Hàn – nhiệt trong thực phẩm là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm lưu ý trong các bữa ăn hàng ngày. Thực tế, có rất nhiều loại thực phẩm mà chúng ta vẫn thường nhầm lẫn phân biệt chúng là thực phẩm hàn hay nhiệt. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt chúng dễ dàng và những trường hợp nào thường gây nhầm lẫn phổ biến nhất?
Đông y rất coi trọng việc điều hòa âm dương dựa trên nguyên tắc phối hợp những thức ăn mát với thức ăn nóng. Tuy nhiên, mọi sự phân chia chỉ là tương đối. Theo đó, nói về tính nóng, lạnh là nói về dương tính hay âm tính của thực phẩm. Tính nóng lạnh của thực phẩm được xác định qua các đặc điểm:
- Thức ăn nóng (nhiệt) là những loại từ thực phẩm xứ nóng hoặc mùa sinh trưởng là mùa nóng, phần trên mặt đất mọc cao, thẳng đứng, phần dưới đất nằm ngang, có nhiều nước, nhanh chín, gặp nhiệt thì mềm, thường có màu lục, trắng, lam, tím, nhiều vitamin C...
- Thức ăn lạnh (hàn) là những loại sinh trưởng ở vùng ôn đới, thời gian sinh trưởng là mùa lạnh, phần trên mặt đất thường mọc bò ngang, phần dưới mặt đất thì thẳng đứng, ít nước, nấu lâu chín, gặp nhiệt thì rắn lại, thường có màu đỏ, da cam, nâu, vàng, đen, ít vitamin C, bộ phận thường ăn được là rễ, củ...
Về cơ bản, dù có là Đông Y hay Tây Y thì nguyên tắc sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày vẫn là đảm bảo thực phẩm đa dạng, có lợi cho sức khỏe.
Có khá nhiều thực phẩm mà chúng ta có thể nhầm lẫn khi xếp chúng vào nhóm thực phầm nóng hay lạnh. Có thể ví dụ như:
Đu đủ (mộc qua) là loại quả có thể khiến nhiều người nhầm lẫn. Loại quả này có nhiều ở vùng nhiệt đới, mọc trên cây nên đón nhiều ánh nắng mặt trời, có màu vàng khi chín và có vị ngọt. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng rằng ăn đu đủ là nóng. Tuy nhiên, thực tế theo Đông Y, đu đủ tính hàn, vị ngọt mùi hơi hắc. Đu đủ có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc, tiêu thũng. Quả đu đủ xanh được sử dụng để nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay, chữa các vết tàn hương ở mặt, tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema...
Theo quan điểm Đông Y, thực vật trong đất sẽ có tính nhiệt, vì chúng có thời gian dài trong đất, hấp thụ một lượng nước ít. Tương tự thì khoai tây, củ từ, gừng,… đều là các loại thực phẩm mang tính nhiệt.
Mơ là loại quả được trồng ở nhiều ở miền Bắc nước ta. Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua. Nhiều người nghĩ rằng quả mơ có tính nhiệt do vị chua, ngọt nhưng thực chất quả mơ có tính hàn, ấm vị. Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai (vì có lớp muối ngoài màu trắng). Bạch mai có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon, thanh nhiệt, giải độc, chữa đau cổ, sát khuẩn. Mơ rất giàu dược tính và còn là vị thuốc trong mùa xuân – hè.
Theo các chuyên gia, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng gần giống với thịt bò. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng thịt trâu có tính nhiệt như thịt bò nhưng không phải như vậy. Thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn không độc, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt và có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê, đau lưng, phù chân. Còn thịt bò có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, mạnh gân cốt. Thịt bò trị được chứng hư lao gầy mòn, cơ thể suy yếu, lưng, đùi.
Chuối tiêu là một loài thực vật thuộc họ chuối, phân bố nhiều ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chuối tiêu còn có các tên gọi khác như chuối già, ba thư, bản tiêu, tiêu tử, ba quả… Nhiều người nghĩ rằng ăn nhiều chuối gây nóng, tuy nhiên lại không phải như vậy. Chuối tiêu có vị ngọt, tính hàn, không độc, thành phần chủ yếu là protein, tinh bột, chất béo, các loại đường, phốt pho, calci, kẽm, vitamin A, C, E, B11,… Đặc biệt, trong chuối chứa nhiều Pectin – một loại glucid giúp tiêu hóa tốt và chống nhiễm trùng đường ruột. Đồng thời, chuối cũng là nguồn Kali tự nhiên bổ dưỡng cho cơ thể.
Khác với trứng gà mang tính nhiệt, trứng vịt lại mang tính hàn. Điều này tương tự như thịt của 2 loại gia cầm này: thịt gà tính nhiệt và thịt vịt tính hàn. Trứng vịt là loại thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, trứng vịt lộn – loại món ăn ưa thích của nhiều người có tính hàn, có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí và có thể chữa được nhiều bệnh như suy nhược, yếu sinh lý, đau đầu chóng mặt...
Nhãn có mặt trong nhiều món ăn, thức uống giải nhiệt mùa hè, hương vị cũng rất dễ chịu nên nhiều người nghĩ nó tính mát. Tuy nhiên, theo Đông y, nếu dưới dạng bài thuốc thì cùi nhãn phơi hay sấy khô (long nhãn) mang tính ôn nhiệt. Còn về phần quả, do nhãn ngọt thơm, tính ấm, nên đối với người mắc chứng đờm hỏa (hay hồi hộp, mặt đỏ miệng khô, mất ngủ mê sảng, tính tình thất thường…) và người thể nhiệt thì không nên ăn, nhất là phụ nữ có thai lại càng phải kiêng. Người ở thể hỏa vượng (phiền muộn quá mức, hao tổn tinh thần, suy nghĩ quá nhiều…) hay cao huyết áp, tiểu đường cũng không nên dùng.
Ổi có hương vị khá dịu, kể cả những quả rất ngọt cũng không gây cảm giác gắt, ăn nhiều vẫn không cảm thấy khó chịu. Vì thế nhiều người vẫn tưởng nó tính mát hoặc tính bình. Tuy nhiên theo Đông y, quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm và kiện vị (kiểm soát và ổn định các rối loạn) đại tràng. Các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa đại tiện lỏng, lỵ mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, đái tháo đường...
Thực tế trong cuộc sống có nhiều loại thực phẩm có thể không rõ ràng để phân biệt là hàn hay nhiệt. Tuy nhiên, việc nắm được các tính chất của thực phẩm cũng sẽ giúp lựa chọn hợp lý và kết hợp chính xác, không quá lạm dụng bất cứ một loại thực phẩm nào và cân bằng dinh dưỡng, điều hòa cho cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh