kiểu lành vết thương

Các vết thương lành khác nhau tùy thuộc vào sự mất mô có xảy ra hay không. Các loại lành vết thương chính được phân loại như cách liền sẹo cấp một, cấp hai, và cấp ba. 

Cách liền sẹo cấp 1:

Các vết thương có mô bị mất rất nhỏ, như các vết mổ sạch, hay các vết khâu nông, vết thương sẽ lành theo kiểu liền sẹo cấp 1. Bờ của vết thương cấp 1 được kéo nhẹ lại với nhau, không nhìn thấy được các mô hạt, và sẹo thì thường rất nhỏ. Nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn.

Cách liền sẹo cấp 2:

Các vết thương mất toàn bộ bề dày của mô, như các vết cắt sâu, vết bỏng, vết loét tì, có bờ không kéo gần lại với nhau dễ dàng. Chúng lành theo cách liền sẹo cấp 2. Vết thương hở lấp kín một cách từ từ bằng các tế bào mới mọc (mô hạt) màu hồng nhạt đỏ rất dễ chảy máu. Cuối cùng, các tế bào biểu mô phát triển lên trên các mô hạt này và hoàn thành chu trình lành vết thương. Thường có sẹo. Hơn nữa, vì vết thương hở rộng và sâu, thời gian lành kéo dài nên nó trở thành nơi ở của các vi sinh vật có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Cách liền sẹo cấp 3:

Sự lành vết thương hay cách liền sẹo cấp 3 xảy ra khi có sự chậm trễ xảy ra giữa thời gian tổn thương và sự đóng kín vết thương. Kiểu lành vết thương này cũng xem như một quá trình đóng kín vết thương bị chậm trễ. Điều này có thể xảy ra khi một vết thương sâu không được khâu lập tức hay được để hở do bị nhiễm trùng và chờ cho đến khi không còn dấu hiệu nhiễm trùng. Thì vết thương sẽ lành theo kiểu liền sẹo cấp 3, thường vết sẹo sẽ sâu hơn và rộng hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương

Nhiều yếu tố có thể làm tăng hay trì hoãn quá trình lành vết thương: 

Tuổi: trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai, người già.

Tình trạng oxy trong máu: nồng độ oxy trong máu giảm, thiếu máu, giảm thể tích tuần hoàn...

Các yếu tố thuộc cơ thể nói chung bao gồm sự dinh dưỡng, tuần hoàn, sự oxy hoá, và chức năng miễn dịch của tế bào. 

Các yếu tố cá nhân bao gồm: tiền sử hút thuốc, và thuốc đang điều trị.

Các yếu tố bộ phận bao gồm bản chất của chỗ bị thương, sự hiện diện của tình trạng nhiễm trùng, loại băng đã dùng.

Các yếu tố thuộc cơ thể

Dinh dưỡng

Vitamin A: đẩy mạnh quá trình biểu mô hóa và tăng quá trình tổng hợp và liên kết các collagen.

Vitamin B complex: là một yếu tố kết hợp trong hệ thống enzym.

Vitamin C (acid ascorbic): cần thiết cho việc sản xuất collagen; với số lượng vitamin C bị giảm, sức căng của vết thương sẽ giảm. Acid ascorbic cũng làm tăng sự hình thành mao mạch và làm tăng tính bền của mao mạch. Nó chống nhiễm khuẩn vì nó giữ vai trò trong đáp ứng miễn dịch.

Vitamin K: cần thiết cho sự tổng hợp prothrombin có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.

Các khoáng chất: như sắt, kẽm, và đồng có liên quan đến quá trình tổng hợp collagen.

Sự tuần hoàn và sự oxy hoá:

Các yếu tố cá nhân

Tuổi tác

Những thay đổi do quá trình lão hoá bình thường có thể làm cản trở quá trình lành vết thương. Tuần hoàn hơi chậm làm hạn chế quá trình cung cấp oxy cho cho vết thương. Hoạt động của nguyên bào sợi, và sự tổng hợp collagen cũng giảm theo tuổi vì thế sự phát triển phân hoá và tái xây dựng của tế bào sẽ  chậm hơn.

Béo phì

Quá trình lành vết thương có thể bị chậm đối với những người bệnh béo phì. Vì các mô mỡ thường không có mạch máu, nên chúng có khả năng chống đỡ kém đối với sự xâm nhập của vi khuẩn và làm giảm sự cung cấp chất dinh dưỡng cho vết thương. Các người bệnh béo phì sẽ tăng nguy cơ gây các biến chứng và thường được khuyên nên giảm cân trước các cuộc phẫu thuật. Nhìn chung, phẫu thuật trên một người bệnh béo phì mất thời gian lâu hơn và việc khâu các mô mỡ có thể rất khó. Khả năng bục chỉ và nhiễm trùng vết thương cũng cao hơn ở những người bệnh béo phì.

Hút thuốc

Những thay đổi sinh lí gây cản trở đối với quá trình lành vết thương thường xảy ra đối với những người hút thuốc lá. Nồng độ hemoglobin giảm, xảy ra sự co mạch và sự oxy hoá ở mô bị suy yếu. Những người hút thuốc lá trong một thời gian dài có số lượng tiểu cầu tăng, điều này sẽ làm tăng sự kết dính. Khả năng đông máu cao dẫn đến việc hình thành các cục máu đông, điều này có thể dẫn đến sự tắc nghẽn ở các mạch máu nhỏ.

Thuốc

Nhiều thuốc, ngoài tác dụng chính của nó còn có ảnh hưởng đến quá trình đáp ứng miễn dịch, và ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. 

Các chất kháng đông, làm giảm sự hình thành các cục máu đông, làm tăng khả năng chảy máu ở bên trong vết thương. 

Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid, làm giảm sự kết tụ tiểu cầu, làm kéo dài thời gian chảy máu.  e. Stress

Các stress tâm lý hay sinh lý kích thích sự phóng thích catecholamin, gây ra sự co mạch và cuối cùng làm giảm lưu lượng máu chảy đến vết thương. 

Chấn thương, đau, và các bệnh cấp tính hay mãn tính đều có thể gây  ra stress.

Các yếu tố tại chỗ

Bản chất của tổn thương

Thường thì một vết mổ được dùng kĩ thuật vô khuẩn nghiêm ngặt giúp làm vết thương lành nhanh hơn. Ví dụ, một vết thương sâu dính đất cát trong một tai nạn xe, vết thương càng sâu và phần mô bị mất càng lớn, thời gian lành vết thương càng dài.

Ngay cả hình dạng của vết thương cũng ảnh hưởng: hình dạng vết thương càng không đều (hình dạng không xác định), quá trình lành vết thương càng kéo dài. Nếu chấn thương có gây tạo huyết khối, điều này cũng có thể làm cản trở quá trình lành vết thương.

Sự hiện diện của tình trạng nhiễm trùng

Mặc dù hầu hết các vết thương hở đều nhanh chóng bị xâm nhập bởi các loại vi khuẩn khác nhau, nhưng quá trình lành vết thương vẫn diễn ra. Khi hiện diện đủ số lượng mầm bệnh sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, khi đó quá trình lành vết thương bị trì hoãn. Điều này đặc biệt đúng đối với các vết loét tì và loét ở chân. Các vi khuẩn thường được tìm thấy trong các vết loét tì và loét ở chân bao gồm: staphylococcus aureus, pseudomonas aeruginosa, và protein mirabilis (Colsky, Kirsner & Kerdel, 1998). 

Rửa tay không đúng và kĩ thuật thay băng kém có thể gây nhiễm trùng. 

Sự nhiễm trùng cũng có thể do phẫu thuật, đặc biệt khi phẫu thuật ở vùng dễ nhiễm bệnh như ống tiêu hoá, ống niệu sinh dục. 

Sự nhiễm trùng càng dễ xảy ra đối với các vết thương có chứa các vật lạ hay mô hoại tử.

Môi trường xung quanh vết thương:

Nhiều nhân tố ở môi trường xung quanh vết thương có ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. 

pH nên vào khoảng 7-7,6 có thể bị thay đổi bởi dịch từ các ống dẫn lưu, ta nên câu nối ống dẫn lưu đúng cách tránh dịch dò rỉ ra ngoài.

Sự phát triển của vi khuẩn phải được kiểm soát, vì sự nhiễm trùng làm chậm quá trình lành vết thương. Nhưng môi trường ẩm ướt là rất cần thiết cho hoạt động của các tế bào (tiểu cầu, bạch cầu, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô) trong quá trình làm lành vết thương.

Tình trạng tăng áp lực tại vết thương là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương, và sự căng chướng bụng có thể gây một sự căng ép lên vết thương ở bụng, có khả năng gây trở ngại cho quá trình lành vết thương.

Các biến chứng trong quá trình lành vết thương

Xuất huyết và mất dịch kẽ

Sau chấn thương ban đầu, máu sẽ chảy nhưng chỉ trong vòng vài phút, quá trình cầm máu xảy ra như một phần của giai đoạn đầu của quá trình lành vết thương. Khi các mạch máu lớn bị tổn thương hay người bệnh có rối loạn chức năng đông máu, việc cầm máu kém, máu sẽ tiếp tục chảy hoặc sự chảy máu có thể xảy ra sau thời gian hậu phẫu nếu vết khâu bị tuột, một cục máu đông sẽ bị bật ra gây xuất huyết. 

Sự xuất huyết có thể xảy ra bên trong hay bên ngoài. Xuất huyết ngoại là tình trạng máu chảy ra bên ngoài và có thể quan sát được từ vết thương. Xuất huyết nội là tình trạng máu chảy bên trong cơ thể, không thể quan sát được, và có thể nhận định được bằng sự sưng phồng vùng bị tác động, một lượng máu bất thường chảy ra từ catheter, hay ống dẫn lưu, làm tăng cảm giác đau tại nơi tổn thương hay dấu sinh hiệu bất thường.

Các vết thương do tổn thương da rộng như bỏng có thể làm mất số lượng lớn dịch giàu chất điện giải trong cơ thể hay có các vết thương có dẫn lưu với số lượng lớn dịch đòi hỏi phải kiểm soát sự cân bằng dịch để có sự bù dịch thích hợp khi có chỉ định.

Ổ máu tụ

Một ổ máu tụ là tình trạng máu được tích tụ lại. Nó xuất hiện như một khối bên dưới bề mặt da, thường có màu bầm. Một ổ máu tụ nhỏ sẽ dễ dàng được hấp thu vào trong hệ thống tuần hoàn như các mảnh vụn của mô từ vết thương. Các ổ máu tụ lớn hơn có thể mất nhiều tuần để tái hấp thu, tạo nên khoảng chết và các tế bào chết làm ức chế quá trình lành vết thương. Các ổ máu tụ lớn có thể phải chọc dò hút máu bầm ra để đẩy nhanh quá trình lành  vết thương.

 

Xem tiếp phần 2

return to top