Bệnh béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao

Nội dung

Các nhà khoa học mới đây đã tìm ra mối liên quan về mặt sinh học giữa tình trạng béo phì và căn bệnh ung thư đại tràng. Họ cũng đã phát hiện ra một loại thuốc có khả năng ngăn ngừa bệnh tiến triển. Các khám phá này đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư -Cancer Research.

Những người bị béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn tới 50% so với người gầy. Các nhà khoa học dẫn đầu là Tiến sỹ, Bác sỹ Scott Waldman thuộc Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, PA (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu trên mô hình chuột để tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh béo phì và bệnh ung thư đại tràng.

Họ thấy rằng tình trạng béo phì kể cả do tiêu thụ nhiều chất béo, nhiều carbohydrate hay cả hai, đều có liên quan đến sự suy giảm hormon guanylin.

Guanylin được sản xuất bởi các tế bào ở lớp niêm mạc hay các tế bào biểu mô thành ruột. Các tế bào niêm mạc ruột hoạt động rất tích cực và liên tục được thay mới. Một thụ thể guanylin cyclase C (GUCY2C) đóng vai trò trong quá trình tái tạo này, trong đó guanylin là hormone kích hoạt thụ thể này.

 

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn cao năng lượng sẽ làm giảm lượng guanylin tại ruột, dẫn tới việc làm bất hoạt phương thức kìm hãm sự phát triển của khối u.

 

Lượng guanylin thấp thúc đẩy hình thành ung thư

Một đặc điểm của bệnh ung thư đại tràng là sự bất hoạt của gien guanylin đã được quan sát ở cả trên người và trên động vật. Những người bị béo phì có hoạt động của gien guanylin thấp hơn tới 80% so với những người gầy.

Có khả năng rằng thụ thể của hormone guanylin hoạt động như một yếu tố kìm hãm sự phát triển của khối u. Nếu không có sự hiện diện của hormone này, thụ thể sẽ không hoạt động ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư. Hiện tượng này khiến cho các tế bào biểu mô không thể thực hiện được chức năng của chúng và tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển.

Để kiểm tra lại những khám phá mới này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra giống chuột biến đổi gien. Những con chuột này được biến đổi gien để làm ngừng hiện tượng bất hoạt của gien guanylin. Bằng việc kìm hãm sự phát triển của khối u theo cách này, tiến triển của bệnh ung thư đại tràng đã được ngăn chặn, kể cả khi chuột tiếp tục được ăn chế độ cao calorie.

Thực nghiệm này cho thấy rằng hormone guanylin và thụ thể của nó dễ bị bất hoạt ở chuột béo phì hơn là những con chuột có thể trạng gầy.

 

 

Bác sỹ Waldman và cộng sự rất ngạc nhiên về mối liên hệ giữa béo phì với ung thư, vấn đề đang được các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm tìm hiểu.

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng bệnh ung thư đại tràng có khả năng phòng ngừa được ở những cá thể béo phì bằng liệu pháp thay thế hormon, một biện pháp tương tự như đã làm với bệnh tiểu đường được điều trị bằng insulin.

Bác sỹ Waldman nói: “Năng lượng (calorie) là yếu tố nằm ở giữa bệnh béo phì và bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên câu hỏi về mối liên quan giữa chúng là một trong những câu hỏi rắc rối và thu hút nhiều sự chú ý nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về ung thư. Giờ đây chúng tôi đã tìm ra câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc của bệnh ung thư đại tràng ở những bệnh nhân béo phì và có lẽ ở cả những đối tượng khác nữa”.

Nhóm nghiên cứu tin rằng trong quá trình tiến triển của bệnh ung thư đại tràng, nó sẽ tuân theo cơ chế làm bất hoạt gien guanylin và hiện tượng này phổ biến hơn trên những đối tượng béo phì.

 

Linaclotide có thể là liệu pháp thay thế hormone

Những khám phá này cũng chỉ ra rằng thuốc linaclotide (Linzess) với cấu trúc tương tự hormone bị mất có thể được sử dụng để phòng ung thư đại tràng ở bệnh nhân béo phì.

Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào năm 2012 đã chấp thuận cho việc sử dụng linaclotide để điều trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón cũng như là táo bón mãn tính không rõ nguyên nhân (táo bón mãn tính vô căn).

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc hạn chế lượng calorie nạp vào cơ thể cũng có thể làm đảo ngược hiệu ứng của tình trạng thừa calorie và tái tạo lại guanylin, kể cả trên chuột béo phì, cho thấy vai trò của việc thay đổi lối sống đối với khả năng phòng bệnh ung thư.

Tuy nhiên cần thêm những nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu về cơ chế phân tử chính xác của hiện tượng kìm hãm sản xuất ra hormone này. Trong lúc này, Tiến sỹ, bác sỹ Waldman cũng đồng thời tham gia vào một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để xác định liều và tác dụng phụ của thuốc linaclotide trên người tình nguyện khỏe mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top