Đầy bụng là một cảm giác hay một triệu chứng mà dân gian thường hay nhắc tới. Tuy nhiên, mọi người lại thường không hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu này. Trên thực tế, cảm giác đầy bụng chỉ diễn ra trong một chốc lát hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn, do đó có phải thực phẩm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này hay còn các nguyên nhân nào khác?
Đầy bụng không phải là một thuật ngữ y học, mà là cảm giác, thấy bụng to lên, mặc quần áo thấy khó chịu, đi kèm với cảm giác khó đi ngoài, người nặng nề, không thoải mái và có chút nóng trong bụng. Về mặt y học, đầy bụng thực chất không phải là triệu chứng của bất cứ một căn bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm nào, do đó thay vì lo lắng, những người thường xuyên mắc chứng đầy bụng nên tập trung vào việc thiết lập thói quen ăn uống hợp lý, đúng cách để hạn chế tình trạng đầy bụng xảy ra.
Một số thói quen ăn uống có thể gây ra tình trạng đầy bụng:
Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh
Không nhai kỹ thức ăn
Ăn uống không đúng giờ
Đi nằm hoặc ngủ ngay sau khi ăn xong
Sử dụng nhiều rượu, bia, thức uống có cồn, đồ uống có gas…
Chế độ ăn chỉ chứa 1 nhóm thực phẩm
Chế biến thực phẩm đơn điệu (bữa ăn chỉ có đồ chiên rán, xào….)
Ngoài ra, việc căng thẳng, lo âu có thể gây rối loạn thần kinh điều hòa bài tiết của cơ quan tiêu hóa, gây nên tình trạng đầy bụng.
Tất cả các loại thực phẩm đều có chứa một hoặc nhiều trong số các thành phần dinh dưỡng là chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein) và chất béo (lipid), các khoáng chất, vitamin… Tương tự, mì ăn liền cũng bao gồm ba loại chất dinh dưỡng chính là chất bột đường, chất đạm, chất béo. Nếu xét về năng lượng - số kcal do một gói mì ăn liền cung cấp, khoảng 300-400kcal thì cũng chỉ tương đương với số kcal có được khi ăn một bát bún cá, và còn thiếu 100kcal nữa mới bằng số kcal do một suất bún chả cung cấp.
Có luồng ý kiến cho rằng đầy bụng là do lượng chất béo có trong mì ăn liền. Bởi việc phân giải chất béo trong cơ thể mất nhiều thời gian hơn chất bột đường, nên cho rằng đây có thể là một nguyên nhân khiến cho người ăn có cảm giác bị đầy bụng. Tuy nhiên, lượng chất béo có trong các loại mì ăn liền thông dụng thường vào khoảng 10-11g, tương đương với lượng chất béo có trong một bát bún cá hay một suất bún chả ăn hàng ngày. Lượng chất béo này chỉ chiếm 16 - 17% so với nhu cầu chất béo cần trong 1 ngày và cũng chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định được rằng mì ăn liền do chứa nhiều chất béo nên gây ra cảm giác đầy bụng.
Xét tiếp đến khía cạnh các chất bảo quản có trong mì ăn liền. Hạn sử dụng của mì ăn liền thường rơi vào khoảng 5-6 tháng nên người dùng thường nghĩ mì ăn liền sử dụng nhiều chất bảo quản. Thế nhưng trên thực tế việc mì ăn liền bảo quản được lâu là do bản thân sản phẩm có hàm lượng độ ẩm rất thấp và được đóng trong bao gói kín. Như chúng ta đã biết, vi sinh vật sống được ở môi trường độ ẩm, không khí và dinh dưỡng. Đối với mì ăn liền, hàm lượng độ ẩm bình quân khoảng từ dưới 3% đến dưới 10% nên có thể giúp bảo quản và sử dụng trong thời gian dài. Đây là kết quả của việc sấy khô trong quy trình sản xuất. Vì vậy, kết luận rằng mì ăn liền gây đầy bụng là do có chứa nhiều chất bảo quản là chưa chính xác.
Tóm lại, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng đầy bụng là do mì ăn liền gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cảm giác đầy bụng như trên, hay chỉ đơn giản là thói quen ăn uống vô tội vạ của một số người đều có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh