Tên thường gọi: măng tây
Tên gọi khác: rau hoàng đế, rau mùa xuân.
Tên khoa học: Asparagus officinalis L.
Phân họ: Họ Thiên môn (Asparagaceae).
Măng tây là loài cây thân thảo, sống lâu năm. Thân rễ sinh chồi hình trụ mập, tròn màu trắng ngà, đầu màu lục nhạt, mang nhiều lá dạng vảy, hình tam giác úp vào nhau. Thân khí sinh mảnh, màu lục, hình trụ, mang những vòng cành nhỏ biến đổi thành những lá giả hình kim, lá thật thưa và rụng sớm.
Hoa đơn tính mọc đơn độc hoặc đôi một ở kẽ những cành nhỏ, khác gốc, màu vàng lục nhạt.
Quả mọng, hình cầu, màu đỏ.
Bộ phận dùng làm thuốc của măng tây là rễ, dùng làm thực phẩm là thân.
Măng tây chứa canxi, phốt pho, đồng, sắt, vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2.
Rễ măng tây chứa sitosterol, sarsasapogenin, 8 dòng asparagosid, coniferin, acid chelidonic, flavonoid, coumarin.
Vỏ thân măng tây có sterol, acid béo, caroten, yamogenin.
Măng tây có vị ngọt, đắng, tính ôn, tác dụng nhuận phế, trừ ho, lợi đờm.
Các tác dụng đã nghiên cứu:
Măng tây có các tác dụng:
Lợi tiểu.
Hạ huyết áp: thông qua cơ chế giãn mạch, lợi tiểu và có cả cơ chế tương tự thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
Trên bệnh nhân viêm dạ dày, măng tây có tác dụng chống loét, ngăn ngừa tổn thương niêm mạc dạ dày.
Hạ đường huyết: các coumarin trong măng tây giúp hạ đường huyết rất tốt.
Hạ mỡ máu.
Ngoài ra, măng tây cò có tác dụng chống khối u, kháng nấm, nhuận trường nhẹ, cường dương và an thần (các tác dụng này chưa được nghiên cứu sâu).
Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm dân gian:
Từ trước công nguyên, người dân Hy Lạp và La Mã thường lấy măng tây tươi để nấu canh ăn hoặc sắc uống để kích thích tiểu tiện. Khi ăn măng tây, nước tiểu thải ra có mùi đặc biệt. Măng tây được chỉ định dùng cho người yếu thận, đau bàng quang và suy gan mật.
Măng tây có ích cho người lao động trí óc, tăng cường sức dẻo dai trong công việc.
Ở Ấn Độ, măng tây được dùng làm thuốc chữa chứng bụng đầy hơi, nước sắc măng tây chữa thấp khớp, phối hợp với kali bromid chữa phù thũng do tim và bệnh viêm khớp Gout.
Cũng ở Ấn Độ, chất chiết xuất từ rễ măng tây đã được sử dụng để tăng cường chức năng sinh sản ở nữ giới và tăng sản xuất sữa mẹ.
Ở Trung Hoa, người ta dùng măng tây chữa ho, phế nhiệt.
Liều dùng: Khi sắc trong thang thuốc điều trị bệnh hàng ngày, măng tây được dùng với liều 6 - 9g. Trong chế biến món ăn, không có định liều cho mỗi người.
Măng tây là một loại rau ăn cao cấp, có thể xào, luộc hoặc nấu canh ăn.
Ở Pháp, có một biệt dược tên là “Sirop des cinqracines” được ghi trong dược điển và lưu hành rộng rãi với công dụng lợi tiểu, khai vị và gây trung tiện. Thuốc gồm có mầm non cây măng tây, rễ rau cần tây, rễ mùi tây, rễ cây nhựa ruồi, và rễ cam thảo.
Măng tây giúp kích thích tiết sữa theo kinh nghiệm sử dụng trong dân gian ở một số nước. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai.
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
Măng tây có thể tương tác hoặc làm lệch kết quả điều trị khi bệnh nhân đang dùng kèm các thuốc huyết áp, đái tháo đường, do đó không ăn nhiều măng tây một ngày nếu bạn đang dùng các thuốc này.
Măng tây có nguồn gốc ở vùng phía đông Địa Trung Hải, được trồng rộng rãi ở châu Âu. Cây măng tây còn thấy mọc hoang ở Hoa Kỳ. Hiện nay, măng tây đã trở thành cây trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả một số nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Măng tây trồng ở Việt Nam có lẽ do người Pháp mang vào trước đây. Vùng ngoại thành Hà Nội và một số địa phương lân cận có nhiều kinh nghiệm măng tây để xuất khẩu.
Măng Tây có đặc tính của cây ngắn ngày ở vùng ôn đới ẩm. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình khoảng trên 20°C. Tuy nhiên, do được thuần hoá nhiều năm và qua nhiều thế hệ nên măng tây đã sống được ở những vùng nhiệt đới nóng và ẩm. Măng tây trồng ở vùng núi có năng suất cao hơn ở vùng thấp. Măng tây ra hoa quả nhiều hàng năm. Hạt là nguồn gieo giống chủ yếu. Song với khả năng mọc chồi gốc khoẻ, nên sau khi thu hoạch măng (chồi non), phần gốc còn lại cũng được sử dụng làm giống để trồng.
Hạt giống thu từ quả măng già, đỏ mọng, bóp lấy hạt, phơi khô, bảo quản trong lọ kín. Nhiệt độ nảy mầm thích hợp cho hạt măng là khoảng 25 độ C.
Tốt nhất nên gieo hạt vào đầu mùa thu (cuối tháng 8, đầu tháng 9) trong vườn ươm để có cây con trồng vào tháng 2, sau tiết lập xuân.
Vườn ươm cần chọn nơi cao ráo, thoát nước, làm đất thật tơi nhỏ, bón lót 1 - 5kg phân chuồng ủ mục với 5% supe lân cho mỗi mét vuông. Trước khi gieo, ngâm hạt vào nước 35°C qua một ngày đêm, sau đó ủ ở 25°C đến khi hạt nứt nanh. Chọn những hạt có mầm đem gieo, số còn lại đãi sạch, ủ tiếp để có mầm gieo vào hôm sau. Hạt gieo với khoảng cách 15-20cm x 5cm, ở độ sâu 1 - 1,5cm, phủ đất, sau đó dùng trấu hoặc mùn đã ủ mục rắc lên trên rồi tưới ẩm. Mỗi hecta cần 300 - 400m2 vườn ươm với lượng hạt 1 - 1,5kg.
Khi cây con lên cao 5 - 10cm, dùng nước phân loãng tưới thúc 10-15 ngày 1 lần. Hạn chế dùng phân hóa học cho cây con trong vườn ươm. Khi cây được 1 tháng và 3 tháng tuổi, làm cỏ, xới xáo và vun gốc, kết hợp bón thúc nước phân.
Măng tây là cây ưa sáng. Thiếu ánh sáng, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp. Đất trồng măng tây phải có độ phì cao, tơi xốp, độ pH 6 - 7 (cây không chịu được đất chua). Đất phải cày sâu, bừa thật kỹ, lên luống rộng 50 - 60cm, cao 40cm, rãnh rộng 30 -40cm. Ở giữa các rãnh bổ hốc sâu 20cm với khoảng cách 50cm. Trộn đều phân chuồng, phân hoá học và vôi bột (nếu đất chua) với đất, lấp vào hốc và đặt cây con vào, mỗi hốc đặt 2 cây. Mỗi hecta cần bón lót 30 - 40 tấn phân chuồng (có thể bón tới 50 tấn), 200kg urê và 150kg kali sulfat. Trồng xong, cần giữ độ ẩm thường xuyên khoảng 65 - 70%.
Sau khi trồng được 2 tháng, xả đất ở luống vun dần vào gốc cây (1/2 lượng đất trồng luống). Sau đó 1 tháng, vun nốt số đất còn lại làm thành luống cố định rộng 50cm, rãnh 30cm. Lần vun này kết hợp bón thúc cho mỗi hecta 60kg urê, 60kg kali sulfat và 90kg supe lân. Hàng năm, vào tháng 3 lại tiến hành bón thúc cho măng tây với lượng phân như trên. Ngoài ra, vào thời kỳ thu hoạch măng nhiều, cứ hai tuần một lần, dùng nước phân pha loãng tưới cho cây, kết hợp xới xáo và vun gốc.
Khi cây măng tây được 1 năm, cần làm giàn chống đỡ. Dùng cọc tre hoặc xi măng cao 1,5 - 2m cắm ở hai đầu luống rồi căng dây nilon hoặc dây nhôm ở độ cao 0,5m và 1m cho cây tựa. Có thể bấm ngọn để hạn chế độ cao và tăng cành lá.
Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây có thể cho thu hoạch 2-3 mầm, năm thứ hai cho 8-10 mầm. Măng cần được thu khi chưa nhô lên khỏi mặt đất, thu vào lúc sáng sớm lúc mặt trời chưa mọc để măng khỏi biến màu (lục hóa). Khi thu, bới nhẹ gốc, dùng tay tách lấy măng, rửa sạch, lấy giấy bọc lại và xếp nhẹ nhàng vào sọt. Nếu không dùng ngay, có thể bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Măng tây có thể cho thu hoạch liên tục trong 8-10 năm, nhưng thường cho năng suất cao từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Sang năm thứ 7-8, năng suất giảm dần.
Măng tây được dùng tốt khi còn tươi, hiếm khi bảo quản khô. Cành măng tây tươi cần được gói kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Măng tây tươi có thể tiếp tục phát triển trong lúc lưu trữ và mau chóng xơ hóa, do đó cần chế biến sớm sau khi mua về.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh