Cải thiện khả năng nhạy cảm insulin ở người bệnh tiểu đường bằng socola đen

Insulin là một loại hormone hoạt động giống như một chiếc chìa khóa, mở khóa để các tế bào của bạn có thể sử dụng glucose (một loại đường) để tạo ra năng lượng. Đôi khi, quá trình này không hoạt động, khiến cho lượng glucose tích lũy trong máu của bạn, ngay cả khi cơ thể đã tạo ra nhiều Insulin hơn. Các nhà khoa học đã đưa ra một vài ý tưởng khác nhau nhưng họ vẫn chưa khẳng định được lí do tại sao các tế bào ngừng đáp ứng.

 

 

Kháng insulin là tình trạng suy giảm tác dụng sinh học của insulin, biểu hiện bằng gia tăng nồng độ insulin máu. Nói cách khác, kháng insulin xảy ra khi tế bào của mô đích không đáp ứng hoặc bản thân các tế bào chống lại sự tăng insulin máu. Các yếu tố cấu thành kháng insulin đã được khẳng định bao gồm:

  • Rối loạn glucose huyết thanh (rối loạn glucose huyết thanh lúc đói, rối loạn dung nạp glucose hay tiểu đường typ II).
  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn lipid máu trong đó rõ nét nhất là giảm HDL (cholesterol "tốt") và tăng triglycerid.
  • Thừa cân, béo phì nhất là béo phì dạng nam được xem như yếu tố khởi phát kháng insulin.
  • Tổn thương cầu thận với sự xuất hiện protein niệu.

Bên cạnh đó tồn tại một số yếu tố nguy cơ tạo điều kiện xuất hiện và tiến triển kháng insulin bao gồm: trên 40 tuổi, lối sống tĩnh tại, ít vận động, thói quen ăn nhiều đạm, mỡ động vật, nhiều đường, tinh bột, uống bia rượu, tiền sử gia đình có bệnh tiểu đường typ II, tăng huyết áp, tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc tiểu đường thai kỳ, chỉ số khối cơ thể ≥ 25,0 kg/m2, chu vi vòng bụng ở nam >102 cm, ở nữ >88 cm, bệnh động mạch vành, chứng gai đen hoặc buồng trứng đa nang.

Kháng insulin là cơ chế bệnh sinh chủ yếu gây bệnh tiểu đường typ II, xuất hiện trước khi phát hiện bệnh từ 10 đến 12 năm. Tiểu đường là một bệnh mạn tính ngày càng phổ biến, gây ra nhiều biến chứng khác nhau về tim mạch, thần kinh, thận, mắt, bàn chân…; đã và đang trở thành gánh nặng cùng với sự phát triển của nền kinh tế.

Để ngăn ngừa tình trạng kháng Insulin thì chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng. Theo những nghiên cứu gần đây, sôcôla giúp cải thiện khả năng nhạy cảm với Insulin.

Sôcôla đen cải thiện khả năng nhạy cảm và đề kháng với insulin, trong khi sôcôla trắng thì không, theo như kết quả của một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2015 trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ.

Theo Davide Grassi đến từ đại học L’Aquila của Italia và các đồng nghiệp: “Có rất nhiều các nghiên cứu chỉ ra có tác dụng đáng kể trong việc bảo vệ tim mạch do các thành phần chống oxy hóa và tăng sinh khả dụng của nitric oxid. Trong khi đó, sinh khả dụng của nitric oxid (NO) ảnh hưởng sâu sắc đến sự hấp thu glucose do kích thích của Insulin và trương lực mạch máu. Do đó, flavanol cũng có tác dụng tích cực lên trao đổi chất và huyết áp.

Sau một giai đoạn không sử dụng cacao trong vòng 7 ngày, 15 tình nguyện viên khỏe mạnh được chọn ngẫu nhiên dùng một trong hai thanh sôcôla đen hoặc trắng trong 15 ngày, tiếp theo là giai đoạn không ăn sôcôla trong 7 ngày và sau đó chuyển sang loại sôcôla kia. Các thanh sôcôla có trọng lượng 100 gam và chứa khoảng 500 mg flavanol, các thanh sôcôla trắng nặng khoảng 90 gam và gần như không chứa flavanol. Sau mỗi giai đoạn, các tình nguyên viên được làm xét nghiệm dung nạp đường huyết bằng đường uống để đánh giá mô hình cân bằng nội môi của Insulin và kiểm tra chỉ số về độ nhạy của Insulin.

Kết quả cho thấy các chỉ số trên của nhóm ăn sôcôla đen đều thấp hơn đáng kể so với nhóm tiêu thụ sôcôla trắng, huyết áp của họ cũng thấp hơn.

Hạn chế của nghiên cứu là không thể xác định được những thay đổi về độ nhạy cảm với Insulin gây ra bởi sôcôla đen do sự gia tăng sinh khả dụng của NO và không thể loại trừ hoàn toàn được tác động tích cực của những chất khác trong sôcôla đen nhưng không có trong sôcôla trắng.

 

 

Các tác giả đã viết “Sôcôla nhưng là sôcôla đen chứ không phải sôcôla trắng, làm giảm huyết áp và cải thiện khả năng nhạy cảm với Insulin ở những người khỏe mạnh. Những phát hiện này chỉ ra rằng sôcôla đen có thể có tác dụng bảo vệ các tế bào nội mô mạch máu cũng bằng cách cải thiện độ nhạy cảm insulin. Rõ ràng, những thử nghiệm quy mô lớn là cần thiết để xác định những tác dụng bảo vệ của sôcôla đen hoặc những thực phẩm chứa flavanol khác trong quần thể bị ảnh hưởng bởi kháng insulin như cao huyết áp và béo phì.”

Nếu bạn phát hiện kháng Insulin sớm và thay đổi lối sống, bạn có thể hoàn toàn khắc phục được tình trạng này.

Tập luyện có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng kháng Insulin. Cũng giống như chế độ ăn lành mạnh, tập luyện giúp bạn giảm cân. Bên cạnh đó, nó còn giúp các tế bào sử dụng Insulin tốt hơn, đặc biệt là các tế bào cơ. Bạn nên duy trì tập luyện ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày các bài tập vừa phải, và hầu hết các ngày trong tuần.

Giảm đường, ngũ cốc tinh luyện và mỡ động vật; tăng cường rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bạn có trọng lượng hợp lí. Đồng thời cùng với ăn giảm muối, nó còn giúp bạn giảm nguy cơ kháng Insulin, đặc biệt nếu bạn giảm cân và tập luyện đều đặn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa nống độ vitamin D thấp với sự sử dụng Insulin không hợp lí của cơ thể. Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung sôcôla vào chế độ ăn của mình một cách điều độ nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top