Sự sụt giảm estrogen này có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm:
+ Bốc hoả
+ Đổ mồ hôi đêm
+ Thiếu tập trung
+ Mệt mỏi
+ Khô âm đạo
+ Khó ngủ
Liệu pháp hormone là một cách để giảm các triệu chứng khó chịu này. Nó liên quan đến việc sử dụng estrogen để chống lại sự sụt giảm tự nhiên của estrogen trong thời kỳ mãn kinh. Trong khi phương pháp này rất hiệu quả, nó vẫn đi kèm với một số rủi ro.
Dùng estrogen - đặc biệt là trong thời gian dài - có thể làm tăng nguy cơ đông máu, đột quỵ, ung thư vú hoặc tử cung. Estrogen có thể không phải là một lựa chọn cho nhiều phụ nữ tùy thuộc vào sức khỏe của họ và tiền sử sức khỏe gia đình.
Một số người đã chuyển sang các lựa chọn thay thế tự nhiên, chẳng hạn như đậu nành, để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh của họ với ít rủi ro hơn. Đậu nành được tìm thấy trong các loại thực phẩm rất phổ biến và dễ ăn như đậu phụ và sữa đậu nành, cũng như trong các chất bổ sung. Nó chứa các hợp chất hóa học gọi là isoflavone có một số tác dụng giống như estrogen.
Isoflavone là một phần của một nhóm các hóa chất có nguồn gốc thực vật được gọi là phytoestrogen. Những hóa chất này hoạt động giống như một dạng estrogen yếu hơn trong cơ thể.
Các isoflavone chính trong đậu nành là genistein và daidzein. Khi bạn ăn đậu nành, vi khuẩn trong ruột sẽ phân hủy nó thành các dạng hoạt động mạnh hơn.
Khi vào cơ thể bạn, isoflavone đậu nành liên kết với các thụ thể giống như estrogen. Receptor giống như các trạm nối trên bề mặt tế bào. Khi isoflavone liên kết với một số thụ thể, chúng sẽ bắt chước tác dụng của estrogen.
Khi isoflavone bắt chước estrogen, chúng có thể giúp giảm chứng bốc hỏa và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh.
Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy đậu nành và isoflavone đậu nành có thể làm giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, nhưng nó chỉ ở mức độ rất nhẹ và dường như không hoạt động nhanh như liệu pháp thay thế hormone. Các sản phẩm từ đậu nành có thể mất vài tuần hoặc hơn để đạt được lợi ích tối đa. Ví dụ, một đánh giá năm 2015 cho thấy isoflavone đậu nành mất hơn 13 tuần để đạt được chỉ một nửa hiệu quả tối đa của chúng. Mặt khác, liệu pháp hormone truyền thống mất khoảng ba tuần để cho thấy lợi ích tương tự.
Nhiều phân tích khác về chủ đề này đã tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy đậu nành có hiệu quả làm giảm các cơn bốc hỏa, khô âm đạo hoặc các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh.
Trong khi các nghiên cứu đánh giá mức độ hiệu quả của đậu nành trong việc điều trị các triệu chứng thời kỳ mãn kinh còn nhiều tranh cãi, thì đậu nành cũng có những lợi ích sức khỏe tiềm năng khác:
+ Giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Đậu nành chứa đầy dinh dưỡng có lợi, ít chất béo bão hòa và calo. Những thành phần trong đậu nành giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch như chất xơ, chất đạm, axit béo omega-3, chất chống oxy hóa, …
Ăn đậu phụ và các thực phẩm làm từ đậu nành khác vài lần một tuần có thể giúp bạn cắt giảm một số nguồn protein từ động vật, chẳng hạn như bít tết hoặc bánh hamburger, có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Giảm chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, vốn tăng lên khi bạn đến tuổi mãn kinh.
+ Củng cố hệ xương của bạn
Estrogen đóng một vai trò trong việc bảo tồn sức mạnh của xương. Đó là lý do tại sao nguy cơ phát triển bệnh loãng xương của bạn tăng lên trong thời kỳ mãn kinh. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng đậu nành có thể hữu ích để duy trì sức khỏe của xương ở những người đã trải qua thời kỳ mãn kinh.
Nếu bạn muốn khám phá những lợi ích sức khỏe tiềm năng của đậu nành, hãy cân nhắc thêm một số loại thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày:
+ Đậu tương
+ Bột đậu nành
+ Súp miso
+ Đậu hũ
+ Sữa đậu nành
+ Sữa chua đậu nành
Bạn cũng có thể bổ sung isoflavone đậu nành ở dạng thực phẩm bổ sung. Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ khuyến cáo nên bắt đầu với liều 50 miligam mỗi ngày. Bạn có thể cần phải tăng liều để có hiệu quả rõ rệt hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh