Dinh dưỡng cho người bệnh khớp

Nội dung

Thời tiết sang xuân mưa nhiều, lạnh, gió mùa về, áp thấp nhiệt đới đều làm cho không khí trở nên lạnh, càng làm cho người bệnh khớp bị đau nhức, khó chịu.

Nguyên nhân đau nhức khớp là do không khí lạnh thâm nhập cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, máu đến các bao khớp, dây chằng, khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít gây nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, nuôi dưỡng các màng hoạt dịch và sụn khớp, chúng bị kích thích gây nên đau nhức khớp.

Vì vậy, một số người bệnh thường ngày đã bị các bệnh về khớp mạn tính (thoái hóa cột sống, thoái hóa sụn khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm dây chằng, lao cột sống, khớp bàn tay, ngón tay...) hoặc đã, đang bị viêm khớp gây đau nhức, nay gặp thời tiết lạnh càng đau nhiều hơn.

Ngoài ra, ở những người bị bệnh gút mạn tính, loãng xương cũng gây đau nhức xương khớp, nếu bị lạnh, bệnh càng gia tăng, đặc biệt là về đêm hoặc sau uống rượu, bia, ăn các loại hải sản hoặc phủ tạng động vật.

 

Đau nhức xương khớp mùa lạnh có thể gặp ở người béo phì, thừa cân do các khớp phải chịu trọng lực của cơ thể đè lên các xương khớp, thêm vào đó còn có trọng lực của áo quần mùa đông vừa nặng vừa gây khó khăn trong vận động càng làm cho xương khớp bị đau nhức.

Vì vậy, khi bị bệnh về khớp, cần được chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị đúng, kịp thời sẽ hạn chế sự gia tăng của bệnh, đồng thời hạn chế biến chứng của chúng, đặc biệt là thoái hóa khớp, bệnh gút.

Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để làm khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp cũng như bệnh gút. Điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, duy trì vận động khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Các phương thức điều trị bao gồm nội khoa (dùng thuốc hoặc không dùng thuốc) và ngoại khoa (phục hồi và thay khớp).

Để điều trị nội khoa, ngay ở giai đoạn đau khớp, người bệnh cần phải nghỉ ngơi, bất động khớp, tránh tất cả những hoạt động gây đau và xoa bóp nhẹ nhàng với một số thuốc thoa ngoài da (dầu gió, cao sao vàng...) nhằm làm cho mao mạch vùng da của khớp bị đau giãn ra, máu sẽ đến nhiều hơn để cung cấp cho dây chằng, bao hoạt dịch, sụn khớp, từ đó sẽ giảm đau và ngay sau khi hết đau cấp, người bệnh phải tập vận động khớp nhẹ nhàng. Trong trường hợp cần thiết, cần đi khám bệnh để được bác sĩ khám và cho thuốc điều trị chống viêm, giảm đau.

 

Đối với một số khớp quan trọng (trật khớp háng bẩm sinh, tiêu chỏm xương, nhuyễn sụn xương bánh chè, lệch trục đầu gối...), khi điều trị nội khoa không có kết quả có thể chuyển sang điều trị ngoại khoa.

Vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh khớp. Cần có chế dộ dinh dưỡng tốt, lý tưởng nhất là thức ăn có đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất chống ôxy hóa và các chất dinh dưỡng khác. Với người béo phì, thực hiện chế độ ăn uống giảm cân.

Trong khí đó, người gầy bị viêm đa khớp dạng thấp nên ăn nhiều bữa nhỏ để hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp, cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn, sử dụng dầu thực vật, dầu omega 3 và dầu cá. Tránh ăn các loại thịt có màu đỏ (trâu, bò, chó), nên ăn thịt có màu trắng (lợn, gà, vịt), cá, tôm, cua, sò, ốc, hến, ngao.

Người bệnh khớp cũng nên ăn nhiều rau và trái cây tươi như đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái cây này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, các hoạt chất có tác dụng kháng viêm. Cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 lít). Đối với bệnh nhân bị gút, cần hạn chế đạm, các loại phủ tạng động vật và không uống rượu, bia.

Cần hạn chế các loại thức ăn chế biến sẵn (thịt hun khói, xúc xích, lạp sườn) bởi vì chúng tạo ra một số chất gây kích thích phản ứng viêm và thúc đẩy kết dính tiểu cầu, gây giãn mạch, sung huyết, tăng cảm giác đau.

Hạn chế thực phẩm gây tăng lipid máu gây bất lợi cho người đang bị viêm khớp vì xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp như thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm bông, bánh kẹo, đặc biệt ở người vừa bị bệnh khớp vừa bị tăng mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Điều quan trọng cần lưu ý là mọi loại thức ăn, nước uống cần có độ ấm, tránh lạnh.

Để phòng ngừa và hạn chế các cơn đau, nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các khớp, tránh tình trạng gây cứng khớp, tuy vậy, cần nghỉ ngơi khi đau. Cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm và khi ra khỏi nhà, tay đi găng, chân có tất, cổ quàng khăn, đeo khẩu trang, đầu đội mũ ấm.

 

Vai trò của canxi và vitamin D trong việc bảo vệ xương khớp

Tuy nhiên ít ai nhận thấy tầm quan trọng của chúng đối với cơ thể chúng ta vì thế nên một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học bổ xung canxi và vitamin D nên được mọi người quan tâm hơn. Việc này rất quan trọng trong việc phòng ngừa một số bệnh xương khớp thường gặp như: Viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm…Hãy tìm hiểu thêm cách bổ xung canxi và vitamin D đúng cách ra sao ngay trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

 

Tầm quan trọng của vitamin D và canxi đối với xương khớp

  • Canxi là một chất có trong những thành phần chính cấu tạo nên xương và răng. Ngoài ra, canxi còn tham gia vào quá trình đông máu, sự dẫn truyền thần kinh và hoạt động của cơ và tim mạch. Một số loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa, phô-mai, cá hồi… với nhu cầu 1.000mg canxi mỗi ngày.

 

  • Còn đối với vitamin D thì đây là loại vi ta min cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi ở ruột từ đó đi nuôi hệ thống xương khớp. Vitamin D có trong sữa, gan, thịt, cá… với nhu cầu hang ngày là 600 – 800UI. Ngoài ra một điều ít được mọi người biết tới đó là ngoài thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể, vitamin D còn được cung cấp qua da, dưới tác động của ánh sáng mặt trời các tiền chất vitamin D ở dưới da sẽ chuyển hóa thành vitamin D.

Đối với người bình thường thì có thể bổ xung canxi thông qua đường ăn uống, còn nếu như đối với những người khó hấp thu canxi và phụ nữ mang thai thì cần phổ xung thêm thuốc canxi để. Việc bổ sung canxi và vitamin D cho người cao tuổi có thể ở dạng đơn chất riêng biệt canxi (ở dạng muối carbonat hay gluconat…), vitamin D (ở dạng vitamin D3: colecalciferol) hay ở dạng hợp chất phối hợp giữa canxi và vitamin D.

Bổ sung canxi và vitamin D cho người cao tuổi , cần phải tuân theo đúng liều lượng mà thầy thuốc chỉ định. Khi sử dụng quá liều sẽ gây ra những tác hại cho cơ thể như: sỏi thận, vôi hóa xương, tăng canxi huyết, tăng canxi niệu….

Ngoài ra đối với những người có nguy cơ mắc phải bệnh xương khớp cao thì bên cạnh việc bổ sung canxi và vitamin D, một chế độ dinh dưỡng tốt, người cao tuổi  cần kết hợp với tăng cường tập luyện thể dục, thể thao như đi bộ, bơi lội… giúp xương chắc khỏe, góp phần ngăn ngừa quá trình lão hóa xương!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top