Những loại thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa

Theo bác sỹ Vincent M. Pedre từ Trường Y Mount Sinai (Mỹ), một số thực phẩm (kể cả một số loại vốn được coi là lành mạnh) có thể ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa về lâu dài. Để cải thiện sức khỏe đường ruột, tốt hơn hết bạn không nên ăn quá nhiều chúng mà chỉ bổ sung ở lượng vừa phải trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Dưới đây là 6 thực phẩm có thể gây hại cho hệ tiêu hóa bạn nên cảnh giác:

Đồ ăn chế biến sẵn

Nhiều chuyên gia ước tính, có tới 74% các loại thực phẩm chế biến sẵn trên thị trường có hàm lượng đường cao. Chưa kể, chúng cũng có thể chứa các loại chất tạo màu, chất tạo mùi, các chất béo xấu… có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa.

Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy, những đối tượng ăn các thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, chất béo xấu… có hệ vi khuẩn đường ruột ít đa dạng hơn, ít các lợi khuẩn hơn.

 

Đường

Ăn nhiều đường có thể gây hại cho hệ tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi đường có thể làm chậm quá trình sản sinh một số protein nhất định giúp duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

 

Rượu bia

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, uống nhiều rượu bia có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, góp phần gây viêm trong cơ thể. Các hại khuẩn có thể phát triển quá mức, từ đó gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa như tiêu hóa kém, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng loạn khuẩn ở ruột non…

Để cải thiện sức khỏe đường ruột, bạn có thể chuyển sang uống rượu vang đỏ (giàu các chất chống oxy hóa) thay cho các loại rượu bia có nồng độ cồn cao. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng rượu vang đỏ cũng chỉ an toàn và tốt cho sức khỏe nếu bạn uống ở lượng vừa phải.

 

Một số sản phẩm từ sữa

Theo bác sỹ Vincent M. Pedre, nhiều chuyên gia ước tính khoảng 65% dân số thế giới đã bị suy giảm khả năng tiêu hóa lactose, một loại đường có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Tình trạng không dung nạp lactose có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như đầy bụng, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, mệt mỏi…

Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng trên trong vòng vài giờ sau khi ăn các sản phẩm từ sữa, hãy thử trao đổi với bác sỹ về nguy cơ không dung nạp lactose. Người không dung nạp lactose có thể cần hạn chế một số sản phẩm từ sữa bò. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn các sản phẩm từ sữa đã lên men (như sữa chua, kefir). Các sản phẩm từ sữa đã lên men thường dễ tiêu hóa, giúp bổ sung các lợi khuẩn đường ruột cho cơ thể.

 

Các loại đậu

Các loại đậu thường được coi là những thực phẩm lành mạnh do chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn nhiều lại có thể gây ra tình trạng đầy bụng, đầy hơi, đau bụng… rất khó chịu. Thêm vào đó, lectin (các protein liên kết carbohydrate có nhiều trong các loại đậu) có thể ảnh hưởng tới quá trình phân hủy, hấp thu các dưỡng chất trong đường tiêu hóa.

Để khắc phục các vấn đề này, bạn nên ngâm các loại đậu trước khi chế biến, hoặc chuyển sang ăn các thực phẩm từ đậu lên men (ví dụ như các món tempeh, natto từ đậu nành lên men).

 

Các chất tạo ngọt nhân tạo

Nhiều người nghĩ các chất tạo ngọt nhân tạo là lựa chọn lành mạnh hơn, thay thế cho đường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng, bổ sung nhiều các chất tạo ngọt nhân tạo (như sucralose) có thể ảnh hưởng xấu tới hệ vi khuẩn đường ruột, góp phần gây viêm trong cơ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu