Bệnh nhân ung thư liệt giường thường phải nằm lâu dài và không thể di chuyển, dẫn đến việc họ cần sử dụng bỉm để đáp ứng nhu cầu đại tiểu tiện hàng ngày. Tuy nhiên, bỉm có thể gây kích ứng, tăng nguy cơ loét tỳ đè và nhiễm trùng. Do đó, việc thay bỉm thường xuyên là rất cần thiết giúp ngăn ngừa loét tỳ đè, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và duy trì vệ sinh cho bệnh nhân. Ngoài ra, việc thay bỉm định kỳ cũng giúp giảm thiểu mùi khó chịu và tăng sự thoải mái cho bệnh nhân ung thư liệt giường.
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI TIẾN HÀNH THAY BỈM:
- Găng tay y tế loại dùng một lần
- Bỉm dành cho người lớn
- Túi ni-lông (có thể mua tại cửa hàng tiện ích)
- Khăn lau được làm ẩm trước, như khăn lau dùng cho trẻ em hay khăn ướt (hoặc thay thế bằng loại khăn vải dùng một lần chuyên dùng để vệ sinh da)
- Kem dưỡng ẩm bảo vệ da
CÁC BƯỚC THAY BỈM CHO BỆNH NHÂN:
1. Rửa sạch tay bạn bằng xà phòng và nước ấm
2. Mang găng tay y tế
3. Đặt người bệnh nằm ngửa ở tư thế thoải mái
4. Nếu giường có thể điều chỉnh, hãy nâng toàn bộ giường lên một độ cao phù hợp, thấp hơn một chút so với hông của bạn. Hạ thấp đầu giường về vị trí nằm ngang đến khi người thân của bạn thoải mái nhất.
5. Gỡ các miếng dán trên bỉm bẩn, nhét phần bỉm phía xa bạn nhất xuống dưới hông người bệnh.
6. Một tay đỡ hông, một tay đỡ vai, lăn trở người bệnh nằm nghiêng về phía xa của bạn.
7. Nếu phần bỉm phía xa bạn được nhét hoàn toàn dưới hông, lúc này bạn có thể kéo miếng bỉm ra khỏi người họ.
8. Cuộn bỉm bẩn với mặt bẩn vào trong khi bạn vứt bỏ bỉm.
9. Bỏ bỉm bẩn vào trong túi ni-lông (nhưng chưa đóng kín túi)
10. Dùng khăn ướt, lau kỹ vùng da đóng bỉm, cả mặt trước và mặt sau thân người bệnh. Tránh ấn hoặc cọ xát da quá mạnh. Bạn có thể cần lăn trở người thân nằm ngửa hoặc nghiêng để vệ sinh những vùng da còn lại.
11. Bỏ khăn lau đã sử dụng vào túi ni-lông.
12. Trong khi người thân của bạn nằm nghiêng, kiểm tra phát hiện các vết loét. Kiểm tra hàng ngày để điều trị kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu sớm là điều rất quan trọng.
13. Thoa kem dưỡng da vào phần tầng sinh môn để giữ ẩm và bảo vệ da.
14. Khi da của người bệnh bị khô, hãy mở một miếng bỉm mới, nhét phần bỉm phía xa bạn xuống dưới hông. Làm phẳng và cố định phần còn lại của bỉm trên giường, trải phẳng phần ga giường bên dưới thân người bệnh.
15. Lăn trở người bệnh về tư thế nằm ngửa lên trên bỉm.
16. Kéo bỉm vào giữa hai chân người bệnh.
17. Vuốt thẳng và gắn chặt các miếng dán. Để bỉm vừa khít, dán các miếng dán phía trên cùng hướng xuống dưới và các miếng dán phía dưới cùng hướng lên trên
18. Tháo găng tay và bỏ vào túi ni-lông. Buộc kín miệng túi và bỏ túi.
19. Rửa sạch và lau khô tay.
20. Điều chỉnh giường về độ cao và vị trí thích hợp.
LƯU Ý:
- Trước khi rời đi, hãy đảm bảo người bệnh đã nằm ở tư thế phù hợp. Điều này bao gồm cả việc thay đổi tư thế cho họ thường xuyên để áp lực không đè lên hông hoặc phần khác của cơ thể quá lâu.
- Giữ sạch da, thay đổi tư thế ít nhất 2 giờ một lần, và giữ ga trải giường sạch và phẳng có thể giúp phòng ngừa loét và giúp cuộc sống của bạn và người bệnh trở nên dễ dàng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh