✴️ Tư thế phẫu thuật trên bàn mổ

Nội dung

Tư thế của người bệnh trên bàn mổ tuỳ thuộc vào quyết định của phẫu thuật viên, kỹ thuật viên gây mê, loại phẫu thuật cần thực hiện. Tuy nhiên, điều dưỡng phòng mổ phải hiểu rõ và quen thuộc với các loại bàn mổ và các loại dụng cụ phụ của bàn mổ để đảm bảo đặt người bệnh nằm đúng cách, gắn dụng cụ phụ đúng cách, bảo đảm cho người bệnh an toàn, dễ chịu.

 

DỤNG CỤ PHỤ

Màn chắn: là một trụ cong để căng tấm màn ngăn cách giữa khoảng vô trùng và khoảng không vô trùng trên bàn mổ.

Miếng giữ vai: là miếng kim loại cong, có mousse dùng đặt nơi vai người bệnh.

Miếng để tay.

Miếng nâng chân trong tư thế sản khoa.

Vòng nâng tiểu não của đầu.

Gối nhiều cỡ.

Dây cố định người bệnh.

Vải lót.

Bảng 10.1. Các nguyên tắc khi đặt tư thế người bệnh mổ trên bàn mổ

Các nguyên tắc khi đặt tư thế người bệnh mổ trên bàn mổ:

Che người bệnh kín đáo.

Có lệnh của người gây mê mới tiến hành cho người bệnh nằm theo tư thế giải phẫu.

Điều dưỡng cần hiểu rõ cơ chế sử dụng của bàn mổ.

Điều dưỡng cần hiểu rõ các tư thế phẫu thuật cho từng loại phẫu thuật.

Chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng.

Chêm lót an toàn, tránh tổn thương cho người bệnh.

Đảm bảo hô hấp không bị nghẽn.

Tuần hoàn không bị nghẽn.

Tránh gây chèn ép dây thần kinh.

Tránh làm căng thẳng các cơ, gân, xương.

 

TƯ THẾ NGƯỜI BỆNH

Tư thế nằm ngửa

Chỉ định: cách nằm này khi dùng các loại thuốc mê tổng quát, trong các phẫu thuật bụng, chân.

Kỹ thuật: đặt người bệnh nằm ngửa và thẳng, đầu gối của người bệnh trên chỗ nối phần dưới của bàn. Đặt cánh tay và bàn tay của người bệnh ở 2 bên hông, khuỷu tay hơi cong, các ngón tay thẳng. Dùng tấm vải trải nâng người bệnh, giữ cánh tay và bàn tay người bệnh. Đặt đai chân trên đầu gối khoảng 6 – 8cm. Cột đai chân nhưng không quá chặt để giữ chân người bệnh.

Tư thế nằm ngửa dang tay hai bên

Chỉ định: thực hiện trong các cuộc phẫu thuật bàn tay, cánh tay, phẫu thuật vú, phẫu thuật cần tiếp máu liên tục.

Kỹ thuật: đặt cánh tay người bệnh lên miếng để cánh tay có lót. Miếng để cánh tay phải cùng chiều cao với bàn. Dùng băng vải giữ cánh tay nhưng tránh quá chặt. Dùng tấm vải trải nhấc người bệnh, giữ hai cánh tay. Dùng đai chân giữ chân yên một chỗ. Hạ thấp đầu bàn một góc 30–400. Hạ thấp chân bàn phần nối nơi đầu gối xuống một góc 30–400. Cột đai chân nhưng không quá chặt để giữ chân người bệnh.

Tư thế ngửa với giường kê đầu thấp chân cao (tư thế Trendelenburg) (hình 10.2)

Chỉ định: thực hiện cho phẫu thuật bụng, dưới tư thế này các cơ quan của bụng sẽ tách khỏi vùng  xương chậu giúp phẫu thuật viên dễ phân biệt vùng mổ.

Kỹ thuật: đặt người bệnh nằm ngửa và thẳng, đầu gối của người bệnh trên chỗ nối phần dưới của bàn. Gắn các miếng giữ vai có lót kỹ vào bàn. Điều chỉnh các miếng giữ vai ra phía ngoài khớp xương vai để tránh chèn ép dây thần kinh vùng cổ.

Tư thế ngửa với giường kê đầu cao hơn chân (Reverse Trendelenburg)

Chỉ định: thực hiện khi phẫu thuật cổ như mổ bướu cổ hay phẫu thuật bụng.

Kỹ thuật: đặt người bệnh nằm ngửa, thẳng vai nơi chỗ nối phía trên của bàn. Gắn miếng kê chân có lót vào bàn và sửa cho đúng vị trí. Cố định cánh tay và chân yên một chỗ. Sửa bàn xiên phía dưới đến góc cần thiết. Hạ đầu bàn xuống một ít.

Tư thế nằm sấp

Kỹ thuật: sau khi gây mê, lật sấp người bệnh. Cẩn thận với tay, chân và cổ người bệnh tránh gây thương tích. Xoay đầu người bệnh qua một bên, đặt gối dưới đầu người bệnh. Sửa cong tay người bệnh và đặt trên miếng để tay. Đặt gối dưới hông tránh chèn ép vùng xương lồi. Đặt các gối vùng chân dưới tránh tổn thương đầu gối và các ngón chân, cột đai giữ chân phía trên đầu gối. Đặt gối nhỏ dưới mỗi bên vai giúp ngực không bị đè cấn và người bệnh thở dễ dàng.

Tư thế lưỡi lê (Jackknife)

Chỉ định: giải phẫu trĩ, cắt trực tràng, xương cụt.

Kỹ thuật: sau khi gây mê, cho người bệnh nằm sấp. Đặt háng người bệnh nơi chỗ nối phía dưới của bàn, lót gối dưới háng. Xoay đầu người bệnh qua một bên và đặt gối nhỏ dưới đầu. Tránh cho bàn chân không bị cấn, có thể để bàn chân thòng cuối bàn và lót gối ngay cổ bàn chân, dùng dây cột chân. Đặt cánh tay đầu bàn xuống tới góc cần thiết và háng phải là phần cao nhất của cơ thể.

Tư thế Sim's

Chỉ định: thực hiện khi khám và giải phẫu trực tràng.

Kỹ thuật: xoay người bệnh qua phía trái của người bệnh, mông gần cạnh bàn.

Đặt cánh tay trái ra sau lưng và cánh tay phải ở vị trí dễ chịu nhất của người bệnh. Người bệnh hơi nghiêng về phía trước. Đặt chân phải tựa vào bụng, chân trái hơi cong, nên đặt gối giữa 2 chân người bệnh nếu như người bệnh phải nằm lâu, có thể kê gối dưới đầu người bệnh.

Tư thế sản khoa

Chỉ định: thực hiện trong các phẫu thuật vùng hội âm, khám bàng quang, phẫu thuật âm đạo và trực tràng.

Kỹ thuật: phải có miếng giấy lót trên bàn mổ. Sau khi gây mê, dời mông người bệnh xuống phía dưới bàn nơi chỗ nối ở phía dưới của bàn. Đặt tay người bệnh khoanh trên bụng trên, dùng tấm lót để cố định tay người bệnh. Gắn chân đăng vào bàn và sửa chân cho đúng chiều cao cần thiết. Nắm hai gót chân và nâng phía đầu gối lên, cầm cong chân và đặt chân lên đăng có lót. Nếu dùng các đai bằng vải dày đưa chân người bệnh ra phía ngoài các thanh thẳng đứng. Quấn một vòng đai xung quanh bàn chân, một vòng xung quanh gót chân. Chỗ thanh đụng vào chân hay chỗ chân có thể ép lên trên thanh phải được lót. Lấy miếng lót nơi cuối bàn ra rồi hạ thấp đầu bàn xuống. Cho đầu cuối tấm vải trải vào thùng hứng dịch ở cuối chân bàn.

Nằm sấp đặt mặt trên đồ nâng đầu

Chỉ định: trong các cuộc giải phẫu thần kinh.

Kỹ thuật: tháo miếng phần đầu trên bàn mổ và gắn đồ nâng tiểu não trên đầu vào. Đặt người bệnh nằm sao cho mắt mũi không bị đè cấn. Lót vai, bụng, chân dưới và bàn chân giống trong cách nằm sấp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top