✴️ Hỗ trợ người bệnh ăn uống

Nội dung

GIỚI THIỆU

Dinh dưỡng là yếu tố cơ bản để duy trì và nâng cao sức khỏe, dù cơ thể ở tư thế nghỉ ngơi hoàn toàn không hoạt động vẫn tiêu hao một số năng lượng nhất định cung cấp cho các hoạt động bên trong cơ thể để duy trì sự sống. Khi cơ thể bị bệnh nhu cầu về dinh dưỡng lại càng trở nên quan trọng, giúp cho cơ thể có đủ khả năng chống lại bệnh tật và phục hồi sức khỏe. Ngoại trừ những người mắc một số bệnh gây rối loạn chức năng vận động, hấp thu, bài tiết ở ruột (như tắc ruột cơ học, liệt ruột, viêm tụy cấp...), việc nuôi dưỡng người bệnh qua đường tiêu hóa thường được chọn lựa, vì phù hợp với chức năng sinh lý đường tiêu hóa, giá thành thấp và ít xảy ra tai biến. Nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa sớm có tác dụng duy trì cấu trúc giải phẫu và chức năng của tế bào niêm mạc ruột, kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường, hạn chế tình trạng phát tán vi khuẩn và nội độc tố từ đường tiêu hóa vào tuần hoàn (bacterial and endotoxin translocation), duy trì chức năng các cơ quan tiêu hóa khác như tụy và gan.

Vai trò của điều dưỡng viên là đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xác định nguy cơ thiếu dinh dưỡng để lập kế hoạch can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh an toàn, hiệu quả; điều dưỡng viên cần phối hợp với nhóm chăm sóc để kiểm tra chế độ ăn bệnh lý hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, chủ động mời cán bộ khoa dinh dưỡng tham gia hội chẩn về dinh dưỡng cho các trường hợp bệnh lý liên quan, để xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng bệnh lý, văn hóa, tôn giáo người bệnh. Phối hợp với khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dưới đây sẽ giới thiệu một số quy trình thực hành hỗ trợ dinh dưỡng:

Hỗ trợ người bệnh ăn/uống qua đường miệng

Cho người bệnh ăn qua ống thông mũi-dạ dày

 

HỖ TRỢ NGƯỜI BỆNH ĂN UỐNG QUA ĐƯỜNG MIỆNG

Chỉ định

Áp dụng cho người bệnh có khả năng nhai và nuốt bình thường, không có vết thương ở miệng, trí giác bình thường.

Yêu cầu

Kỹ năng về giao tiếp: thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt, thái độ ân cần, niềm nở, động viên để người bệnh ăn hết khẩu phần.

Kỹ năng về dinh dưỡng:

Chọn thức ăn phù hợp tình trạng bệnh lý, sở thích, tôn giáo của người bệnh; Trình bày khay/ đĩa thức ăn đẹp mắt, nhiều màu sắc để kích thích sự thèm ăn của người bệnh.

Tạo không khí vui vẻ, thoải mái, thích hợp cho bữa ăn.

Hướng dẫn người bệnh và gia đình kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và cách hỗ trợ ăn uống cho người bệnh.

Quy trình thực hành kỹ thuật hỗ trợ người bệnh ăn/uống qua đường miệng

Bảng kiểm kỹ thuật hỗ trợ người bệnh ăn/uống qua đường miệng

 

CHO NGƯỜI BỆNH ĂN QUA ỐNG THÔNG MŨI - DẠ DÀY

Định nghĩa

Cho người bệnh ăn qua ống thông mũi - dạ dày là kỹ thuật đưa ống thông qua đường mũi hoặc miệng vào dạ dày để bơm hoặc truyền thức ăn cho người bệnh cấp cứu hoặc nặng, không tự mình ăn được.

Áp dụng

Người bệnh không thể tự nhai, nuốt hoặc có nguy cơ sặc khi nuốt.

Đang đặt ống nội khí quản, hoặc mở khí quản.

Trẻ sơ sinh non yếu, hở hàm ếch không bú được, bú bị sặc

Không áp dụng

Tổn thương thực quản: Bỏng do acid, kiềm, áp xe thành họng, lỗ thông thực quản.

Tắc ruột, bán tắc ruột, hẹp khít môn vị.

Đang nôn mửa.

Tiêu chảy sau viêm phúc mạc, sau thủng tạng rỗng

Nguyên tắc an toàn khi cho người bệnh ăn qua ống thông mũi-dạ dày

Phải chắc chắn ống thông đã vào dạ dày: Phương pháp kiểm tra dạ dày thử trên giấy quỳ là cách tốt nhất để xác định vị trí ống vào đúng trong dạ dày. Nếu dùng phương pháp bơm hơi để thử, lượng khí bơm vào không quá 30ml ở người lớn và 5ml ở trẻ sơ sinh.

Khi đặt ống thông vào dạ dày có thể gây phản xạ thần kinh X, có thể gây chậm nhịp tim, cần nghe tim trước và sau khi đặt ống thông dạ dày.

Mỗi lần cho ăn phải kiểm tra vị trí ống thông, dịch tồn lưu của dạ dày

Dùng muỗng cà phê lấy ít nước thấm môi, để không bị khô môi và để tập phản xạ nuốt tốt hơn, thuận tiện rút ống thông.

Nếu không có tình trạng nhiễm khuẩn, vỡ ống hoặc bị tắc ống thì không nên thay ống thường xuyên.

Không được dùng ống thông bằng chlorure de polyvinyl để nuôi dưỡng đường tiêu hóa. Do chất liệu này cứng có thể gây hoại tử mô, loét thực quản - dạ dày, rò thực quản - khí quản ở người bệnh thông khí nhân tạo.

Vệ sinh răng miệng cho người bệnh 2 lần/ngày

Không đặt ống thông qua đường mũi khi người bệnh bị viêm mũi, chảy máu cam, polyp mũi.

Các cách kiểm tra ống dẫn để chắc chắn ống vào tới dạ dày (3 cách)

Lắp bơm tiêm vào đầu ống hút thử xem có dịch dạ dày không.

Nhúng đầu ống vào chén nước xem có sủi bọt không (nếu có sủi bọt theo nhịp thở là đưa nhầm ống vào đường khí quản).

Dùng bơm tiêm bơm hơi vào ống thông đồng thời dùng ống nghe để xem hơi có vào dạ dày không.

Cách cho thức ăn vào ống thông

Cho ăn bằng phễu: cho thức ăn chảy từ từ, không dùng áp lực để đẩy cho chảy nhanh. Khoảng cách giữa các lần cho ăn 4-6 giờ.

Cho ăn nhỏ giọt: nếu người bệnh bị chướng hơi sau ăn, hoặc có trào ngược thức ăn nên cho ăn nhỏ giọt chậm qua túi ăn có nút điều chỉnh giọt. Cho ăn 6-8 lần/ngày. Túi cho ăn phải thay sau 24 giờ.

Quy trình thực hành kỹ thuật cho người bệnh ăn qua ống thông mũi - dạ dày

Nhận định

Tình trạng mũi, niêm mạc mũi

Tình trạng thực quản, bụng

Tình trạng vệ sinh ống thông, thời gian lưu ống (nếu cho ăn lần sau)

Tình trạng dịch tồn lưu trong dạ dày (nếu cho ăn lần sau)  Vị trí ống thông (nếu cho ăn lần sau).

Sự hiểu biết và hợp tác của người bệnh và thân nhân

Nhận định các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ đặt nhầm ống thông vào khí quản do người bệnh mất phản xạ nuốt

Nguy cơ người bệnh bị viêm phổi hít sau khi đặt ống

Nguy cơ tụt ống do cố định không tốt, do người bệnh rút ống

Nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa do vệ sinh ống thông kém

Dụng cụ

Khay vô khuẩn 

Ống thông Levine (trẻ nhỏ dùng thông Nelaton)

Hình 1. Ống thông dạ dày

Hình 2. Các kích cỡ ống thông

Gạc miếng

Đè lưỡi

Phễu, bơm tiêm hoặc aceptosyringe

Cốc đựng dầu nhờn (dầu paraphin)

 

Hình 3. Bơm tiêm, aceptosyringe

Khay sạch

Lọ cắm 2 kẹp

Bình đựng thức ăn - số lượng thức ăn tùy thuộc vào bệnh lý và chỉ định của bác sĩ, thức ăn lỏng (sữa, súp, nước sinh tố trái cây hoặc thức ăn đóng hộp đã pha) nhiệt độ thức ăn 370C.

Ly đựng nước uống

Bát đựng thức ăn

Tăm bông để vệ sinh mũi

Khăn bông lớn

Tấm nilon

Găng tay sạch

Lọ dầu nhờn

Ống nghe; giấy thử

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

Băng dính, kéo cắt băng

Kim băng; dây thun

Khay hạt đậu

Túi đựng rác y tế

Bình phong (nếu đặt tại giường bệnh)

Các bước thực hiện

Bảng kiểm kỹ thuật cho người bệnh ăn qua ống thông mũi - dạ dày

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành hỗ trợ người bệnh ăn uống

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế (2010). Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ Y tế (2012). Bài giảng kỹ năng điều dưỡng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top