Giảm cân cần đặc biệt ưu tiên chế độ ăn thực vật

Dinh dưỡng từ thực vật – nguồn dinh dưỡng lành mạnh

Ngày nay, các khuyến cáo dinh dưỡng trên thế giới cũng khuyên nên “giảm ăn thịt” với mục đích phòng và hỗ trợ trong việc chữa trị một số bệnh lý mãn tính liên quan đến ăn uống như thừa cân béo phì, tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, ung thư, táo bón, …

Nguồn thức ăn thực vật bao gồm các loại ngũ cốc, khoai, rau củ quả, đậu, các loại hạt và dầu. Với một bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm thì với đa dạng các loại thực phẩm thực vật vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng. Nhóm bột đường gồm gạo, bắp, khoai, mì, miến,… Nhóm thực phẩm giàu đạm có đậu hũ, nấm các loại, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành,… Các loại đậu que, đậu đũa vừa là rau cũng vừa cung cấp lượng Protein tốt cho sức khỏe. Chất béo cũng dồi dào trong thực phẩm thực vật như hạt mè, đậu phộng, hạt điều, đậu nành,… Nguồn rau củ quả là thành phần chính cung cấp chất xơ và vitamin cho các chế độ ăn lành mạnh.

Có thể nói: “Một bữa ăn nếu không có thịt, cá cũng vẫn không sao, nhưng không thể thiếu vắng các thực phẩm thực vật được!”

Khi sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật một cách hợp lý, hạn chế ăn các thức ăn động vật thì sẽ có một số lợi ích như giảm bớt năng lượng khẩu phần, tăng nhiều lượng chất xơ hữu ích, kiểm soát vi khuẩn ruột, giảm nhiều lượng cholesterol có hại, cung cấp nhiều vitamin C qua rau quả… nên sẽ rất tốt cho sức khỏe, can thiệp mạnh mẽ vào quá trình điều trị các bệnh lý của thời đại hiện nay cũng như phòng ngừa chúng.

 

Giảm cân, giảm mỡ và ưu điểm của thực vật

Protein từ đậu

Người thừa cân, béo phì vốn có lượng Cholesterol xấu rất cao, cần kiêng các loại Protein có nguồn gốc động vật. Khi kiêng thịt, cá…, điều cần phải quan tâm nhất là lượng Protein cung cấp cho cơ thể phải đạt đủ cả số lượng và chất lượng. Protein có nguồn gốc thực vật chủ yếu là chứa trong các loại đậu, nhất là đậu nành (đậu nành phân lập, không đột biến gen, được trồng hữu cơ). Trong đậu nành cũng có chất béo thực vật không chứa cholesterol, giàu canxi, kali, magie, folate, vitamin nhóm B, vitamin A, E và D, nhiều chất xơ… Chỉ số đường huyết GI (là khả năng làm tăng đường huyết của thực phẩm sau khi ăn so với đường glucose là 100) của đậu nành thuộc nhóm thấp (GI từ 0-55), khoảng 20 – 30, thuộc loại rất thấp và có thể nói là thấp nhất trong các loại thực phẩm cung cấp chất bột đường, tương đương với một số loại rau củ quả ít ngọt. Vì vậy, đậu nành là thực phẩm rất tốt cho người bệnh đái tháo đường – bệnh liên đới trực tiếp tới thừa cân, béo phì.

 

Đậu nành còn giàu lecithin, tốt cho những người có tinh thần mệt mỏi, giúp giảm Cholesterol, chống lại sự phát triển và xơ cứng động mạch, các biến chứng của bệnh tim, não, thận và mắt. Một số nghiên cứu đã tìm thấy Protein trong đậu nành có liên quan đến việc nâng cao mức độ Cholesterol có lợi HDL. Đậu nành nhiều chất xơ, tốt cho những người bị táo bón, phòng ngừa xơ vữa động mạch.

 

Chất xơ từ rau củ quả

Việc ăn đủ 300g rau mỗi ngày (tương đương 1 chén rau đầy không tính nước mỗi bữa ăn) và 200g trái cây sẽ là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào cho cơ thể, phòng chống táo bón, tăng cholesterol máu, giúp no mà không làm tăng cân thêm.

Vi chất dinh dưỡng từ rau củ quả

Hầu hết những người có tình trạng thừa cân, béo phì hoặc Skinny Fat đều có chế độ dinh dưỡng thiên về đa lượng (nhiều bột đường, chất béo, đạm…) mà quên đi vai trò của vi lượng (vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và đặc biệt là dưỡng chất thực vật có trong rau củ quả đa sắc màu). Do đó, cơ thể bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng trong suốt 1 thời gian dài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top